Chủ động đối phó diễn biến thời tiết bất thường
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng - Thủy văn T.Ư, sáng 21-9, trên khu vực phía đông nam quần đảo Hoàng Sa đã hình thành một vùng áp thấp. Chiều 21-9, vị trí trung tâm vùng áp thấp ở vào 14.0 đến 16.0 độ vĩ bắc; 113.5 đến 115.5 độ kinh đông. Trong khoảng 24 giờ tới, vùng áp thấp này hầu như ít di chuyển và có khả năng mạnh lên thành áp thấp nhiệt đới.Do ảnh hưởng của hoàn lưu vùng áp thấp nên khu vực vùng biển quần đảo Hoàng Sa có gió mạnh cấp 5, có lúc cấp 6, giật cấp 7 và có mưa dông mạnh. Biển động, trong cơn dông cần đề phòng có lốc xoáy. Ngoài ra do ảnh hưởng kết hợp với hoạt động của gió mùa tây nam nên khu vực giữa và nam Biển Đông, vùng biển từ Bình Thuận đến Kiên Giang có gió mạnh cấp 5, cấp 6, giật cấp 7 và có mưa dông mạnh. Trong cơn dông cần đề phòng lốc xoáy.Ở các tỉnh Bắc và Trung Trung Bộ có mưa vừa, có nơi mưa to đến rất to và rải rác có dông.Hiện nay,...
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng – Thủy văn T.Ư, sáng 21-9, trên khu vực phía đông nam quần đảo Hoàng Sa đã hình thành một vùng áp thấp. Chiều 21-9, vị trí trung tâm vùng áp thấp ở vào 14.0 đến 16.0 độ vĩ bắc; 113.5 đến 115.5 độ kinh đông. Trong khoảng 24 giờ tới, vùng áp thấp này hầu như ít di chuyển và có khả năng mạnh lên thành áp thấp nhiệt đới.
Do ảnh hưởng của hoàn lưu vùng áp thấp nên khu vực vùng biển quần đảo Hoàng Sa có gió mạnh cấp 5, có lúc cấp 6, giật cấp 7 và có mưa dông mạnh. Biển động, trong cơn dông cần đề phòng có lốc xoáy. Ngoài ra do ảnh hưởng kết hợp với hoạt động của gió mùa tây nam nên khu vực giữa và nam Biển Đông, vùng biển từ Bình Thuận đến Kiên Giang có gió mạnh cấp 5, cấp 6, giật cấp 7 và có mưa dông mạnh. Trong cơn dông cần đề phòng lốc xoáy.
Ở các tỉnh Bắc và Trung Trung Bộ có mưa vừa, có nơi mưa to đến rất to và rải rác có dông.
Hiện nay, lũ trên sông Cả đang xuống. Mực nước sáng ngày 21-9 trên sông Cả tại trạm Dừa: 20,72m, trên báo động 1 (BĐ1) 0,22m; tại Nam Đàn: 6,83m, dưới BĐ2 là 0,07m. Dự báo lũ trên hệ thống sông Cả tiếp tục xuống. Mực nước trên sông Cả tại Nam Đàn có khả năng xuống mức: 6,4m (dưới BĐ2 là 0,5m); đến tối ngày 22-9 xuống mức 6,2m. Tình trạng ngập úng ở vùng trũng, đồng bằng hạ lưu sông Cả giảm dần.
Hai đợt mưa lớn liên tiếp trên diện rộng tại Thái Bình đã làm cho một số đoạn đê sông, đê biển tại các trọng điểm xung yếu của huyện Thái Thụy bị sạt lở nghiêm trọng; đặc biệt là tuyến đê biển số 7, số 8, kè Hà My. Một số điểm sạt lở có chiều dài cung trung bình từ 15 đến 40m và lấn sâu vào thân đê từ 1,5 đến 2m. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh đã đề nghị UBND tỉnh giao các ngành và huyện Thái Thụy phối hợp xử lý khẩn cấp sự cố sạt lở các đoạn đê, kè, kịp thời đối phó các đợt mưa, bão tiếp theo.
