Chủ động giảm thiểu ảnh hưởng từ nợ công châu Âu
Cuộc khủng hoảng nợ công lan rộng không chỉ đe dọa các nền kinh tế lớn tại châu Âu, Mỹ và Nhật Bản, mà còn ảnh hưởng tới cả những đối tác thương mại, đầu tư, tài chính của khu vực này, trong đó có Việt Nam.Những ảnh hưởng tới kinh tế Việt NamTheo báo nước ngoài, Tổng Giám đốc IMF Christine Lagarde nhận định, châu Á không thể tránh khỏi những khó khăn do ảnh hưởng từ châu Âu. Nhiều chuyên gia khác cũng cho rằng, sự suy yếu xuất khẩu sẽ là rào cản chính đối với tăng trưởng kinh tế của châu Á. Tại Hàn Quốc, chỉ số quản lý sức mua (PMI) của nước này trong tháng 10 ở dưới ngưỡng 50% tháng thứ ba liên tiếp, thời gian giảm mạnh nhất kể từ khủng hoảng tài chính 2008-2009. Xuất khẩu của Hàn Quốc sang châu Âu giảm 20% so với cùng kỳ năm 2010, trong khi sang Mỹ cũng giảm 7%. Tại Trung Quốc, theo số liệu công bố đầu tháng này, chỉ số quản lý sức mua trong tháng 10 cũng đã giảm mạnh xuống còn 50,4%, mức thấp nhất kể từ tháng 2-2009....
Cuộc khủng hoảng nợ công lan rộng không chỉ đe dọa các nền kinh tế lớn tại châu Âu, Mỹ và Nhật Bản, mà còn ảnh hưởng tới cả những đối tác thương mại, đầu tư, tài chính của khu vực này, trong đó có Việt Nam.
Những ảnh hưởng tới kinh tế Việt Nam
Theo báo nước ngoài, Tổng Giám đốc IMF Christine Lagarde nhận định, châu Á không thể tránh khỏi những khó khăn do ảnh hưởng từ châu Âu. Nhiều chuyên gia khác cũng cho rằng, sự suy yếu xuất khẩu sẽ là rào cản chính đối với tăng trưởng kinh tế của châu Á. Tại Hàn Quốc, chỉ số quản lý sức mua (PMI) của nước này trong tháng 10 ở dưới ngưỡng 50% tháng thứ ba liên tiếp, thời gian giảm mạnh nhất kể từ khủng hoảng tài chính 2008-2009. Xuất khẩu của Hàn Quốc sang châu Âu giảm 20% so với cùng kỳ năm 2010, trong khi sang Mỹ cũng giảm 7%. Tại Trung Quốc, theo số liệu công bố đầu tháng này, chỉ số quản lý sức mua trong tháng 10 cũng đã giảm mạnh xuống còn 50,4%, mức thấp nhất kể từ tháng 2-2009. Tổng kim ngạch xuất khẩu trong tháng 10 của nước này chỉ đạt 157,49 tỷ USD, giảm mạnh so với mức 169,7 tỷ USD trong tháng 9.
Châu Âu hiện chiếm khoảng 20% xuất khẩu và cũng là đối tác quan trọng trong cả đầu tư và tài chính của Việt Nam nên cũng không tránh khỏi những ảnh hưởng từ khu vực này. Nhiều doanh nghiệp cũng cho biết đang phải đương đầu với việc đơn hàng từ châu Âu giảm mạnh. Tại một hội thảo, Thứ trưởng Công thương Trần Quốc Khánh cũng dự báo, thị trường xuất khẩu của Việt Nam sẽ có nhiều biến động. Chính phủ các nước châu Âu không thể in thêm tiền để thúc đẩy tăng trưởng, nên đời sống người dân ở đây sụt giảm thì chắc chắn cầu sẽ giảm theo.
Theo Tiến sĩ Nguyễn Thành Đô, Cục trưởng Quản lý nợ và tài chính đối ngoại (Bộ Tài chính), trong thời gian gần đây, các trụ cột của nền kinh tế thế giới là Mỹ, EU, Nhật Bản tiếp tục xuất hiện nhiều dấu hiệu bất ổn, trong đó có vấn đề nợ công. Với diễn biến tình hình nợ công bất ổn và tăng cao của các nước này sẽ có ảnh hưởng đến Việt Nam trên một số bình diện chủ yếu như: việc thu hút các luồng vốn bên ngoài cho đầu tư như vốn ODA, vay tín dụng, vốn FDI… sẽ bị ảnh hưởng, xuất khẩu hàng hóa vào các thị trường này sẽ gặp khó khăn hơn, thu nhập từ nước ngoài giảm và có thể tiếp tục gây tác động tiêu cực đối với kinh tế trong nước, đồng thời thúc đẩy gia tăng rủi ro đối với nền kinh tế, đặc biệt là các khu vực doanh nghiệp, tài chính, ngân hàng và chứng khoán.
