Chủ động cung ứng đủ hàng hóa dịp Tết Nhâm Thìn 2012
Người dân mua hàng bình ổn giá tại siêu thị Hapro, Hà Nội. Chuẩn bị đón Tết Nhâm Thìn 2012, nhiều địa phương và doanh nghiệp (DN) đã sớm chủ động triển khai kế hoạch chuẩn bị nguồn hàng phục vụ người dân trong dịp Tết. Phát huy hiệu quả Chương trình bình ổn giá, Tết năm nay, các điểm bán hàng bình ổn giá sẽ tiếp tục được mở rộng nhằm giúp nhiều người dân tiếp cận được với các mặt hàng có giá bán thấp hơn giá thị trường.Nguồn hàng dự trữ tăngTheo Sở Công thương TP Hà Nội, tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ trên thị trường Hà Nội dịp Tết dương lịch và Tết Nguyên đán Nhâm Thìn ước đạt khoảng 24 nghìn tỷ đồng/tháng, tăng 20 đến 22% so với các tháng trong năm. Để bảo đảm cung ứng đầy đủ lượng hàng hóa phục vụ nhu cầu của nhân dân trong giai đoạn này, TP Hà Nội đã tạm ứng 475 tỷ đồng cho các DN tham gia chương trình bình ổn giá, tổ chức thu mua, dự trữ hàng hóa thuộc chín nhóm hàng thiết yếu, gồm 6.400 tấn gạo; 1.350...
Người dân mua hàng bình ổn giá tại siêu thị Hapro, Hà Nội. |
Nguồn hàng dự trữ tăng
Theo Sở Công thương TP Hà Nội, tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ trên thị trường Hà Nội dịp Tết dương lịch và Tết Nguyên đán Nhâm Thìn ước đạt khoảng 24 nghìn tỷ đồng/tháng, tăng 20 đến 22% so với các tháng trong năm. Để bảo đảm cung ứng đầy đủ lượng hàng hóa phục vụ nhu cầu của nhân dân trong giai đoạn này, TP Hà Nội đã tạm ứng 475 tỷ đồng cho các DN tham gia chương trình bình ổn giá, tổ chức thu mua, dự trữ hàng hóa thuộc chín nhóm hàng thiết yếu, gồm 6.400 tấn gạo; 1.350 tấn thịt lợn; 500 tấn thịt gà, vịt; tám triệu quả trứng gia cầm; 1.280 tấn thực phẩm chế biến; 800 tấn thủy – hải sản đông lạnh; 800 nghìn lít dầu ăn; 250 tấn đường RE; 2.500 tấn rau, củ. Ngoài ra, các hộ kinh doanh tại chợ dự kiến dự trữ khoảng 2.000 tấn thịt trâu, bò; hơn 3.500 tấn thịt gia cầm; 6.000 tấn thủy – hải sản và 50 nghìn tấn rau, củ, quả.
Trên địa bàn TP Hà Nội, các DN sản xuất kinh doanh nước giải khát dự kiến cung ứng khoảng 100 triệu lít bia, 13 triệu chai rượu và 70 nghìn thùng bia. Các đơn vị sản xuất bánh, mứt kẹo dự trữ và cung ứng khoảng 18 nghìn tấn bánh, mứt, kẹo các loại… Các DN, trung tâm thương mại, siêu thị cũng chủ động sử dụng nguồn vốn của đơn vị để dự trữ khoảng 1.900 tỷ đồng tiền hàng. Siêu thị Big C chuẩn bị nguồn hàng Tết trị giá hơn 150 tỷ đồng, tăng hơn 20% so với năm ngoái. Tổng công ty Thương mại Hà Nội (Hapro) xây dựng kế hoạch khai thác, dự trữ 1.061 tấn gạo, 542 tấn thịt, 2.424 tấn thực phẩm chế biến, 575 tấn rau, củ, quả…, tổng giá trị khoảng 905 tỷ đồng, tăng 15% so với đợt Tết năm ngoái. Siêu thị Co.op Mart Sài Gòn tại Hà Nội dự trữ lượng hàng hóa tăng khoảng 40% so với năm ngoái, trong đó tỷ lệ hàng sản xuất trong nước chiếm 95%.
