Chủ động gỡ khó để phát huy ưu thế chương trình giáo dục phổ thông mới
Sau gần hai tháng triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới cho các lớp 3, 7 và 10, những khó khăn, bỡ ngỡ ban đầu đối với những học sinh năm đầu triển khai đã được các nhà trường khắc phục và bước đầu vượt qua bằng các giải pháp ngắn hạn. Từ thực tế tại nhiều địa phương cho thấy phải có những giải pháp dài hơi.
Các thầy cô giáo Trường tiểu học và trung học cơ sở Trí Nang (Lang Chánh) trao đổi phương pháp giảng dạy theo chương trình giáo dục phổ thông mới. |
Để tạo cơ hội phát triển phẩm chất, nâng cao năng lực toàn diện cho học sinh, ngành giáo dục cùng các địa phương cần chủ động ban hành cơ chế, chính sách huy động nguồn lực đầu tư, mua sắm trang thiết bị và tuyển dụng giáo viên cho những năm học tiếp theo khi số lượng học sinh và lớp học áp dụng chương trình giáo dục phổ thông mới tiếp tục tăng.
Khó đều từ các cấp học
Mặc dù đã ba năm triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới nhưng Trường tiểu học và THCS xã Trí Nang, Lang Chánh (Thanh Hóa) vẫn chưa được trang bị phương tiện dạy học. Với điều kiện khó khăn của khu vực miền núi, phần lớn phụ huynh ở đây chỉ mua đủ sách giáo khoa các môn học chính khóa, còn sách tham khảo, vở bài tập thì nhờ cả vào nỗ lực “sưu tầm” của giáo viên, sau đó các em tự photocopy để học tập.
Thế nhưng theo chia sẻ của Hiệu trưởng Trường tiểu học và THCS Trí Nang Đỗ Đông Hòa, tình trạng thiếu giáo viên đã tồn tại từ nhiều năm nay, thậm chí năm học 2022-2023, một giáo viên dạy tiếng Anh mỗi tuần phải tham gia giảng dạy tới 31 tiết, vượt 12 tiết so với quy định; giáo viên Toán tin thì “cơ động” dạy học tại ba điểm trường. Để giảm tải áp lực cho giáo viên dạy tiếng Anh, nhà trường linh động bố trí các tiết học ngoại ngữ bằng phương thức sinh hoạt tập thể theo hình thức “rung chuông vàng”. Với môn Tin học, do chưa có thiết bị dạy học, giáo viên nhà trường sử dụng các hình thức mô phỏng bàn phím hoặc “dạy chay” cho học sinh làm quen dần.
Theo Phó Trưởng phòng Giáo dục huyện Lang Chánh Lê Văn Hùng, tình trạng thiếu giáo viên, thiết bị dạy học tại Trường tiểu học và THCS Trí Nang là thực trạng chung của các trường học trên địa bàn. Năm học 2022-2023, Tin học là môn học bắt buộc đối với học sinh lớp 3 nhưng toàn huyện mới có hai giáo viên dạy Tin học bậc tiểu học ở khu vực thị trấn. Các trường tiểu học còn lại hợp đồng với giáo viên Toán tin cấp THCS tổ chức dạy tin học cho học sinh. Mặc dù được phép hợp đồng giáo viên giảng dạy ngoại ngữ, Tin học nhưng thiếu nguồn dự tuyển và ngân sách huyện còn khó khăn.
Tại Trường THPT Quan Hóa (Thanh Hóa), bước vào năm học mới này có 336 học sinh đang theo học tại 10 lớp đầu cấp. Tuy nhiên, do chưa có giáo viên dạy Mỹ thuật, Âm nhạc cho nên nhiều học sinh lúng túng khi lựa chọn các môn học, thi tự chọn. Để tháo gỡ khó khăn này, nhà trường đã định hướng cho phụ huynh và học sinh lựa chọn những môn học mà nhà trường đã có sẵn giáo viên và phương tiện dạy học.
Lựa chọn của Trường THPT Quan Hóa cũng chính là giải pháp được nhiều trường THPT ở Thanh Hóa, Nghệ An và Hà Tĩnh thực hiện trong việc phân luồng, bố trí các tổ hợp bộ môn theo chương trình mới. Năm học 2022-2023, tỉnh Hà Tĩnh mới chỉ bố trí được 15 giáo viên dạy bộ môn Âm nhạc, Mỹ thuật để dạy học cho học sinh khối 10 tại 42 trường THPT trên địa bàn. Đội ngũ giáo viên này cũng chỉ mới được biệt phái từ các trường học ở khối THCS sang. Với các trường học chưa có giáo viên dạy Âm nhạc và Mỹ thuật, ngay từ đầu năm học, nhà trường đã chủ động công khai các điều kiện đáp ứng chương trình giáo dục phổ thông mới của nhà trường để tư vấn, định hướng cho các em biết và đăng ký môn học phù hợp.
Theo phản ánh của ban giám hiệu nhiều trường học THPT ở Hà Tĩnh, bên cạnh nỗi lo về giáo viên, hiện việc bố trí phương tiện, cơ sở vật chất để dạy các tiết học của chương trình giáo dục phổ thông mới cũng gặp không ít khó khăn. Ngay như ở Trường THPT Phan Đình Phùng, một ngôi trường được xây dựng khang trang tại trung tâm thành phố Hà Tĩnh, do chưa có phòng dạy Âm nhạc riêng nên không gian yên tĩnh của trường học dễ bị phá vỡ bởi tiếng đàn, điệu hát của tiết học âm nhạc.
