Chủ động đàn gia cầm phục vụ thị trường tết
(LSO) – Còn hơn 1 tháng nữa là đến Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021, thời điểm này, các hộ chăn nuôi gia cầm trên địa bàn tỉnh đang tập trung chăm sóc đàn gia cầm để phục vụ nhu cầu của người dân trong dịp tết.
Hữu Lũng là một trong những huyện phát triển chăn nuôi gia cầm mạnh trên địa bàn tỉnh, hiện toàn huyện có khoảng 900 nghìn con gia cầm, tăng hơn 5% so với thời điểm tháng 12/2019. Anh Hứa Văn Phòng, thôn Minh Tiến, xã Thiện Tân cho biết: Hằng năm, tôi đều duy trì hơn 1.500 con gà phục vụ cho dịp tết, bởi đây là thời điểm nhu cầu thực phẩm của người dân tăng cao. Theo đó, để đàn gà kịp xuất chuồng dịp giáp tết, ngay từ tháng 8 âm lịch, tôi đã mua giống gà tại cơ sở giống uy tín để chăn thả. Ngoài việc cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng để tăng sức đề kháng cho gà, tôi cũng chú trọng theo dõi dịch bệnh cho đàn gà để tránh những thiệt hại có thể xảy ra. Đến nay, đàn gà sinh trưởng, phát triển tốt. Dự kiến đến giữa tháng 12 âm lịch là có thể xuất bán.
Người dân xã Vạn Linh, huyện Chi Lăng chăm sóc gia cầm để phục vụ thị trường Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021
Không chỉ có hộ anh Phòng, nhiều hộ chăn nuôi gia cầm trên địa bàn tỉnh cũng thực hiện tái đàn, tăng đàn gia cầm, nhất là đàn gà để đáp ứng nhu cầu thực phẩm vào dịp tết. Theo số liệu từ Chi cục Chăn nuôi và Thú ý tỉnh, hiện toàn tỉnh có khoảng 5,3 triệu con gia cầm, tăng 2,1% so với thời điểm tháng 12/2019, trong đó, có hơn 4,7 triệu con gà, tăng 2,46%. Được biết, nguyên nhân đàn gia cầm tăng là do vào dịp tết, nhu cầu về thực phẩm cao nên hầu hết các hộ chăn nuôi gia cầm tổ chức tái đàn, tăng đàn. Cùng đó, do ảnh hưởng của dịch tả lợn Châu Phi trước đó nên nhiều hộ chuyển hướng sang phát triển chăn nuôi gia cầm.
Song song với việc tái đàn và tăng đàn gia cầm thì công tác chăm sóc và phòng, chống dịch bệnh trên đàn gia cầm cũng đang được các ngành chức năng và các hộ chăn nuôi chú trọng. Theo lãnh đạo Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh, các tháng cuối năm là thời điểm người chăn nuôi chịu nhiều rủi ro nhất. Bởi đây là thời điểm thời tiết có nhiều thay đổi, nắng, mưa xen kẽ, kết hợp với các đợt không khí lạnh nên đàn gia cầm không kịp thích nghi, sức đề kháng giảm, tạo cơ hội để dịch bệnh phát triển, nhất là cúm gia cầm. Theo thống kê của Chi cục, tính từ đầu năm 2020 đến tháng 12/2020, toàn tỉnh đã có hơn 1,3 triệu con gia cầm được tiêm phòng bệnh tụ huyết trùng và Niu cát xơn, riêng trong 2 tháng 11 – 12/2020, các hộ chăn nuôi đã chủ động tiêm phòng bệnh tụ huyết trùng và Niu cát xơn cho hơn 200 nghìn con gia cầm chuẩn bị phục vụ dịp tết.
Ông Nguyễn Nam Hùng, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y cho biết: Chi cục đã và đang phối hợp với trung tâm dịch vụ nông nghiệp các huyện, thành phố tăng cường thông tin, tuyên truyền đến các hộ chăn nuôi chủ động chăm sóc, phòng, chống dịch bệnh cho đàn gia cầm. Cùng đó, hướng dẫn người dân vệ sinh chuồng trại, thực hiện tiêm phòng cho gia cầm và khuyến khích, hỗ trợ kỹ thuật cho người dân trong việc áp dụng các quy trình chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học. Đồng thời, tăng cường công tác kiểm dịch, kiểm soát giết mổ và kiểm tra vệ sinh thú y nhằm bảo đảm nguồn thực phẩm an toàn cho người tiêu dùng trong dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021.
Bà Hà Thị Ngoan, xã An Sơn, huyện Văn Quan cho biết: Mặc dù gia cầm được nuôi quanh năm thế nhưng tôi chú trọng nhất vào dịp tết, bởi đây là thời điểm bán được giá nhất trong năm. Để phục vụ dịp tết năm nay, tôi nuôi hơn 300 con gà để bán. Để tránh bị thiệt hại, tôi đã gia cố lại chuồng trại, che bạt xung quanh chuồng để tránh mưa tạt, gió lùa và thường xuyên quét dọn chuồng. Cùng đó, hằng ngày tôi đều kiểm tra theo dõi sức khỏe của đàn gà và cung cấp đầy đủ nước uống sạch, thức ăn sạch, đủ chất dinh dưỡng để nâng cao sức đề kháng cho gà.
Với sự chủ động của các ngành chức năng, chính quyền địa phương, đặc biệt từ sự chủ động của chính các hộ chăn nuôi trong công tác chăm sóc, nuôi dưỡng, phòng, chống dịch bệnh, đàn gia cầm phát triển an toàn, phục vụ nhu cầu người tiêu dùng dịp Tết Nguyên đán sắp tới.
Ý kiến ()