tle=”Click vào để xem ảnh phóng to” rel=””>
amesmall” src=”http://nhandan.com.vn/media/k2/items/cache/2096/1a26f47b92d5f64fb59bedafeb3f8acf_L.jpg” border=”0″ alt=”Ngư dân Bình Thuận đưa tàu, thuyền vào nơi an toàn tránh trú áp thấp nhiêt đới trên Biển Đông.” /> * Phòng chống lũ trên hệ thống các sông * Thông báo cho 47.760 tàu, thuyền chủ động tránh áp thấp nhiệt đới và bão * Tiếp tục khắc phục hậu quả bão số 6
Theo Trung tâm dự báo Khí tượng – Thủy văn T.Ư, ngày 12-8, vị trí tâm bão Utor ở trên khu vực phía tây đảo Lu-Dông (Phi-li-pin). Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 14, giật cấp 15, cấp 16. Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão, vùng biển phía đông bắc Biển Ðông từ sáng nay gió sẽ mạnh dần lên cấp 7, cấp 8, sau tăng lên cấp 9, cấp 10, vùng gần tâm bão đi qua mạnh cấp 13, cấp 14, giật cấp 16, cấp 17. Biển động dữ dội.
Ngoài ra, do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới, khu vực giữa Biển Ðông (bao gồm cả vùng biển phía bắc quần đảo Trường Sa) có gió mạnh cấp 6, giật cấp 7, cấp 8. Biển động. Vùng biển từ Bình Thuận đến Cà Mau và khu vực nam Biển Ðông (bao gồm cả vùng biển phía nam quần đảo Trường Sa) có gió mạnh cấp 5, có lúc cấp 6, giật cấp 7, cấp 8 và có mưa rào và dông mạnh. Biển động. Trong cơn dông cần đề phòng có lốc xoáy. Các tỉnh Nam Bộ và Tây Nguyên có mưa, mưa vừa, có nơi mưa to và rải rác có dông.
Sáng 11-8, Ban Chỉ đạo PCLB T.Ư, Ủy ban Quốc gia TKCN đã có Công điện số 45/CÐ-T.Ư điện Ban chỉ huy PCLB các tỉnh, thành phố ven biển từ Quảng Ninh đến Phú Yên; Ban chỉ huy PCLB các bộ: Quốc phòng, Giao thông vận tải, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ngoại giao, yêu cầu: Tìm mọi biện pháp thông báo cho chủ các phương tiện đang hoạt động trên biển biết vị trí, hướng di chuyển và diễn biến của bão và áp thấp nhiệt đới để chủ động phòng tránh, thoát ra khỏi hoặc không đi vào vùng nguy hiểm. Khu vực nguy hiểm trong 24 giờ tới là vùng biển phía bắc vĩ tuyến 11, phía nam vĩ tuyến 16 và vùng biển đông bắc Biển Ðông. Tùy theo diễn biến của bão và áp thấp nhiệt đới vùng nguy hiểm sẽ được điều chỉnh cho phù hợp. Theo dõi, kiểm đếm tàu, thuyền đang hoạt động trên biển, quản lý chặt chẽ việc ra khơi của các tàu thuyền và giữ thông tin liên lạc thường xuyên với chủ các phương tiện, đặc biệt đối với các tàu đánh bắt xa bờ để xử lý kịp thời các tình huống xấu có thể xảy ra. Duy trì lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn để sẵn sàng ứng cứu khi có yêu cầu.
Ðoàn công tác của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đi kiểm tra hệ thống đê điều, khắc phục sự cố sau úng ngập và tình hình lũ trên sông Cầu. Hiện nay, lũ trên sông Cầu tại Ðáp Cầu đã đạt đỉnh 6,42 m (trên mức báo động 3 là 0,12 m). Dự báo, mực nước trên sông Cầu tại Ðáp Cầu có khả năng xuống mức 5,5 m (trên mức báo động 2 là 0,20 m). Ðể chủ động đối phó với mưa bão, giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra, bên cạnh việc bơm tiêu nước nội đồng, Ban chỉ huy PCLB tỉnh cần tiếp tục theo dõi diễn biến, chuẩn bị đầy đủ nhân lực vật tư, phương tiện để xử lý kịp thời các sự cố xảy ra.
Ban chỉ huy PCLB tỉnh Hà Nam thường xuyên thông báo tình hình lũ trên các sông, đồng thời yêu cầu các địa phương thực hiện chế độ trực tại các điếm canh đê 24/24 giờ từ khi có lũ. Trên tuyến đê sông Ðáy hiện có khá nhiều điểm xung yếu, đặc biệt, còn có cả những công trình xây dựng chưa qua thử thách, một số điểm đã từng xảy ra sự cố trước đây. Tại K95 945 – K95 970 đê tả sông Ðáy (Kim Bảng) bị sạt mái cơ thượng lưu dài 25 m, chiều cao sạt 0,5 đến 1,0 m, chiều rộng sạt 0,2 đến 0,6 m. Khu vực K103 720 đê tả sông Ðáy (TP Phủ Lý) bị trượt mái đê thượng lưu dài 15m, vết nứt rộng 10 cm, sụt sâu theo phương đứng 30 cm và tiếp tục nứt rộng thêm 10 cm, sụt sâu thêm phương đứng 1 m, chiều dài vết nứt thêm 10 m. Khu vực K9 980 đến K9 021 đê hữu Kinh Thầy, tỉnh Hải Dương cũng xuất hiện cung sạt dài 41 m lấn sâu vào bãi 1,5 m, tụt sâu 2,8 m, vị trí gần nhất cung sạt cách chân đê phía sông 36 m. Khu vực K10 025 – K10 055 đê hữu sông Kinh Thầy cũng xuất hiện cung sạt dài 30 m lấn sâu vào bãi 2 m, tụt sâu 2,8 m, vị trí gần nhất cách chân đê phía sông 31,6 m. Các địa phương đang khẩn trương khắc phục sự cố đê điều.
