Chủ động khắc phục khó khăn, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh ngay sau Tết cổ truyền
Ngay sau những ngày đón Tết cổ truyền Nhâm Thìn, nhiều địa phương, doanh nghiệp trong cả nước đã chủ động khắc phục khó khăn, tạo khí thế sản xuất kinh doanh với mục tiêu và quyết tâm cao Thanh Hóa: Tại hội nghị triển khai các nhiệm vụ trọng tâm sau Tết Nguyên đán ngày 1/2, ông Trịnh Văn Chiến, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hoá cho biết: " Tập trung bám cơ sở, kiểm tra giám sát để kịp thời tháo gỡ khó khăn cho các địa phương, đơn vị trong sản xuất, kinh doanh là nhiệm vụ hàng đầu được Thanh Hoá triển khai ngay sau Tết.Đây cũng là một trong những giải pháp nhằm thực hiện thắng lợi các mục tiêu kinh tế - xã hội của tỉnh trong năm 2012". Trước mắt, Thanh Hóa tập trung đảm bảo tốt các điều kiện về nước tưới, giống, vật tư, phân bón để gieo cấy vụ Chiêm Xuân đúng thời vụ, hết diện tích và đúng cơ cấu giống. Tổ chức thực hiện tốt kế hoạch tiêm phòng cho đàn gia súc, gia cầm, thường xuyên theo dõi, phát hiện kịp thời và xử lý triệt để...
Ngay sau những ngày đón Tết cổ truyền Nhâm Thìn, nhiều địa phương, doanh nghiệp trong cả nước đã chủ động khắc phục khó khăn, tạo khí thế sản xuất kinh doanh với mục tiêu và quyết tâm cao
Thanh Hóa:Tại hội nghị triển khai các nhiệm vụ trọng tâm sau Tết Nguyên đán ngày 1/2, ông Trịnh Văn Chiến, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hoá cho biết: ” Tập trung bám cơ sở, kiểm tra giám sát để kịp thời tháo gỡ khó khăn cho các địa phương, đơn vị trong sản xuất, kinh doanh là nhiệm vụ hàng đầu được Thanh Hoá triển khai ngay sau Tết.
Đây cũng là một trong những giải pháp nhằm thực hiện thắng lợi các mục tiêu kinh tế – xã hội của tỉnh trong năm 2012″. Trước mắt, Thanh Hóa tập trung đảm bảo tốt các điều kiện về nước tưới, giống, vật tư, phân bón để gieo cấy vụ Chiêm Xuân đúng thời vụ, hết diện tích và đúng cơ cấu giống. Tổ chức thực hiện tốt kế hoạch tiêm phòng cho đàn gia súc, gia cầm, thường xuyên theo dõi, phát hiện kịp thời và xử lý triệt để các ổ dịch ngay từ khi phát sinh, không để lây ra diện rộng. Đồng thời đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả đánh bắt, nuôi trồng thủy sản. Bên cạnh đó, tỉnh chủ động kiểm tra, nắm chắc tình hình hoạt động của các doanh nghiệp công nghiệp và dịch vụ thương mại để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, đẩy nhanh tiến độ đầu tư các dự án công nghiệp đang triển khai, nhất là các dự án công nghiệp lớn để sớm hoàn thành đưa vào hoạt động. Tạo điều kiện thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào nông thôn để tạo việc làm, tăng thu nhập cho người lao động.
