Chủ động chuyển đổi TCVN ISO 9001:2008 sang ISO 9001:2015
LSO- Ngày 31/12/2015, Bộ Khoa học và Công nghệ công bố tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO 9001:2015, đồng thời, bãi bỏ TCVN ISO 9001:2008. Bộ cũng đưa ra lộ trình đến năm 2021, tất cả các đơn vị áp dụng TCVN ISO 9001:2008 chuyển đổi sang TCVN ISO 9001:2015. Thực hiện lộ trình này, tỉnh Lạng Sơn phấn đấu đến năm 2020 sẽ hoàn thành chuyển đổi với 117 đơn vị cấp xã.
ISO 9001:2015 là tiêu chuẩn về hệ thống quản lý chất lượng. Nó đưa ra các chuẩn mực để xây dựng hệ thống quản lý chất lượng một cách khoa học nhằm kiểm soát rủi ro, ngăn ngừa sai lỗi, sản xuất, cung cấp sản phẩm, dịch vụ đảm bảo chất lượng ổn định.
Ngoài cấu trúc thì hệ thống quản lý chất lượng TCVN ISO 9001:2015 còn thay đổi các điều khoản về bối cảnh của tổ chức; vai trò lãnh đạo; hoạch định; quản lý rủi ro. Điểm mới của TCVN ISO 9001:2015 là các cơ quan phải xác định rõ chức năng, nhiệm vụ, xây dựng hệ thống quản lý chất lượng chặt chẽ, chi tiết, khoa học và thống nhất. Thay vì tập trung vào các quá trình còn tính đến quản lý rủi ro, các yếu tố tác động vào tổ chức, đơn vị mình. Tiêu chuẩn với những khái niệm rõ ràng, chặt chẽ, đòi hỏi sâu sát hơn, tổ chức thực hiện bài bản, chi tiết mới có thể đáp ứng yêu cầu trong các điều khoản.
Cán bộ Phòng Kiểm soát thủ tục hành chính, UBND tỉnh kiểm tra niêm yếu thủ tục hành chính tại Sở Tài chính
Trên địa bàn tỉnh, lộ trình thực hiện từ 2018 đến năm 2020. Trong đó, đối tượng áp dụng là các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh và cấp huyện, khuyến khích UBND cấp xã, phường, thị trấn và các đơn vị sự nghiệp công lập. Đến thời điểm hiện tại, các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, huyện đã hoàn thành chuyển đổi. Vì vậy, giai đoạn hiện nay tập trung chuyển đổi với 117 đơn vị cấp xã.
Ông Trần Quốc Anh, Chi cục trưởng Chi cục Tiêu chuẩn – Đo lường – Chất lượng (TCĐLCL) cho biết: Ngay khi UBND tỉnh ban hành kế hoạch về việc chuyển đổi TCVN ISO 9001:2008 sang ISO 9001:2015, là cơ quan thường trực ISO tỉnh, chi cục chủ động phối hợp với các đơn vị liên quan triển khai tại 50 xã. Để các xã nhanh chóng triển khai và đi vào hoạt động, chúng tôi đã truyên truyền nâng cao nhận thức của cán bộ liên quan và người đứng đầu về hệ thống quản lý chất lượng. Cùng với đó, phối hợp với UBND các huyện tổ chức tập huấn cho người đứng đầu UBND xã và cán bộ liên quan như: tư pháp – hộ tịch, văn hóa….
Đặc biệt, với các đơn vị triển khai áp dụng ISO 9001:2015 thì Chi cục TCĐLCL trực tiếp cầm tay, chỉ việc, hướng dẫn phương pháp triển khai cũng như cách thức thực hiện. Chính vì vậy, trong một thời gian ngắn, các đơn vị đã đưa phiên bản ISO 9001:2015 vào hoạt động và phát huy hiệu quả tích cực.
Tháng 7/2018 vừa qua, Chi cục TCĐLCL kiểm tra tại 21 xã. Qua kiểm tra, 18/21 UBND xã đạt yêu cầu tiêu chuẩn đề ra. Hệ thống tài liệu cơ bản đầy đủ theo mô hình khung gồm: sổ tay chất lượng, chính sách chất lượng, mục tiêu chất lượng, các quy trình bắt buộc và các quy trình tác nghiệp liên quan đến thủ tục hành chính. Hầu hết đều ban hành chính sách chất lượng, mục tiêu chất lượng, đặc biệt là có sự tham gia tích cực của lãnh đạo trong quá trình xây dựng và áp dụng hệ thống quản lý chất lượng.
Nếu xây dựng và đưa quy trình theo tiêu chuẩn ISO áp dụng với trên 100 thủ tục hành chính, lãnh đạo các xã sẽ được giảm bớt áp lực, kiểm soát được toàn bộ quy trình công việc. Anh Bành Trung Kiên, cán bộ tư pháp – hộ tịch xã Nhật Tiến, huyện Hữu Lũng cho biết: Triển khai hệ thống quản lý chất lượng TCVN ISO 9001:2015, tôi phải chủ động hơn trong xử lý công việc bởi mỗi thủ tục chỉ được phép xử lý trong một thời gian nhất định, sau đó chuyển sang các bộ phận khác. Các quy trình được công khai giúp cá nhân, doanh nghiệp theo dõi được thủ tục mình đang thực hiện; hạn chế thời gian đi lại, chờ đợi.
Những tháng cuối năm 2018, Lạng Sơn sẽ tiếp tục triển khai hệ thống quản lý chất lượng TCVN ISO 9001:2015 tại 50 xã trên địa bàn tỉnh. Áp dụng hệ thống quản lý chất lượng không chỉ phục vụ tốt nhu cầu của người dân, doanh nghiệp mà còn góp phần nâng cao chỉ số cải cách hành chính của tỉnh.
Ý kiến ()