Tại tỉnh Ninh Bình, mưa bão đã làm gần 1.900 ha lúa và hoa màu bị ngập. Chi cục Thủy lợi đã chỉ đạo các đơn vị thành viên vận hành liên tục 236 máy bơm, 59 trạm bơm, mở 17 cống trên những tuyến đê để tiêu thoát nước đệm trong nội đồng. Bên cạnh đó, các xã ven sông Hoàng Long, sông Bôi cũng chuẩn bị đầy đủ vật tư dự phòng tập trung ở các trọng điểm xung yếu sẵn sàng ứng phó kịp thời trước diễn biến bất thường của thời tiết. Mưa lớn xảy ra tại huyện vùng cao Mường Lát (Thanh Hóa) đã gây sét đánh vào trạm thu phát sóng truyền hình đặt ở dốc Cổng Trời, xã Trung Lý. Hiện, trạm vẫn chưa thể hoạt động trở lại. Huyện đã báo cáo UBND tỉnh để sớm có biện pháp khắc phục sự cố trên.
Do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới, các tỉnh Nam Trung Bộ đã có mưa. Ðể bảo đảm an toàn cho tàu, thuyền và ngư dân, Bộ Tham mưu Bộ đội Biên phòng đã có công điện chỉ đạo Biên phòng các tỉnh, thành phố ven biển từ Quảng Ninh đến Cà Mau và ba hải đoàn 18, 38, 48 chỉ đạo các công tác triển khai phòng, chống áp thấp nhiệt đới trên Biển Ðông. Bên cạnh đó, biên phòng tuyến biển các tỉnh từ Quảng Ninh đến Cà Mau phối hợp địa phương, gia đình chủ tàu, thuyền trưởng thông báo, kiểm đếm, hướng dẫn cho 47.760 phương tiện (206.340 người) biết vị trí, hướng di chuyển của áp thấp nhiệt đới, bão để chủ động di chuyển phòng tránh.
Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Nam chỉ đạo các đồn biên phòng phối hợp chính quyền địa phương thông tin cho ngư dân trên biển biết vị trí, hướng di chuyển của bão để tìm nơi trú ẩn an toàn. Nhưng đến trưa 11-8, vẫn còn 325 tàu, thuyền hành nghề trên biển, với tổng số 3.288 lao động. Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Bình Ðịnh cũng triển khai kiểm đếm tàu, thuyền, thường xuyên liên lạc, hướng dẫn các chủ phương tiện tránh trú an toàn. Ðược biết, tỉnh có 7.600 tàu, thuyền với 41.000 ngư dân đang đánh bắt xa bờ. Ban chỉ huy PCLB đã có công điện gửi các địa phương ven biển để chỉ đạo ứng phó với diễn biến của áp thấp nhiệt đới. Hiện tại, đã có 45 tàu, thuyền của ngư dân các tỉnh Khánh Hòa, Phú Yên, Bình Ðịnh vào neo đậu, tránh trú tại các cụm đảo. Các lực lượng trên đảo chuẩn bị lương thực, nước ngọt hỗ trợ ngư dân vào tránh trú. Tuy nhiên, tại TP Nha Trang, sáng 11-8, các tua du lịch vẫn có khoảng 150 tàu du lịch rời bến tàu Cầu Ðá đưa hơn 40 nghìn khách đi tham quan vịnh Nha Trang. Tỉnh Phú Yên hiện còn hơn 250 phương tiện, với hơn 1.500 lao động trên biển; trong đó, có hơn 70 phương tiện với gần 550 lao động đang hoạt động trên vùng biển Quần đảo Trường Sa. Ban Chỉ huy PCLB tỉnh đã thông báo cho ngư dân biết vị trí, hướng di chuyển của áp tháp nhiệt đới để chủ động phòng tránh.
Theo Chi cục Thủy lợi Hà Nội, đến sáng 11-8 trên địa bàn thành phố còn hơn 7.000 ha đất sản xuất nông nghiệp bị ngập nước. Các đơn vị thủy lợi vận hành 178 trạm bơm, với 820 máy bơm, tổng lưu nước đạt gần 1,5 triệu m3/giờ để cứu lúa và hoa màu. Ðể bảo đảm việc tiêu úng kịp thời, Chi cục Thủy lợi Hà Nội đề nghị các quận, huyện, thị xã, các doanh nghiệp thủy lợi tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến tình hình khí tượng thủy văn; kiểm tra, rà soát các diện tích còn ngập úng để tổ chức vận hành công trình tiêu nước hợp lý, hạn chế tối đa bơm nước ra các trục tiêu đang ở mức báo động để tránh gây tràn, mất an toàn bờ các sông, trục tiêu như sông Nhuệ, sông Cầu Ngà, kênh Long Tửu…
Theo Nhandan
Theo Nhandan
Ý kiến ()