Ngoài việc tổ chức đối thoại trực tiếp với các doanh nghiệp để nắm bắt tình hình, kịp thời tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, UBND tỉnh Thanh Hoá sẽ phối hợp với Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo, hướng dẫn các ngân hàng thương mại trên địa bàn thực hiện tốt chính sách tiền tệ theo quy định của Chính phủ, đẩy mạnh các biện pháp huy động vốn, giảm chi phí để giảm lãi suất tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tiếp cận được với các nguồn vốn vay, để đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh…
Cùng với phát triển kinh tế, tỉnh Thanh Hoá chú trọng tăng cường công tác quản lý, hướng dẫn các địa phương tổ chức tốt các hoạt động văn hoá, lễ hội, du lịch đầu xuân, bảo đảm an toàn, tiết kiệm, gìn giữ và phát huy bản sắc văn hoá truyền thống tốt đẹp của các dân tộc. Bên cạnh đó, đảm bảo giữ vững an ninh trật tự, an toàn xã hội, kiểm tra, nắm chắc tình hình đời sống nhân dân, nhất là ở khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng bãi ngang để có phương án cứu trợ kịp thời…
Với dự báo năm 2012 là năm đầy thách thức và khó khăn, nên ngay từ sau Tết cổ truyền Nhâm Thìn, nhiều doanh nghiệp ở tỉnh Bình Dươngđã chủ động ra quân sản xuất với quyết tâm rất cao. Nhiều doanh nghiệp đã chủ động đổi mới công nghệ, đổi chiến thuật sản xuất – kinh doanh để vượt qua thử thách.
Công ty thép Đại Thiên Lộc đóng tại Khu công nghiệp (KCN) Sóng Thần 3 đã ra quân sản xuất với quyết tâm rất cao, đặt mục tiêu tăng trưởng năm 2012 với doanh thu 2.200 tỷ đồng, tăng hơn 20% so với cùng kỳ năm trước. Để làm được điều này, Tổng giám đốc Nguyễn Thanh Nghĩa nêu ngay kinh nghiệm: “ Yếu tố thành công của đơn vị chính là nguồn nhân lực. Là doanh nghiệp (DN) có chi bộ Đảng, nên chúng tôi thành lập các tổ sản xuất do những đồng chí đảng viên có tâm huyết cao, có đầy đủ năng lực và tay nghề giỏi quản lý, đây là động lực để tạo ra các sản phẩm có chất lượng tốt, mà nếu làm tốt, làm có chất lượng thì sao mà không thắng”.
Ông Lý Ngọc Bạch – Giám đốc công ty gốm sứ Cường Phát ở thị xã Thuận An, nơi có 2000 công nhân làm việc cho biết, để chủ động vượt qua khó khăn, thách thức, doanh nghiệp đã đầu tư thêm hai lò nung loại 35m3 do Công ty Nhất Thống đơn vị sản xuất lò trong nước ứng dụng kỹ thuật cao để làm lợi các giải pháp hữu ích như tiết kiệm gas, giảm thời gian nung và giá thành mỗi lò nung lại rẻ hơn giá lò nung nhập ngoại. Đây là loại lò sản xuất bằng nguyên vật liệu do người Bình Dương tự làm, nhưng không thua gì lò ngoại nhập, giá thành lại rẻ gần đến 30%, giảm hao tốn gas nung đến 20 – 25% và sản phẩm nung đạt độ chín đến 100%. Hiện nay, hai chiếc lò mới đang được vận hành khá tốt để gia tăng nung các sản phẩm phục vụ đẩy mạnh sản xuất và xuất khẩu trong năm 2012. Hiện có đến hơn 70% sản phẩm gốm sứ Cường Phát xuất sang các nước trong khu vực và thế giới.
Ông Bùi Thanh Nhân, Chủ tịch Công đoàn các Khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Bình Dương cho biết, hiện có tới 75% tổng số công nhân đã trở lại các nhà máy làm việc sau thời gian nghỉ Tết; trong đó 60% số doanh nghiệp trong và ngoài nước tại các khu công nghiệp (KCN) trên địa bàn đã hoạt động trở lại.
Theo ông Đoàn Văn Đây, Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Đồng Nai, đến ngày 1/2, tại hầu hết các doanh nghiệp lớn, đặc biệt là các công ty thuộc ngành giày da, may mặc… 98% lao động đã trở lại làm việc – đây là tỉ lệ rất cao so với những năm trước. Một số ít lao động chưa trở lại làm việc chủ yếu ở các tỉnh phía Bắc và miền Trung nhưng cũng đã có đơn xin nghỉ phép, số này dự kiến sẽ trở lại làm việc đầy đủ sau ngày 6/2. Người lao động trở lại làm việc bình thường sau Tết Nguyên đán là một tín hiệu vui đối với các doanh nghiệp, bởi những năm trước sau Tết công nhân thường bỏ chỗ làm cũ nên các doanh nghiệp tại Đồng Nai luôn rơi vào tình trạng “khát” lao động.