Ngày 21-9, khu ực ấp Vĩnh Lạc, xã Vĩnh Hòa, (thị xã Tân Châu, An Giang), đã xảy ra vụ sạt lở đất bờ sông dài 70 m, sâu vào đất liền 40 m, rất may đã không thiệt hại về tính mạng cũng như tài sản người dân. Hiện khu vực trên còn ba hộ đang sinh sống, các đơn vị bộ đội thị xã Tân Châu đã huy động các chiến sĩ tại đơn vị đến ngay giúp dân di dời nhà cửa đến nơi an toàn. Theo dự báo tình hình sạt lở tại khu vực này có thể tiếp tục diễn ra.
Hai ngày qua, tại Thanh Hóa có mưa to và rất to. Tại huyện Triệu Sơn và TP Thanh Hóa, lượng mưa đến hơn 200 mm, gây ngập cục bộ trên nhiều tuyến đường có các trường học ở thành phố Thanh Hóa… Các tuyến đường quốc lộ 217 bị sạt lở rải rác từ thị trấn Đồng Tâm (huyện Bá Thước) lên thị trấn Na Mèo (huyện Quan Sơn).
Ban chỉ huy PCLB Nghệ An cho biết, từ ngày 18 đến sáng 21-9, các huyện miền núi trên địa bàn tỉnh có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to, gây ra lũ, làm sạt lở, hư hỏng nhiều tuyến đường trên địa bàn. Ngành giao thông Nghệ An, đang triển khai các giải pháp, nhanh chóng giải phóng ách tắc giao thông do mưa lũ gây ra trên tuyến quốc lộ 7, quốc lộ 48C và tuyến đường 598A, 598B.
Chủ động đối phó với mưa, lũ diễn biến bất thường, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã có công điện khẩn gửi tất cả 12 huyện, thị xã, thành phố triển khai thu hoạch nhanh gọn lúa hè thu, phấn đấu cơ bản xong trước 25-9, kiên quyết không để lúa chín bị ngập khi mưa lũ xảy ra. UBND tỉnh huy động tối đa lực lượng, thành lập các đoàn công tác, cử cán bộ bám sát cơ sở chỉ đạo các xã, thôn, xóm, đến tận người dân và trực tiếp cùng tham gia thu hoạch cây trồng, vật nuôi, thủy sản.
Ở đồng bằng sông Cửu Long, nước lũ lên nhanh cộng mưa lớn kéo dài làm hàng nghìn ha lúa thu đông bị đổ, chìm trong nước. Tại tỉnh Kiên Giang, gần 2.000 ha lúa ngập nước, trong đó hơn 300 ha mất trắng. Nhiều diện tích lúa không thu hoạch được, nông dân phải bán cho người nuôi vịt chạy đồng. Tại Đồng Tháp, nước lũ đang đổ về mạnh. Tỉnh tập trung mọi nguồn lực bảo đảm an toàn cho 32.123 ha lúa thu đông và 25.483 ha vườn cây ăn trái. Sở chỉ đạo các huyện, thị xã, thành phố tăng cường kiểm tra đê bao, gia cố những đoạn đê bao cống đập còn thấp, chủ động bơm tiêu úng; phân công lực lượng tuần tra canh gác 24/24 các đê bao bảo vệ lúa thu đông, vườn cây ăn trái; tăng cường kiểm tra, đôn đốc công tác ứng phó tại cơ sở.
UBND tỉnh Bình Thuận đã phê duyệt quy hoạch nối mạng các hệ thống công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2011-2020. Theo quy hoạch, sẽ chuyển nguồn nước từ Sông Lũy và sông La Ngà về năm khu vực đang thiếu nước bao gồm: Sông Lòng Sông, sông Quao, sông Cà Ty, sông Dinh và sông Phan, góp phần cung cấp nước sinh hoạt cho nhân dân các huyện, thị xã và thành phố phía nam tỉnh Bình Thuận.
Theo Nhandan
Ý kiến ()