Chủ động đón đầu, diệt trừ hiệu quả
LSO-Hiện nay đang trong giai đoạn chuyển mùa, thời tiết có những diễn biến khá phức tạp. Đây cũng là giai đoạn sâu, bệnh hại trên cây trồng có thể phát sinh, gây hại mạnh. Trên địa bàn tỉnh, đối tượng gây hại chủ yếu với cây lâm nghiệp là bọ ánh kim (trên rừng hồi) và sâu róm thông.
Phun thuốc trừ bọ ánh kim trên địa bàn xã Mẫu Sơn, huyện Cao Lộc |
PHUN TRỪ BỌ ÁNH KIM
Bọ ánh kim trên rừng hồi, trong vòng bốn năm trở lại đây bắt đầu có những diễn biến phức tạp. Nếu như thời điểm này của năm trước, diện tích nhiễm bọ ánh kim ở mức xấp xỉ 900 ha, thì năm nay, theo số liệu của Chi cục Bảo vệ Thực vật, diện tích nhiễm khoảng 2.500 ha. Trong đó diện tích đến ngưỡng phòng trừ gần 2.000 ha, tập trung chủ yếu ở Văn Quan, Cao Lộc và Lộc Bình.
Ông Trần Đại Dũng, Phó Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ Thực vật cho biết: những năm trước đây, Viện Bảo vệ thực vật mới chỉ đang nghiên cứu về cách diệt trừ bọ ánh kim, vì vậy, các loại thuốc sử dụng mang tính thử nghiệm, nhưng sang năm nay, đề tài đã có kết quả, loại thuốc sử dụng được chỉ định mang lại hiệu quả cao, giá thành rẻ và thân thiện với môi trường (thuốc sinh học Elincon 12ME dạng nước).
Một mặt hỗ trợ kịp thời cơ số thuốc cho nhân dân các huyện, cơ quan chuyên môn cũng đã trang bị thêm 15 bình phun có động cơ, đẩy nhanh tiến độ phòng trừ. Theo phản ánh từ các huyện Văn Quan, Cao Lộc, Lộc Bình, loại thuốc sinh học đưa vào sử dụng có khả năng tiêu diệt 85-90% bọ ánh kim, người dân hưởng ứng, tin dùng. Tính đến đầu tháng 5/2015, nhân dân đã phun trừ được xấp xỉ 900 ha, số còn lại cơ quan chuyên môn đang tiếp tục theo dõi để khuyến cáo người dân phun trừ đúng thời điểm.
ĐÓN ĐẦU SÂU RÓM
Diễn biến sâu róm thông năm nay có phần phức tạp hơn so với năm trước. Diện tích sâu róm thông qua đông (thế hệ 4 năm 2014) phát sinh, gây hại trong những tháng đầu năm 2015 tăng về diện và lượng so với cùng kỳ năm trước. Cụ thể diện tích nhiễm là 69 ha, trong đó có 8 ha nhiễm nặng, tập trung chủ yếu ở thành phố và huyện Cao Lộc.
Phát sinh đầu tháng 3 và đến cuối tháng 3 vừa qua sâu non đã vào nhộng, mật độ nhộng cục bộ lên đến 80-120 kén/cây. Với mật độ này, dự kiến sâu róm thông thế hệ 1 năm 2015 sẽ phát sinh, gây hại trên diện rộng. Ông Phạm Đình Duy, Trưởng phòng Kinh tế thành phố cho biết: cuối tháng 4, đầu tháng 5, sâu róm thông qua đông đã vũ hóa, trưởng thành với mật độ khá cao. Để chủ động diệt trừ bướm sâu róm thông và phục vụ công tác theo dõi, dự tính, dự báo, thành phố đã chủ động hỗ trợ, hướng dẫn nhân dân đặt bẫy đèn. Đây là biện pháp đơn giản mà mang lại hiệu quả cao. Theo ông Trần Đại Dũng, Phó Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật: không chỉ riêng thành phố, qua kiểm tra hầu hết các huyện trong vùng trọng điểm trồng thông đã chủ động các biện pháp phòng trừ như chuẩn bị vật tư, thiết bị, tuyên truyền, tập huấn, hướng dẫn người dân… và tham mưu cho chính quyền các cấp xây dựng phương án phòng trừ phù hợp với điều kiện thực tiễn. Theo dự báo, đến trung tuần tháng 5, sâu non thế hệ 1 năm 2015 sẽ nở rộ và gây hại, mật độ và diện có thể sẽ cao hơn năm trước. Tuy nhiên với sự chủ động của mình, các huyện đã cơ bản sẵn sàng những phương án phòng trừ, đảm bảo kịp thời và hiệu quả.
Trong nhiều năm qua, tỉnh đã quan tâm chỉ đạo các đơn vị chuyên môn nghiên cứu các phương pháp phòng trừ và hỗ trợ kinh phí mua sắm vật tư, thiết bị. Nhiều ý kiến cho rằng, để công tác phòng trừ thực sự hiệu quả và nâng cao tính chủ động, tự giác của các chủ rừng, chính quyền các cấp cần tăng cường tuyên truyền, vận động để từ sự hỗ trợ ban đầu của nhà nước, chuyển dần sang xã hội hóa. Bởi suy cho cùng, nhà nông chủ động phòng trừ sâu bệnh chính là bảo vệ tài sản của chính mình.
VŨ NHƯ PHONG
Ý kiến ()