Có được tín hiệu lạc quan này, theo nhận định của ông Đây là do chính sách phúc lợi chăm lo cho người lao động như: điều chỉnh tăng lương cho công nhân, thưởng lương tháng 13, 14 trong Tết Nhâm Thìn 2012, thưởng năng suất,… đã được đa số các doanh nghiệp thực hiện tốt. Bên cạnh đó, năm 2012 theo đánh giá của Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Đồng Nai, khả năng tìm việc của người lao động sẽ khó hơn những năm trước nên công nhân muốn duy trì chỗ làm cũ.
Năm 2012, hầu hết các doanh nghiệp tại Đồng Nai đã bắt đầu đi vào sản xuất từ ngày 30/1. Cá biệt, những ngày Tết Nhâm Thìn 2012 một số công ty ở Khu công nghiệp Amata, Nhơn Trạch, Biên Hòa vẫn duy trì sản xuất. Những ngày này, người lao động đi làm có thu nhập cao hơn 300% so với ngày đi làm bình thường, ngoài ra công nhân còn được thưởng 200 đến 250 nghìn đồng/người/ngày. Theo Liên đoàn Lao động tỉnh Đồng Nai, đến thời điểm này chưa có doanh nghiệp nào báo cáo tình trạng lao động bỏ việc.
Theo sở Công thương Đồng Nai, đa số DN lớn thuộc các ngành sản xuất – xuất khẩu mũi nhọn của tỉnh như: may mặc, giày da, chế biến gỗ, chế biến nông sản thực phẩm, thức ăn gia súc…đều đã có đơn hàng quý I, một số đơn vị còn ký đơn hàng đến hết quý II. Các DN nhỏ và vừa thuộc các ngành sản xuất hàng tiêu dùng, thực phẩm… với thị trường chính là thị trường nội địa hiện cũng đã ổn định công nhân và đơn hàng cho năm 2012. Trong đó, nhiều đơn vị bắt đầu sản xuất từ rất sớm, để kịp cung ứng hàng ra thị trường. Công ty chế biến xuất nhập khẩu nông sản thực phẩm Đồng Nai (Donafoods) cho biết, ngày mùng 8 tháng giêng (30/1), công ty bắt đầu tổ chức sản xuất trở lại. Ngày đầu tiên sản xuất của năm mới này DN cũng đã xuất lô hàng 300 tấn sản phẩm trị giá gần 1 triệu USD. Ông Nguyễn Trọng Trí, Phó tổng giám đốc Công ty Donafoods cho biết, trong quý I năm nay kim ngạch xuất khẩu của DN dự kiến đạt khoảng 15 triệu USD. Thị trường xuất khẩu hàng chính của Donafoods là Bắc Mỹ, Úc, Nhật Bản, Trung Quốc và dự kiến trong năm 2012, các thị trường trên tiếp tục là những thị trường xuất khẩu thế mạnh của công ty. Ông Nguyễn Tuấn Phương, Giám đốc Nhà máy chế biến thực phẩm Đồng Nai D&F cho biết, ngay từ ngày 26/1 (mùng 4 Tết), toàn bộ công nhân đã trở lại làm việc bình thường. D&F đã trở lại nhịp độ công việc như mọi ngày nhằm cung ứng các sản phẩm gia súc, gia cầm tươi sống và chế biến cho hệ thống siêu thị. Đến thời điểm này, sản lượng hàng cung ứng ra thị trường của D&F đã trở lại như bình thường.
Bà Lê Thị Mỹ Phượng, Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội còn cho biết, sau Tết năm Nhâm Thìn này, Đồng Nai không còn rơi vào tình trạng thiếu lao động như đã từng xảy ra ở những năm trước. Bên cạnh đó, việc làm cho người lao động ngày nghỉ Tết Nguyên đán vừa qua, một số DN ở KCN Nhơn Trạch, Biên Hòa và Amata vẫn duy trì sản xuất, người lao động đi làm có thu nhập cao 300% so với ngày đi làm bình thường, ngoài ra còn được DN thưởng từ 200 đến 250 ngàn đồng/ngày. Cũng theo bà Phượng, nhờ chính sách phúc lợi chăm lo cho người lao động trước Tết Nguyên đán, như: lương tháng 13-14, thưởng năng suất… được đa số các DN đảm bảo là một trong những nhân tố khuyến khích người lao động quay trở lại làm việc tương đối đông ngay sau những ngày nghỉ Tết./.