Tại TP Hồ Chí Minh, nhiều DN, nhất là các DN tham gia bình ổn giá đã chủ động chuẩn bị nguồn hàng để tránh tình trạng thiếu hàng dẫn đến giá cả tăng vọt trong dịp Tết. Đến thời điểm này, các DN đã đầu tư khoảng 5.500 tỷ đồng để chuẩn bị nguồn hàng. Đơn cử như Tổng công ty Thương mại Sài Gòn (Satra) dự kiến sẽ đưa gần 30 tấn hàng hóa, với tổng giá trị gần 1.400 tỷ đồng để phục vụ nhân dân trong những ngày Tết. Theo kế hoạch, đến cuối năm, Satra đầu tư thêm một số cửa hàng bình ổn giá để đáp ứng nhu cầu của người dân, nhất là các hộ dân ở khu vực ngoại thành. Phó Giám đốc Công ty TNHH Ba Huân, Phạm Thanh Hùng cho biết, công ty đã dự trữ số lượng hàng đủ để cung cấp cho thị trường Tết từ 2 đến 3 triệu quả trứng gia cầm/ngày. Để chủ động nguồn hàng, công ty đẩy mạnh thu mua trong dân, liên doanh, liên kết trong sản xuất và xây dựng trang trại riêng.
Là đơn vị đầu tàu triển khai bình ổn giá thịt lợn tại TP Hồ Chí Minh, Công ty Vissan cũng chuẩn bị bốn nghìn tấn hàng/tháng, thay vì được giao chỉ tiêu là ba nghìn tấn/tháng để cung ứng cho thị trường dịp Tết. Tương tự, SaiGon Co.op cũng dự trữ khoảng 20 nghìn tấn hàng hóa, tăng ba đến năm lần so với chỉ tiêu được giao. Theo báo cáo của Sở Công thương TP Hồ Chí Minh, lượng hàng thiết yếu chuẩn bị cho dịp Tết đến thời điểm này là khá lớn, trong đó có 7.500 tấn gạo, 5.600 tấn đường, hơn 2.500 tấn thịt gà… đủ đáp ứng cho thị trường.
Bên cạnh việc chuẩn bị nguồn hàng, các địa phương cũng tăng cường kiểm soát giá cả thị trường, phát hiện ngăn chặn kịp thời các hành vi đầu cơ, găm hàng, đẩy giá tăng cao. Phó Giám đốc Sở Công thương Hà Nội Nguyễn Văn Đồng cho biết, công tác quản lý thị trường sẽ được tập trung thực hiện sát sao hơn, từ nay đến ngày 30 Tết, thành phố sẽ tổ chức các đoàn kiểm tra về chất lượng, giá cả hàng hóa, vệ sinh môi trường, phòng, chống cháy nổ…, tại các siêu thị, trung tâm thương mại. Đồng thời, kiểm soát hoạt động phân phối, thu mua hàng hóa; phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi đầu cơ tăng giá trên địa bàn… Lực lượng quản lý thị trường của thành phố sẽ tăng cường kiểm tra, kiểm soát các điểm kinh doanh, các tuyến phố bán hàng văn hóa phẩm; các điểm tập kết hàng hóa từ các tỉnh về…
Mở rộng các điểm bán hàng bình ổn giá
Để nhiều người dân tiếp cận được với hàng bình ổn giá, năm nay, TP Hà Nội sẽ mở rộng các điểm bán hàng bình ổn giá với 653 điểm, tăng gần 150 điểm so với năm 2010. Trong đó, có 304 điểm ở ngoại thành, 68 điểm tại các chợ và sáu điểm tại các khu công nghiệp. Sở Công thương Hà Nội khuyến khích các DN mở các điểm bán hàng lưu động, nhất là tại các khu vực xa trung tâm thành phố. Hapro cho biết, sẽ phối hợp UBND các huyện tổ chức 13 phiên chợ Tết tại các khu vực này. Thành phố đã chủ động phối hợp Hiệp hội Làng nghề, UBND các quận, huyện đẩy mạnh việc cung ứng các hàng hóa từ các làng nghề… Đồng thời, tạo điều kiện cho các DN khảo sát, ký hợp đồng, liên kết giao thương với các tỉnh lân cận, bảo đảm không xảy ra tình trạng khan hiếm hàng hóa.