“Theo phân cấp, các trường THPT thuộc diện quản lý của Sở Giáo dục và Đào tạo, vì vậy các huyện, thị xã, thành phố chưa ưu tiên nguồn lực đầu tư thỏa đáng cho các trường học. Trong khi đó, nguồn ngân sách của ngành bố trí đầu tư cơ sở hạ tầng ngày một hạn hẹp, vì vậy việc đầu tư, xây mới cơ sở vật chất ở các trường THPT gặp không ít khó khăn”. Hiệu trưởng Trường THPT Phan Đình Phùng Nguyễn Năm Thắng chia sẻ.
Học sinh Trường tiểu học Hương Liên, huyện Hương Khê (Hà Tĩnh) trao đổi bài học. |
Cần có giải pháp dài hơi
Theo thống kê của Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Nghệ An, năm học 2022-2023, địa phương đang thiếu khoảng 6.000 giáo viên các cấp học. Tình trạng thiếu giáo viên trên diện rộng đang làm cho nhiều địa phương không có đủ giáo viên để bố trí đứng lớp theo quy định, nhất là giáo viên dạy Âm nhạc, Mỹ thuật, Tin học, tiếng Anh, Giáo dục công dân theo chương trình giáo dục phổ thông mới.
Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Nghệ An Thái Văn Thành cho biết: So với nhiều tỉnh, thành phố khác, địa bàn của Nghệ An phức tạp nên việc bố trí quy mô trường lớp cũng có những đặc thù riêng. Toàn tỉnh có 1.555 trường nhưng có đến 1.040 điểm trường. Điều này cũng ảnh hưởng đến việc bố trí giáo viên của các nhà trường. Việc dạy các môn năng khiếu, môn đặc thù khó triển khai ở các điểm trường lẻ vì không đủ giáo viên hoặc điều kiện cơ sở vật chất không đảm bảo.
So với nhiều tỉnh, thành phố khác, địa bàn của Nghệ An phức tạp nên việc bố trí quy mô trường lớp cũng có những đặc thù riêng. Toàn tỉnh có 1.555 trường nhưng có đến 1.040 điểm trường. Điều này cũng ảnh hưởng đến việc bố trí giáo viên của các nhà trường.
Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Nghệ An Thái Văn Thành
Để giải quyết khó khăn này, theo chia sẻ của người đứng đầu ngành giáo dục tỉnh Nghệ An, trước mắt địa phương đã rà soát, sắp xếp trường lớp, dồn dịch các điểm trường để “tiết kiệm” giáo viên. Cùng với đó, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh đã điều động các giáo viên thừa cục bộ đi học văn bằng 2, hoặc đi học chương trình quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo để dạy Tin học hoặc các môn Khoa học, công nghệ, Khoa học tự nhiên. Nhưng đây chỉ là giải pháp tạm thời, về lâu dài tỉnh đã đề nghị và mong muốn Trung ương, Bộ Nội vụ và các ban, ngành liên quan tiếp tục bổ sung biên chế cho ngành giáo dục Nghệ An để sớm giải quyết tình trạng thiếu giáo viên hiện nay.
Theo Hiệu trưởng Trường THPT Lê Quảng Chí (Hà Tĩnh) Nguyễn Tuấn Anh, trong khi điều kiện cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên ở một số địa phương, trường học chưa đáp ứng được yêu cầu chương trình giáo dục phổ thông mới và nguyện vọng của học sinh, chúng ta cần xác định đây là trách nhiệm chung của gia đình, nhà trường và xã hội để trao đổi thông tin, làm tốt hơn nữa công tác tuyên truyền, phối hợp trong quá trình định hướng nghề nghiệp cho học sinh.
“Để bảo đảm yêu cầu, điều kiện khi thực hiện đại trà chương trình giáo dục phổ thông mới cho các khối học ở những năm tiếp theo, ngành giáo dục Hà Tĩnh đã tích cực tham mưu cấp ủy, chính quyền địa phương xây dựng kế hoạch, huy động nguồn lực đầu tư trang thiết bị, phương tiện dạy học. Cùng với đó, ngành đã tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh đặt hàng đào tạo 200 chỉ tiêu giáo viên cho giai đoạn 2022-2025 đối với những môn học thiếu nhiều giáo viên”, Trưởng phòng Tổ chức (Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Tĩnh) Nguyễn Ngọc Lê Nam chia sẻ.
Những vấn đề mà người lao động thường nhờ công đoàn giúp đỡ là: hỗ trợ họ tiếp cận nguồn vốn vay để phát triển kinh tế gia đình, đề xuất với lãnh đạo doanh nghiệp tổ chức các cuộc đối thoại với công đoàn, công nhân, giải đáp các khó khăn, vướng mắc.
Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Thanh Hóa Tạ Hồng Lựu
Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Thanh Hóa Tạ Hồng Lựu cho rằng: Tổ chức đào tạo giáo viên vẫn là giải pháp cơ bản, lâu dài để cải thiện tình trạng thiếu giáo viên theo cơ cấu các môn đặc thù và đáp ứng yêu cầu của chương trình giáo dục phổ thông mới. Thanh Hóa đang giao nhiệm vụ cho các trường đại học trên địa bàn tiếp tục phối hợp các cơ sở đào tạo sư phạm trong nước tổ chức đào tạo số lượng giáo viên theo hình thức đặt hàng. Bên cạnh việc gắn đào tạo với sử dụng, Trung ương cần phân bổ đủ biên chế cho ngành giáo dục các tỉnh và mỗi địa phương căn cứ điều kiện thực tiễn để có chính sách thu hút giáo viên đến nơi khó khăn, vùng sâu, vùng xa, vùng công tác.
Ý kiến ()