Chủ động đối phó với các chủng vi rút cúm gia cầm trước nguy cơ dịch bùng phát
Tại cuộc họp Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch cúm gia cầm diễn ra chiều ngày 21/1, tại Hà Nội, ông Phạm Văn Đông, Cục trưởng Cục Thú y, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cảnh báo: Mặc dù dịch cúm gia cầm H5N1 đã cơ bản được khống chế trên cả nước, song nguy cơ bùng phát dịch vào dịp trước và sau Tết Nguyên đán vẫn rất cao.
Ảnh minh họa (Theo báo Quảng Nam) |
Theo báo cáo của Ban chỉ đạo, ngay trong tháng 1 năm 2014, ngành Y tế đã xác nhận ca tử vong đầu tiên tại Việt Nam do cúm A/H5N1 tại xã Bình Minh, huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước. Hiện dịch cúm gia cầm xảy ra tại 4 xã, phường thuộc 4 huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh Bắc Ninh làm gần 10.000 con gia cầm bị ốm chết. Một số địa phương khác cũng xuất hiện những đàn gia cầm nhỏ lẻ bị nhiễm bệnh, nhưng đã được xử lý kịp thời, không lây lan dịch.
Ông Phạm Văn Đông nhấn mạnh: Các chủng vi rút gia cầm mới phát hiện gây tử vong trên người như: H7N9, H10N8, H6N1 đều đã thấy trên gia cầm từ vài năm trước đây nhưng đến nay mới lây nhiễm sang người và hiện mới chỉ xuất hiện ở Hồng Kông, Đài Loan (Trung Quốc), những chủng này tuy chưa xuất hiện ở nước ta nhưng đã làm chết nhiều gia cầm và có chủng vi rút đã lây sang người tại một số nước trong khu vực và thế giới. Theo đánh giá của Cục Thú Y, nguy cơ những chủng vi rút này xâm nhập vào Việt Nam qua các hoạt động buôn bán, vận chuyển lậu gia cầm qua biên giới vào nước ta trong thời gian tới là rất cao.
Tại Việt Nam, các chợ gia cầm có tỷ lệ lưu hành vi rút cúm gia cầm H5N1cao, chính là nguồn lây nhiễm thông qua các hoạt động buôn bán gia cầm. Kết quả giám sát 147 chợ buôn bán gia cầm sống từ tháng 10/2012 đến tháng 9/2013 tại 44 tỉnh, thành phố cho thấy, tỷ lệ vịt dương tính với vi rút H5N1 tương đối cao là 5,68%; và tỷ lệ chợ có phát hiện thấy vi rút cúm H5N1 lên đến 61%
Trên cơ sở phân tích diễn biến và nguy cơ tiềm ẩn của dịch cúm gia cầm mới xuất hiện tại nước ta, Ban chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch cúm gia cầm đề nghị các Bộ, ngành, thành viên Ban chỉ đạo phối hợp chặt chẽ với ngành thú y, chính quyền địa phương tích cực triển khai các biện pháp phòng, chống, nhằm chủ động ngăn chặn sự xâm nhập, và bùng phát của các chủng vi rút cúm gia cầm vào nước ta nhất là trong thời điểm trước, trong và sau Tết nguyên đán Giáp Ngọ.
Về dịch lở mồm long móng và dịch lợn tai xanh, hiện chỉ có tỉnh Lạng Sơn đang xuất hiện dịch. Tuy nhiên, do hiện đang là thời điểm cận tết Nguyên đán Giáp Ngọ, nguy cơ các loại dịch này tái bùng phát là rất cao, do đó việc kiểm soát phát hiện dịch bệnh kịp thời cần được các địa phương tiếp tục thực hiện. Đối với người chăn nuôi cần đẩy mạnh các biện pháp chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học nhằm ngăn ngừa dịch bệnh phát sinh.
Theo Dangcongsan.vn
Ý kiến ()