Chủ động cung ứng vật liệu
LSO-Thời gian qua, huyện Chi Lăng đã vận dụng đồng bộ các giải pháp nhằm xây dựng hệ thống đường giao nông thôn (GTNT) trên địa bàn. Trong đó, giải pháp ký kết với doanh nghiệp để chủ động cung ứng vật liệu đã phát huy hiệu quả.
Người dân xã Bằng Mạc làm đường giao thông nông thôn |
Đường GTNT của huyện Chi Lăng có tổng chiều dài hơn 712 km, hiện đã bê tông hóa được 237 km, đạt 33%. Trong đó, đường trục xã đã bê tông hoá được 78/183 km; đường trục thôn đã bê tông hoá được 96/263 km; đường trục xóm đã bê tông hoá được 61/227 km, còn lại là đường nội đồng có chiều dài gần 39 km, mới bê tông hoá được 1,72 km.
Theo kế hoạch đề ra, đến năm 2020, huyện Chi Lăng phấn đấu cứng hóa thêm hơn 217 km mặt đường GTNT các loại. Theo đó, trung bình mỗi năm cứng hóa hơn 43 km, nâng tỷ lệ cứng hóa mặt đường đạt 63,35%.
Để hiện thực hóa mục tiêu, huyện đã giao cho phòng Kinh tế – Hạ tầng theo dõi, rà soát, đánh giá công tác phát triển GTNT tại các xã để kịp thời phân bổ vật liệu. Ngoài nguồn xi măng do tỉnh hỗ trợ huyện đã chủ động làm việc với các doanh nghiệp khai thác vật liệu xây dựng trên địa bàn để cung cấp vật liệu cho các xã.
Ông Linh Văn Phúc, Trưởng phòng Kinh tế – Hạ tầng huyện Chi Lăng cho biết: Để khắc phục khó khăn trong phát triển GTNT do thiếu hoặc chưa kịp phân bổ nguồn vốn hỗ trợ của nhà nước, huyện cho chủ trương để Phòng Kinh tế – Hạ tầng hoặc các xã chủ động thỏa thuận, ký hợp đồng với doanh nghiệp cung ứng trước vật liệu làm GTNT. Khi được hỗ trợ nguồn vốn hoặc dân đóng góp sẽ hoàn trả sau. Đặc biệt, ưu tiên những xã điểm xây dựng nông thôn mới.
Đơn cử như xã Bằng Mạc (xã điểm đăng ký đạt chuẩn nông thôn mới trong năm 2017), Phòng Kinh tế – Hạ tầng huyện đã đứng ra ký hợp đồng để Công ty TNHH đá Thượng Thành chủ động cung ứng vật liệu triển khai làm 3 tuyến đường trục xã với tổng chiều dài 6,3 km gồm: Bằng Mạc – Vạn Linh, Nà Pe – Đông Quan, Khau Tao – Khòn Nưa, Khòn Vạc. Qua đó hoàn thành tiêu chí số 2 về giao thông.
Qua đó, từ đầu năm 2017 đến nay, huyện Chi Lăng đã bố trí nguồn vốn hỗ trợ các xã làm được 19,8 km đường GTNT các loại. Trong đó, giải pháp chủ động cung ứng vật liệu thực hiện hỗ trợ để nhân dân làm giao thông nông thôn thuộc địa bàn các xã: Quan Sơn, Gia Lộc, Hữu Kiên, Bằng Hữu, Mai Sao với kinh phí hỗ trợ vật liệu gần 1,5 tỷ đồng. Ngoài ra, huyện đã huy động nhân dân đóng góp được 17.290 ngày công; 3,2 tỷ đồng và hiến đất 7.280 m2 đất để làm GTNT.
Ông Đoàn Thanh Sơn, Chủ tịch UBND huyện Chi Lăng cho biết: Trong phát triển GTNT cũng như xây dựng nông thôn mới, huyện sẽ thực hiện đúng chủ trương “dân làm, nhà nước hỗ trợ”. Theo đó, huyện sẽ hỗ trợ xi măng, cát, đá hoặc sỏi đổ bê tông; hỗ trợ chi phí quản lý, giám sát, hướng dẫn kỹ thuật, thanh quyết toán… Đối với xã đặc biệt khó khăn sẽ hỗ trợ một phần hoặc toàn bộ chi phí thi công.
Huyện Chi Lăng đề ra mục tiêu phấn đấu từ nay đến hết năm 2020, tỷ lệ cứng hóa đường giao thông đến trung tâm xã đạt 100%, trong đó ưu tiên hoàn thành tiêu chí giao thông (tiêu chí số 2) của 4 xã điểm xây dựng nông thôn mới theo kế hoạch. Với giải pháp chủ động vật liệu cho bà con các xã, hy vọng mục tiêu này sẽ đạt.
ANH DŨNG
Ý kiến ()