Chủ động “đồng hành cùng sĩ tử”
Học sinh Trường THPT Đồng Đăng thực hiện bài thi thực hành môn Hóa học trong Hội thi thực hành thí nghiệm các môn khoa học tự nhiên THPT |
CỘNG ĐỒNG TRÁCH NHIỆM
Ngành GD&ĐT xác định, đây là kỳ thi THPT Quốc gia “2 trong 1” và thi theo cụm với sự bố trí của Bộ GD&ĐT nên Sở GD&ĐT, các nhà trường có trách nhiệm phối hợp với gia đình học sinh, với trường chủ trì (ĐH Thái Nguyên) giúp đỡ các em liên hệ phương tiện đi Thái Nguyên và ngược lại, liên hệ nơi ăn, nghỉ cho thí sinh, giúp các em thi tốt. Theo tinh thần đó, Sở GD&ĐT đã chỉ đạo các nhà trường tiến hành họp phụ huynh học sinh, nắm bắt số học sinh và người nhà của họ có nguyện vọng đi Thái Nguyên bằng ô tô; nắm bắt nguyện vọng đăng ký nơi ăn nghỉ để liên hệ với Trường ĐH Thái Nguyên giúp đỡ. Theo Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Lạng Sơn tham gia Ban chỉ đạo thi Thái Nguyên, mỗi trường THPT cử ít nhất 1 giáo viên cùng đi với các em sang Thái Nguyên và như một “điểm tựa” cho các em trong suốt thời gian diễn ra kỳ thi. Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Hoàng Quốc Tuấn, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Lạng Sơn, thành viên Ban chỉ đạo thi Thái Nguyên nói rằng, thời gian diễn ra kỳ thi các đơn vị thuộc Đại học Thái Nguyên sẽ dành 10 ngàn giường cho thí sinh của các tỉnh. Trong số giáo viên sang Thái Nguyên để hỗ trợ thí sinh, sẽ có phương án cử 22 người “cắm chốt” tại 22 điểm thi, đây sẽ là đầu mối để giúp đỡ các em về các vấn đề đi lại, ăn ở trong suốt thời gian thi.
QUYỀN CHỦ ĐỘNG VẪN LÀ THÍ SINH
Ông Nguyễn Văn Lĩnh, phường Chi Lăng là phụ huynh học sinh Nguyễn Tuấn Anh, Trường THPT Việt Bắc tâm sự : “Nhà trường phổ biến là các bậc phụ huynh cần tính toán kỹ, nếu có nguyện vọng thì đăng ký phương tiện đi và về, đăng ký nơi ăn nghỉ… Tuy nhiên, bố con tôi quyết định dùng xe máy; một bố một con thong dong vẫn chủ động hơn…” Đã có kinh nghiệm đưa đứa con đầu đi thi đại học, ông Trần Mạnh Hùng, phường Đông Kinh nói rằng: “Đưa con đi thi THPT Quốc gia tại cụm Thái Nguyên cũng như đi thi đại học như mọi năm. Vậy thì mỗi gia đình chúng ta nên chủ động chứ nhà trường dù có đông giáo viên đến mấy cũng không thể quản lý nổi. Đi thi, gặp nhau tại Thái Nguyên, mấy tướng lại “làm bữa gặp mặt”, làm mấy lon bia, thức khuya, ngủ quên, đến điểm thi trễ giờ, thì… ôi thôi, không chỉ tan giấc mơ đại học mà thành quả 12 năm trên ghế nhà trường cũng bằng không.
Ở khu vực thành phố, vùng thuận lợi, hầu hết các gia đình chủ động xe máy đưa con đi thi, có xe ô tô cũng không đi vì sợ… tắc đường và không chỉ đưa đến Thái Nguyên mà còn đưa đón các cô cậu “ấm” đến tận các điểm thi. Đối với các trường THPT có ít thi sinh tham gia thi tại Thái Nguyên, hoặc gia đình không có điều kiện đưa con đi thi, các em học sinh bàn nhau thuê hẳn một chuyến xe đi và về để chủ động. Khi đến Thái Nguyên cũng chủ động nhờ gia đình người quen gần điểm thi, hoặc thuê xe ôm trong suốt những ngày thi.
CẦN LƯỜNG HẾT NHỮNG KHÓ KHĂN
Hơn 2 tháng qua, Ban chỉ đạo thi cấp tỉnh đã qua mấy kỳ họp, kỳ nào thì vấn đề đi lại, ăn ở của thí sinh tại cụm thi Thái Nguyên vẫn là vấn đề khiến tất cả các thành viên quan tâm. Làm sao để các thí sinh Lạng Sơn được an toàn trong đi lại, có nơi ăn nghỉ gần các điểm thi; tham dự đủ môn thi và thi đạt kết quả cao nhất… Đó là băn khoăn của đồng chí Tô Hùng Khoa, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban chỉ đạo thi THPT Quốc gia tỉnh Lạng Sơn. Nhiều sáng kiến, phương án đã được đưa ra, nhưng tất cả cũng chỉ là sơ bộ. Chỉ sau ngày 15/6, khi thí sinh cầm trong tay phiếu báo thi thì những phương án đề ra mới được triển khai một cách cụ thể. Nhưng với thời gian rất ngắn (từ 16 đến 29/6) có đủ cho học sinh đăng ký nơi ăn nghỉ, ngành GD&ĐT tổng hợp và bố trí giúp các em theo phương án đã đề ra? Những vấn đề phát sinh, những khó khăn sẽ là rất lớn và phức tạp, cần phải lường hết để có thể chủ động thực hiện phương án đã định.
Ý kiến ()