Chủ động đảm bảo nguồn cung xăng dầu
– Thời gian qua, giá cả và nguồn cung xăng, dầu trong nước và trên thế giới liên tục biến động đã ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động cung ứng xăng, dầu tại thị trường trong nước nói chung, trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn nói riêng. Song với sự vào cuộc kịp thời, quyết liệt của các cấp, các ngành và các lực lượng liên quan, đến nay, thị trường xăng, dầu trên địa bàn tỉnh đã duy trì được sự ổn định, đảm bảo nguồn cung ứng cho mọi hoạt động sản xuất, kinh doanh của tổ chức, cá nhân.
Đội QLTT số 1 kiểm tra hoạt động cung ứng xăng, dầu tại cửa hàng bán lẻ xăng dầu trên đường Trần Đăng Ninh, TPLS
Theo báo cáo của Sở Công Thương, từ cuối tháng 10/2022 đến đầu tháng 11/2022, có 22 cửa hàng bán lẻ xăng, dầu của 14 doanh nghiệp kinh doanh xăng, dầu trên địa bàn thông báo tạm ngừng bán hàng dẫn đến hoạt động cung ứng xăng, dầu cho người dân không liên tục.
Ông Liễu Anh Minh, Phó Giám đốc Sở Công Thương cho biết: qua giám sát, kiểm tra của ngành công thương và của cơ quan quản lý thị trường cho thấy, thời điểm vừa qua (từ cuối tháng 10/2022 đến trung tuần tháng 11/2022), nhu cầu mua xăng, dầu tăng đột biến từ 150 – 170% so với cùng kỳ, trong khi đó, việc nhập xăng, dầu từ các đầu mối cung cấp xăng, dầu đều phải xếp hàng chờ đến lượt đã dẫn tới tình trạng một số cửa hàng bán lẻ không đủ nguồn cung.
Để đảm bảo nguồn cung xăng, dầu trên địa bàn tỉnh ổn định, Sở Công Thương đã họp, bàn, thảo luận với các các sở, ngành, đơn vị liên quan và thống nhất với các đơn vị đầu mối cung ứng xăng, dầu lớn trên địa bàn tỉnh như Công ty Xăng dầu Hà Bắc thực hiện duy trì giá bán buôn cho các đơn vị làm đại lý cho công ty, đồng thời đảm bảo chiết khấu cho cửa hàng, đại lý bán lẻ xăng, dầu thuộc hệ thống ở mức đủ bù đắp chi phí kinh doanh tối thiểu như: chí phí vận tải, hao hụt, lương cơ bản của nhân công bán hàng trực tiếp. Song song với đó, Sở Công Thương đã báo cáo, tham mưu Chủ tịch UBND tỉnh có văn bản kiến nghị Bộ Công Thương những nội dung doanh nghiệp kinh doanh xăng, dầu trên địa bàn tỉnh đề xuất như: sớm tham mưu sửa đổi quy định về điều hành giá xăng, dầu; đề nghị các tập đoàn, tổng công ty cung ứng xăng, dầu lớn đảm bảo hoạt động phân phối xăng, dầu cho các doanh nghiệp tại tỉnh…
Ông Trần Ngọc Phi, Giám đốc Chi nhánh Xăng dầu Lạng Sơn, Công ty Xăng dầu Hà Bắc chia sẻ: thời điểm này, sản lượng xăng, dầu bán của 38 cửa hàng do đơn vị quản lý, cùng với 7 đại lý ký hợp đồng với chi nhánh đã tăng khoảng 170% so với thời điểm đầu năm nhưng chi nhánh vẫn cố gắng điều tiết, đồng thời liên tục bổ sung nguồn cung từ công ty để đảm bảo cung ứng, phục vụ nhu cầu của người tiêu dùng trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, Chi nhánh đảm bảo bán đúng giá phân phối, thực hiện chiết khấu theo đúng quy định và cam kết với các đại lý bán lẻ xăng, dầu.
