Chủ động khắc phục hậu quả bão Hai Yan
LSO-Tuy không ảnh hưởng trực tiếp đến Lạng Sơn, nhưng siêu bão Hai Yan đã gây mưa lớn trên địa bàn.
LSO-Tuy không ảnh hưởng trực tiếp đến Lạng Sơn, nhưng siêu bão Hai Yan đã gây mưa lớn trên địa bàn. Tại nhiều địa phương đã xảy ra tình trạng ngập úng cục bộ, một số tuyến đường bị chia cắt tạm thời. Tuy nhiên với sự chủ động của Ban chỉ huy phòng chống lụt bão các cấp và nhân dân, Lạng Sơn đã đảm bảo an toàn về người, cũng như hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do siêu bão gây ra.
Với sự hỗ trợ của lực lượng chức năng, nhân dân đã kịp thời di dời hàng hóa khỏi chợ Giếng Vuông khi nước lên (ngày 11/11) |
Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão, từ chiều ngày 10/11/2013 trên địa bàn tỉnh đã có mưa lớn cả về diện và lượng. Trong đó ở Đình Lập, lượng mưa đo được lên đến gần 300mm. Ông Đặng Văn Toản, Chủ tịch UBND thị trấn Đình Lập cho biết: qua dự báo trên các phương tiện thông tin đại chúng, ngay từ khi bão chưa đi vào đất liền, cấp ủy, chính quyền xã đã nhận định đúng khả năng ảnh hưởng của bão tới địa bàn. Thị trấn đã tuyên truyền, vận động nhân dân thu hoạch nhanh các diện tích lúa mùa, đồng thời cảnh báo các khu vực có khả năng xảy ra ngập úng, lở đất. Chính vì vậy nên thiệt hại đã được hạn chế đến mức thấp nhất, toàn bộ diện tích vụ mùa không bị ảnh hưởng. Một số khu vực trũng như chợ Đình Lập bị úng cục bộ khoảng gần 2 giờ đồng hồ, nhưng cơ bản các tiểu thương kinh doanh tại đây đã chủ động sơ tán kịp thời hàng hóa, tài sản. Toàn thị trấn chỉ có khoảng 10 ha rau vụ đông bị cuốn trôi. Ông Toản cho biết: đây là điều bất khả kháng, bởi các diện tích rau màu này đều ở ven suối, hiện nay thị trấn đang tích cực rà soát, kiểm tra tình hình và có các biện pháp giúp nhân dân khắc phục các diện tích rau màu này. Đến sáng 12/11/2013, hoạt động của chợ Đình Lập đã diễn ra bình thường.
Trao đổi về vấn đề này, ông Bùi Văn Cường, Phó Trưởng phòng NN&PTNT huyện Đình Lập cho biết: nhân dân các địa phương trên địa bàn huyện đã rất chủ động trong việc chống bão, hầu hết các diện tích lúa mùa đã thu hoạch trước khi bão đổ bộ gây mưa lớn. Duy nhất chỉ có trường hợp đáng tiếc ở Bản Sum, xã Cường Lợi, nhân dân đã gặt xong nhưng chưa kịp vận chuyển về nên bị cuốn trôi toàn bộ khoảng 10 mẫu, hiện sự việc đã được báo cáo các cấp có thẩm quyền để kịp thời có hướng giải quyết, hỗ trợ nhân dân. Ngoài ra, theo thống kê sơ bộ, toàn huyện Đình Lập có khoảng 40 nhà bị tốc mái và một số tuyến đường bị sạt lở, tuy nhiên không địa phương nào bị cô lập.
Ngoài huyện Đình Lập, ảnh hưởng của bão Hai Yan, các địa phương khác trong toàn tỉnh đều có mưa vừa đến mưa to. Cụ thể Tại thành phố Lạng Sơn mưa 116mm; tại Mẫu Sơn huyện Lộc Bình mưa 333mm; các địa phương khác, lượng mưa dưới 50mm. Đến ngày 12/11/2013, đỉnh lũ trên sông Kỳ Cùng trên báo động II là 0,43m. Theo báo cáo sơ bộ của các địa phương, tính đến sáng 13/11/2013, toàn tỉnh có 5 nhà bị sập đổ; 70 nhà dân bị tốc mái; 291 nhà bị ngập nước và hơn 800 quầy hàng kinh doanh bị ngập, phải di dời hàng hóa. Đối với sản xuất nông nghiệp, ảnh hưởng của bão là 150ha lúa mùa và 66ha rau màu bị ngập; 287ha lúa bị đổ. Về giao thông, ước tính có khoảng 9.070 m3 đất đá bị sạt lở chủ yếu trên hệ thống quốc lộ 4B ,31 và hệ thống đường tỉnh 237B, 235, 250, 230C… Sở Giao thông Vận tải đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc đảm bảo giao thông bước I để thông xe tạm thời, đến sáng 13/11/2013, trên địa bàn tỉnh các tuyến cơ bản đã thông xe.
Ông Nông Đình Thọ, Chánh văn phòng Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh cho biết: Qua kiểm tra, các huyện, thành phố đã triển khai nghiêm túc Công điện của Trung ương và của tỉnh về triển khai các biện pháp ứng phó với bão lũ. Chính sự chủ động sơ tán nhân dân, di dời hàng hóa tại những điểm có nguy cơ ngập úng cao và thông tin kịp thời về mực nước trên sông Kỳ Cùng đã giúp đảm bảo an toàn tính mạng cho nhân dân và hạn chế thiệt hại do mưa lũ. Theo Giám đốc Sở NN&PTNT Lê Thị Thanh Nhàn, hiện nay ngành đang khẩn trương rà soát và chỉ đạo các địa phương tiếp tục thu hoạch nhanh các diện tích lúa mùa chính vụ, gieo trồng bổ sung rau màu bị lũ cuốn trôi, đồng thời tích cực khắc phục đối với những diện tích bị ảnh hưởng nhẹ. Điều thuận lợi trong công tác khắc phục là ngay sau khi bão tan, tình hình thời tiết trên địa bàn tỉnh nắng ráo, hầu hết các điểm ngập úng, các khu vực chợ đã trở lại hoạt động bình thường. Điều kiện thời tiết này cũng rất thuận lợi cho công tác chuẩn bị vật tư, làm đất sẵn sàng cho vụ đông xuân sắp tới.
NHƯ PHONG - ANH DŨNG
Ý kiến ()