Cần chủ động đối phó rủi ro
Trước tác động bất lợi nêu trên, Tiến sĩ Nguyễn Thành Đô cho rằng, Việt Nam cần khẩn trương, quyết liệt và thực hiện đồng bộ các giải pháp đã đề ra tại Hội nghị Trung ương 3, Nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 2011-2015, trong đó tập trung chính vào việc tái cấu trúc nền kinh tế, đầu tư công, doanh nghiệp nhà nước và hệ thống ngân hàng. Theo ông Đô, trong lĩnh vực quản lý nợ công cần phải rà soát, đánh giá lại năng lực trả nợ và hiệu quả sử dụng vốn của các chủ thể sử dụng nợ công; điều tra nhu cầu và xác định cụ thể danh mục các chương trình, dự án ưu tiên sử dụng vốn vay mới trên cơ sở các chỉ tiêu giới hạn về nợ công, nợ Chính phủ và nợ nước ngoài của quốc gia đến năm 2015 đã được Quốc hội phê chuẩn (nợ công không quá 65% GDP, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài của quốc gia không vượt quá 50% GDP); đồng thời triển khai thực hiện có hiệu quả các nghiệp vụ quản lý rủi ro đối với danh mục nợ công (lãi suất, tỷ giá, tín dụng, tái cấp vốn, hoạt động) để bảo đảm an toàn về nợ và an ninh tài chính quốc gia.
Nước ta còn chịu thêm rủi ro tỷ giá của đồng yên vì Nhật Bản là nước cũng cấp ODA và vốn tín dụng nhiều nhất cho Việt Nam. Theo Tiến sĩ Nguyễn Thành Đô, rủi ro tỷ giá là khả năng xảy ra tổn thất về trị giá của các khoản nợ bằng ngoại tệ trong danh mục nợ công do biến động tỷ giá trên thị trường tài chính. Ông Đô giải thích: “Nguyên nhân chủ yếu tạo nên rủi ro về tỷ giá là do tác động của kinh tế thế giới và khu vực, biến động của thị trường vốn quốc tế, quá trình tự do hóa tài chính, tiền tệ và hội nhập quốc tế, điều chỉnh cơ chế, chính sách tiền tệ làm thay đổi quy mô và nghĩa vụ nợ công bằng ngoại tệ quy đổi sang đồng tiền nội tệ của mỗi quốc gia”.
Hiện tại, trong cơ cấu nước ngoài của Chính phủ tập trung chủ yếu vào các đồng tiền chủ chốt như: đồng yên Nhật Bản chiếm khoảng 39%, bằng SDR khoảng 27%, bằng USD khoảng 22%, đồng EUR khoảng 9%. Vì vậy khi có sự biến động tăng, giảm về tỷ giá các đồng tiền này sẽ làm tăng, giảm dư nợ và nghĩa vụ trả nợ của Chính phủ bằng đồng nội tệ. Do tác động của tỷ giá đồng yên trong năm 2011 (tỷ giá đồng yên từ 1USD=84,12 JPY ngày 31-12-2010 lên 1USD=76,72 JPY hiện nay) cùng với việc điều chỉnh tỷ giá giữa đồng VND so với USD vào tháng 2-2011 (khoảng 9,3%) đã làm cho dư nợ nước ngoài của Chính phủ quy USD tăng khoảng 800 triệu USD và nghĩa vụ trả nợ nước ngoài trong năm 2011 bằng đồng Việt Nam so với dự toán tăng khoảng 2.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, bù đắp lại cho rủi ro tỷ giá này là hiện nay đang có hơn 75% khoản nợ trong danh mục nợ của Chính phủ là các khoản vay ODA dài hạn với lãi suất rất ưu đãi.
Để chủ động phòng ngừa cho các rủi ro có thể xảy ra, Tiến sĩ Nguyễn Thành Đô cho biết, Bộ Tài chính đang khẩn trương xây dựng Quy chế quản lý rủi ro đối với danh mục nợ công và sẽ trình Thủ tướng Chính phủ ban hành trong thời gian tới với việc áp dụng các nghiệp vụ phòng ngừa rủi ro phù hợp, góp phần thực hiện mục tiêu tối ưu hóa cơ cấu nợ công, bảo đảm nghĩa vụ trả nợ và nâng cao hiệu quả hoạt động công tác quản lý nợ công, đồng thời giảm thiểu những thiệt hại có thể xảy ra trong tình huống xấu nhất với mức chi phí phát sinh hợp lý.
Khủng hoảng nợ công cũng có nghĩa là khủng hoảng niềm tin. Theo ông Đô: “Niềm tin có ý nghĩa hết sức quan trọng trong các hoạt động kinh tế, tài chính, tiền tệ đối với mỗi quốc gia”. Nhận thức rõ được điều đó, Bộ Tài chính đang phối hợp với các cơ quan có liên quan xây dựng đề án tăng cường hệ số tín nhiệm quốc gia để cải thiện chỉ số niềm tin, tăng cường minh bạch, đồng thời góp phần giảm chi phí vay trên thị trường vốn trong nước và quốc tế.
Ngày 20-10-2011, Văn phòng Chính phủ đã có Văn bản số 7355/VPCP-KTTH thông báo ý kiến của Thủ tướng Chính phủ gửi Bộ Tài chính về việc tăng cường công tác xếp hạng tín nhiệm quốc gia. Theo đó, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan khẩn trương nghiên cứu, xây dựng và thực hiện Đề án nâng cao xếp hạng tín nhiệm quốc gia. Chủ động làm việc, cung cấp các thông tin phù hợp một cách hệ thống, đầy đủ, cập nhật cho các tổ chức xếp hạng tín nhiệm, các nhà đầu tư nước ngoài về thực trạng tình hình kinh tế – xã hội, định hướng chỉ đạo, điều hành và cải cách chính sách của Việt Nam; trường hợp cần thiết được lựa chọn tổ chức tài chính nước ngoài có uy tín, kinh nghiệm để thực hiện việc tư vấn xếp hạng tín nhiệm cho Việt Nam.
Theo Nhandan
Ý kiến ()