Chủ động đối phó với bão Krosa
Theo Trung tâm dự báo Khí tượng-Thủy văn T.Ư, hồi 19 giờ ngày 30-10, vị trí tâm bão ở vào khoảng 17,2 độ vĩ bắc; 126,9 độ kinh đông, cách đảo Lu-dông (Phi-li-pin) khoảng 500 km về phía đông. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 10 (tức là từ 89 đến 102 km một giờ), giật cấp 12, cấp 13.
* Tiếp tục cứu trợ đồng bào miền trung bị bão, lũ
* Phòng, chống dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm
Theo Trung tâm dự báo Khí tượng-Thủy văn T.Ư, hồi 19 giờ ngày 30-10, vị trí tâm bão ở vào khoảng 17,2 độ vĩ bắc; 126,9 độ kinh đông, cách đảo Lu-dông (Phi-li-pin) khoảng 500 km về phía đông. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 10 (tức là từ 89 đến 102 km một giờ), giật cấp 12, cấp 13.
Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển theo hướng giữa tây và tây tây bắc, mỗi giờ đi được khoảng 25 km và còn tiếp tục mạnh thêm. Ðến 19 giờ ngày 31-10, vị trí tâm bão ở vào khoảng 18,3 độ vĩ bắc; 121,3 độ kinh đông, trên khu vực phía bắc đảo Lu-dông (Phi-li-pin). Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 11 (tức là từ 103 đến 117 km một giờ), giật cấp 13, cấp 14.
Trong khoảng 24 đến 48 giờ tiếp theo, bão tiếp tục di chuyển theo hướng giữa tây và tây tây bắc, mỗi giờ đi được khoảng 20 km và còn có khả năng mạnh thêm. Ðến 19 giờ ngày 1-11, vị trí tâm bão ở vào khoảng 18,7 độ vĩ bắc; 116,4 độ kinh đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 500 km về phía đông đông bắc. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 11, cấp 12 (tức là từ 103 đến 133 km một giờ), giật cấp 14, cấp 15.
Trong khoảng 48 đến 72 giờ tiếp theo, bão tiếp tục di chuyển theo hướng giữa tây và tây tây bắc, mỗi giờ đi được khoảng 15 km.
Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão, từ đêm 31-10, vùng biển phía đông bắc Biển Ðông có gió mạnh dần lên cấp 6, cấp 7, sau tăng lên cấp 8, cấp 9, vùng gần tâm bão đi qua mạnh cấp 10, cấp 11, giật cấp 13, cấp 14. Biển động dữ dội.
Ngày 30-10, Ðoàn y bác sĩ thuộc Bệnh viện Quân đoàn 4 và Bệnh viện Nhân dân Gia Ðịnh (TP Hồ Chí Minh) đã đưa khoảng tám tấn hàng đến hai tỉnh Quảng Bình và Hà Tĩnh. Ðồng thời trao tặng 500 phần hàng cứu trợ cho người dân xã Ngư Thủy Trung, huyện Lệ Thủy (Quảng Bình) và nhân dân huyện Vũ Quang, tỉnh Hà Tĩnh. Tổng giá trị hàng hóa cứu trợ hơn 200 triệu đồng. Bộ Tài chính nhất trí với phương án phân bổ kinh phí từ nguồn hỗ trợ của các tổ chức và cá nhân trong và ngoài nước cho sáu địa phương như dự kiến của Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam. Cụ thể, tỉnh Quảng Bình: 1,5 tỷ đồng, các tỉnh Quảng Trị, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh và Thừa Thiên – Huế, mỗi tỉnh 600 triệu đồng. Tỉnh Kon Tum đã trao 300 suất quà đến những hộ dân xã Tà Veng dưới, thuộc huyện Tà Veng, tỉnh Ra-ta-na-ki-ri (Cam-pu-chia) bị thiệt hại nặng nề do hai cơn bão số 8 và 9 vừa qua gây ra. Toàn xã có hơn 1.600 người bị ảnh hưởng, không có nhà ở vì bị lũ cuốn trôi hoàn toàn.
Chi cục Thú y tỉnh Quảng Nam vừa hỗ trợ thêm cho huyện Tây Giang 2.000 liều vắc-xin đa type để phục vụ công tác phòng, chống dịch lở mồm, long móng trên đàn gia súc. Tại xã Quảng Vinh, huyện Quảng Ðiền (Thừa Thiên – Huế), trong những ngày qua, tại trang trại của một số hộ nuôi gia cầm trên địa bàn xã đã xuất hiện dịch bệnh làm chết hơn 3.500 con gà. Hiện Trạm thú y đã cho khoanh vùng dịch bệnh để phun hóa chất khử trùng, tiến hành tiêu hủy số gia cầm bị chết để hạn chế dịch bệnh lây lan. Ðể đối phó với các đợt rét đậm, rét hại sắp tới, ngành nông nghiệp tỉnh Yên Bái đã chỉ đạo các xã, thị trấn tuyên truyền, vận động các hộ chăn nuôi tập trung triển khai phòng, chống đói, rét, bệnh dịch cho gia súc ở tất cả các thôn, bản.
Theo Nhandan.vn
Ý kiến ()