Đến thời điểm hiện tại, 22 cửa hàng bán lẻ xăng, dầu đã bán hàng trở lại, cùng đó, tất cả các doanh nghiệp hoạt động kinh doanh xăng, dầu đã nhập được hàng, từ đó nguồn cung xăng, dầu trên địa bàn tỉnh đã ổn định. Tuy nhiên, theo nhận định của cơ quan chuyên môn và ngành chức năng, thời điểm cuối năm, nhất là giáp Tết Nguyên đán, nhu cầu tiêu thụ xăng, dầu sẽ tăng lên, xu hướng khan hàng vẫn còn, nguy cơ đứt gãy nguồn cung vẫn có thể xảy ra như thời gian qua.
Ông Liễu Anh Minh, Phó Giám đốc Sở Công Thương cho biết: để đảm bảo nguồn cung xăng, dầu vào dịp cuối năm và Tết Nguyên đán Quý Mão năm 2023, sở đã có văn bản gửi và yêu cầu các doanh nghiệp, đơn vị cung ứng, kinh doanh xăng, dầu và các đại lý, cửa hàng bán lẻ xăng, dầu trên địa bàn tỉnh chủ động xây dựng kế hoạch, dự kiến lượng hàng bán ra để chủ động nhập hàng kịp thời, đảm bảo cung ứng đầy đủ xăng, dầu cho thị trường; các đại lý, cửa hàng bán lẻ xăng, dầu mở cửa bán hàng đúng thời gian quy đăng ký và đảm bảo cung ứng liên tục, kịp thời số lượng, chủng loại xăng, dầu ra thị trường nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng, sản xuất, kinh doanh tại địa phương. Cùng đó, sở sẽ tiếp tục cùng các ngành thành lập đoànkiểm tra đồng loạt các cửa hàng bán lẻ xăng, dầu tại một số địa bàn trọng điểm như thành phố Lạng Sơn, huyện Hữu Lũng, Bắc Sơn, Cao Lộc, Tràng Định… để nắm rõ tình hình nguồn hàng có tại chỗ, cũng như kế hoạch nhập hàng của các doanh nghiệp để đưa ra phương án điều chỉnh, xử lý kịp thời, qua đó góp phần đảm bảo nguồn cung xăng, dầu không bị đứt gãy.
Ông Nguyễn Minh Tuấn, Phó Cục trưởng Cục QLTT tỉnh cho biết: Để đảm bảo bình ổn thị trường xăng, dầu trong thời gian tới, lãnh đạo Cục QLTT tỉnh đã và đang tiếp tục chỉ đạo các Đội QLTT trực thuộc tăng cường quản lý địa bàn, áp dụng các biện pháp nghiệp vụ kiểm tra, giám sát các bể chứa xăng, dầu của các cửa hàng kinh doanh xăng, dầu trên địa bàn nhằm đảm bảo việc thực hiện nghiêm quy định về thời gian bán hàng, giá bán hàng, chất lượng xăng, dầu,… kịp thời xử lý nghiêm đối với tổ chức, cá nhân kinh doanh xăng, dầu vi phạm pháp luật theo quy định. Đặc biệt, tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các đơn vị chức năng trực thuộc Tổng cục QLTT và các cơ quan liên quan trong và ngoài tỉnh để trao đổi, cung cấp thông tin về khó khăn, vướng mắc trong nguồn cung xăng, dầu của các cửa trên địa bàn liên quan đến các hoạt động của các thương nhân đầu mối, thương nhân phân phối, tổng đại lý xăng, dầu để kịp thời thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm.
Có thể thấy, với sự vào cuộc chủ động của các ngành, các lực lượng của tỉnh, nguồn cung xăng, dầu trên địa bàn tỉnh đã đảm bảo. Nhưng để nguồn cung xăng, dầu ổn định liên tục và không bị đứt gãy như thời gian vừa qua,bên cạnh sự nỗ lực của tỉnh thì rất cần sự đồng lòng, nỗ lực của các doanh nghiệp kinh doanh, xăng dầu trên địa bàn tỉnh.
Trên địa bàn toàn tỉnh Lạng Sơn hiện có 109 cửa hàng bán lẻ xăng, dầu của 56 doanh nghiệp kinh doanh xăng, dầu đang hoạt động. Sản lượng cung ứng hằng năm từ 100 – 110 nghìn m3 xăng, dầu các loại. |
Ý kiến ()