Các cấp ủy Đảng, chính quyền, các ngành của tỉnh Vĩnh Longđã nỗ lực thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm để sớm biến những kỳ vọng năm con Rồng thành hiện thực, trong đó đặc biệt chú trọng sản xuất nông nghiệp, công nghiệp và xây dựng nông thôn mới ngay sau thời gian đón Tết cổ truyền.
Với mục tiêu duy trì tốc độ tăng trưởng nông, lâm, thủy sản đạt trung bình 6,5%/năm, ngay trong tháng 1, tỉnh Vĩnh Long đã chỉ đạo các địa phương chuyển dịch cơ cấu sản xuất trong nội bộ ngành nông nghiệp; chuyển sản xuất lúa và những loại cây trồng kém hiệu quả sang trồng các loại cây trồng, vật nuôi có hiệu quả kinh tế cao; đẩy mạnh ứng dụng các biện pháp khoa học kỹ thuật vào sản xuất nhằm tăng năng suất, chất lượng; tổ chức lại hình thức sản xuất, tạo mối liên kết giữa nông dân- Nhà nước- nhà khoa học và doanh nghiệp. Trong sản xuất lúa, tỉnh chú trọng công tác giống vì đây là yếu tố quyết định năng suất, chất lượng lúa gạo phục vụ xuất khẩu.
Trong sản xuất công nghiệp, theo Sở Công thương Vĩnh Long, trong tháng đầu năm, giá trị sản xuất công nghiệp toàn tỉnh ước thực hiện hơn 518 tỷ đồng, so cùng kỳ năm trước tăng hơn 27,4% và tăng đều ở cả 3 khu vực: kinh tế nhà nước (tăng hơn 39% so cùng kỳ); kinh tế dân doanh (tăng 11,7%); kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài (tăng hơn 45%). Kim ngạch xuất khẩu ước đạt gần 23 triệu USD, tăng 17% so cùng kỳ; tổng vốn đầu tư phát triển tháng 1/2012 đạt 55,176 tỷ đồng, tăng hơn 52% so với cùng kỳ năm trước.
Riêng về xây dựng nông thôn mới (NTM), năm 2012 Vĩnh Long tập trung chỉ đạo thực hiện tạo sự chuyển biến tích cực, toàn diện phong trào “Vĩnh Long chung sức xây dựng NTM”; xem xây dựng NTM là nhiệm vụ chính trị trọng tâm trong 4 chương trình mục tiêu Nghị quyết Đại hội IX của Đảng bộ tỉnh, phấn đấu đến 2015 có 22 xã đạt chuẩn xã NTM, các xã còn lại đạt từ 10 tiêu chí xã NTM. Trong đó, tỉnh xác định, năm 2012 phải tạo đà vững chắc để tăng tốc phát triển ở những năm tiếp theo.
Vì vậy, Vĩnh Long tập trung lãnh đạo tổ chức thực hiện các nhóm nhiệm vụ chủ yếu: nâng cao nhận thức về Chương trình xây dựng NTM, xem đây là nhiệm vụ trọng tâm xuyên suốt của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội từ nay đến 2015; nâng cao hơn nữa năng lực điều hành của BCĐ, cấp uỷ Đảng, chính quyền các cấp, hoàn thành quy hoạch, phê duyệt đề án NTM các xã trước quý III năm 2012; huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực đầu tư xây dựng NTM, đặc biệt chú trọng nguồn lực trong dân và các thành phần kinh tế; tăng cường kiểm tra giám sát, coi trọng việc sơ tổng kết, nhân điển hình nhằm sớm đưa phong trào “ Vĩnh Long chung sức xây dựng NTM” thành hiện thực, góp phần hoàn thành thắng lợi mục tiêu Nghị quyết Đại hội IX Đảng bộ tỉnh đề ra.
Theo Dangcongsan.vn
Ý kiến ()