Với mục tiêu đưa hàng bình ổn giá đến tay người tiêu dùng, TP Hồ Chí Minh phấn đấu đến Tết Nhâm Thìn 2012 sẽ phát triển thêm khoảng 100 điểm bán, trong đó có 15 cửa hàng văn minh, tiện ích, bán hàng bình ổn giá và vận động 24 hợp tác xã tại địa bàn quận, huyện tham gia làm cửa hàng, trung tâm phân phối hàng bình ổn giá. Đến nay, trên địa bàn thành phố có 2.527 điểm bán hàng bình ổn giá, tăng hơn 200 điểm so với thời điểm tháng 4-2011. Đồng thời, thành phố cũng tập trung phát triển điểm bán trong chợ truyền thống, khu chế xuất – khu công nghiệp và các huyện vùng ven; tiến hành sửa chữa, nâng cấp chợ truyền thống, đưa vào sử dụng các quầy, sạp còn bỏ trống; vận động tiểu thương tham gia bán hàng bình ổn giá, xây dựng nếp sinh hoạt mua bán văn minh thương mại. Tăng tần suất bán hàng lưu động, tổ chức các phiên chợ đưa hàng Việt về nông thôn nhằm đưa hàng hóa về các khu dân cư vùng xa, huyện ngoại thành, các khu chế xuất – khu công nghiệp…
UBND thành phố Hồ Chí Minh cũng đã chỉ đạo các đơn vị tham gia chương trình bình ổn thị trường phải bảo đảm người dân tiếp cận với các mặt hàng này với giá bán thấp hơn giá thị trường 10%. Năm nay, thành phố sẽ chi 412 tỷ đồng, trong đó 368 tỷ đồng sẽ dùng để thực hiện bình ổn hàng hóa trong dịp Tết. Theo đó, lượng hàng hóa tham gia bình ổn thị trường dịp Tết chiếm từ 30 đến 40% nhu cầu của thị trường, so với năm 2010, con số này tăng lên khoảng 20%. Theo Phó Giám đốc Sở Công thương thành phố Lê Thị Ngọc Đào, với khả năng đáp ứng này, người dân sẽ tiếp cận được nhiều hơn với nguồn hàng bình ổn có chất lượng cao.
Cũng theo Sở Công thương TP Hồ Chí Minh, nhiều đơn vị, DN sẽ triển khai đưa hàng về các vùng nông thôn. Cụ thể, Sở Công thương phối hợp Thành Đoàn, Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố triển khai bán hàng thông qua các “kênh” như hệ thống bán lẻ, cửa hàng tiện ích, tổ chức các chuyến hàng bình ổn giá… Phó Bí thư Thành Đoàn TP Hồ Chí Minh Bùi Tá Hoàng Vũ cho biết, Thành Đoàn phối hợp Đoàn Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại và Satra thực hiện các hoạt động như tổ chức các chuyến bán hàng lưu động, phiên chợ thanh niên, hội chợ xuân, xây dựng chuỗi các “Cửa hàng tiện ích Thanh Niên”… Các chương trình sẽ được Thành Đoàn trực tiếp triển khai đến các cơ sở đoàn quận, huyện để thực hiện từ nay đến tháng 3-2012.
Bí thư Đoàn Satra Phạm Công Tuấn Hạ cho biết, hiện mức sống của người dân ở các địa phương vẫn còn thấp nên dù là hàng bình ổn nhưng giá còn cao. Vì thế, các đơn vị thực hiện và đơn vị cung ứng cần thống nhất để các mặt hàng có giá cả thật sự phù hợp với người dân thì chương trình triển khai mới có hiệu quả. Ngoài ra, để các mặt hàng giá rẻ đến được tay người dân, các cơ sở đoàn phải triển khai kế hoạch cho người dân đăng ký mua hàng để đơn vị cung ứng kịp thời đưa hàng xuống cho bà con. Tuy nhiên, theo Huyện Đoàn Cần Giờ thì nếu triển khai trong thời gian dài sẽ gặp khó khăn về nguồn nhân lực để bán hàng bởi kênh phân phối của Đoàn – hội chủ yếu thực hiện theo tinh thần tự nguyện là chính. Ngoài ra, việc triển khai hàng bình ổn đến các cửa hàng tạp hóa cũng chưa nhận được sự ủng hộ của số đông chủ cửa hàng vì họ cho rằng, bán hàng bình ổn chiết khấu thấp quá, ảnh hưởng đến lợi nhuận.
Theo Nhandan
Ý kiến ()