Chủ động chuẩn bị để tắt sóng 2G
– 2G là công nghệ viễn thông di động thế hệ thứ 2, ra đời từ năm 1991 với tính năng mã hóa các cuộc hội thoại và tin nhắn dưới dạng kỹ thuật số. Đến nay, công nghệ này đã hoàn thành sứ mệnh. Chính vì vậy, việc tắt sóng 2G là điều cần thiết để giải phóng tần số vô tuyến, phục vụ tốt hơn cho phát triển hạ tầng viễn thông di động trên địa bàn tỉnh.
Theo số liệu thống kê của Sở Thông tin và Truyền thông, toàn tỉnh có trên 2.900 trạm phát sóng BST, trong đó có trên 800 trạm phát sóng BTS 2G, còn lại là 3G và 4G. Cùng đó, toàn tỉnh có khoảng 828.000 thuê bao điện thoại, mật độ khoảng 106 thuê bao/100 dân. Hiện nay, phần người dân sử dụng điện thoại thông minh bắt sóng 3G, 4G, chỉ có một số ít là thiết bị sử dụng sóng 2G. Đối tượng sử dụng sóng 2G chủ yếu là người già, trẻ em, người dân các vung nông thôn, vùng sâu vùng xa và một số thiết bị định vị, chuyên ngành khác của lực lượng hải quan, điện lực… Đối tượng sử dụng ngày càng thu hẹp việc duy trì các trạm phát sóng 2G không chỉ khiến các doanh nghiệp mất nhiều chi phí vận hành thiết bị công nghệ cũ mà còn lãng phí tần số vô tuyến. Chính vì vậy, từ đầu năm 2022, Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ đạo các nhà mạng triển khai từng bước tắt sóng 2G. Theo đó, việc tắt sóng 2G được triển khai từ nay đến năm 2025.
Nhân viên kỹ thuật VNPT kiểm tra thiết bị phát sóng tại phường Chi Lăng, thành phố Lạng Sơn
Ông Hoàng Văn Thuần, Phó Chủ tịch UBND xã Yên Trạch, huyện Cao Lộc cho biết: Trên địa bàn xã hiện có trên 80% người dân sử dụng điện thoại thông minh. Việc tắt sóng 2G trong thời gian tới sẽ không ảnh hưởng lớn đến thông tin liên lạc của người dân trên địa bàn. Tuy nhiên, nếu tắt sóng 2G thì các doanh nghiệp viễn thông cần bố trí thêm những trạm phát sóng 3G, 4G ở những khu vực sóng yếu, lõm sóng để đảm bảo 100% người dân trên địa bàn có thể sử dụng điện thoại thông minh cũng như đảm bảo đường truyền internet để sử dụng các dịch vụ khác.
Theo lộ trình, tỉnh Lạng Sơn sẽ tiến hành tắt sóng 2G từ năm 2023. Thời điểm này, Sở Thông tin và Truyền thông, các doanh nghiệp viễn thông đã chủ động rà soát để kịp thời nắm bắt những khu vực có tỷ lệ người dùng sóng 2G thấp, làm các công tác chuẩn bị để xây dựng các trạm phát sóng 5G, mở rộng độ phủ sóng 3G, 4G trên địa bàn tỉnh… Để chuẩn bị cho việc tắt sóng 2G, các doanh nghiệp đã chủ động xây dựng thêm các trạm phát sóng BTS để tăng độ phủ sóng 3G, 4G trên địa bàn tỉnh. Cụ thể, từ năm 2021 đến nay, các doanh nghiệp viễn thông đã phát triển 121 trạm phát sóng BTS. Các doanh nghiệp đang tiếp tục khảo sát, xây dựng các trạm BTS, đảm bảo hết năm 2022 sẽ phủ trắng sóng tại 265 thôn bản còn lại, 100% trung tâm xã, phường, thị trấn được phủ sóng di động 3G, 4G. Cùng đó, Sở Thông tin và Truyền thông chỉ đạo doanh nghiệp viễn thông (Mobifone và Viễn thông Lạng Sơn) thí điểm tắt sóng 63 trạm 2G tại một số địa bàn. Kết quả cho thấy, sau khoảng 1 tuần tắt sóng, thông tin liên lạc của người dân không bị gián đoạn do phần lớn đã sử dụng điện thoại thông minh.
Ông Phạm Đức Vinh, Phó Giám đốc Viễn thông Lạng Sơn cho biết: Hiện nay, Viễn thông Lạng Sơn có khoảng 200 trạm BTS 2G, 500 trạm 3G, 500 trạm 4G, phủ sóng 98% diện tích có người dân trên địa bàn tỉnh. Có đến 95% khách hàng của Vinaphone tại Lạng Sơn sử dụng điện thoại thông minh, còn lại khoảng 5% sử dụng thiết bị 2G là người già, trẻ em và các thiết bị kỹ thuật khác. Vừa qua, Viễn thông Lạng Sơn đã thử nghiệm tắt sóng 20 trạm BTS 2G tại khu vực thành phố và các thị trấn. Qua đợt thử nghiệm này cho thấy người dân đã chủ động chuyển sang các thiết bị 3G, 4G, do đó việc tắt sóng 2G trong thời gian tới sẽ không ảnh hưởng nhiều đến thông tin liên lạc của người dân.
Kỹ thuật viên Viễn thông Lạng Sơn kiểm tra kỹ thuật các thiết bị phát sóng
Để người dân chủ động chuyển đổi thiết bị và không gây ảnh hưởng đến thông tin liên lạc khi tắt sóng 2G các doanh nghiệp viễn thông đã chủ động tuyên truyền, hướng dẫn, giải đáp thắc mắc cho người dân. Trong đó công tác tuyên truyền được triển khai rộng rãi trên các phương tiện thông tin truyền thông của doanh nghiệp. Đối với những thuê bao 2G trong khu vực tắt sóng doanh nghiệp sẽ gửi tin nhắn thông báo, nhân viên tổng đài trực tiếp liên hệ với từng chủ thuê bao để tư vấn hướng dẫn người dân chuyển đổi thiết bị trước thời điểm tắt sóng ít nhất 2 tuần.
Bà Nguyễn Thị Minh, đường Bắc Sơn, phường Hoàng Văn Thụ, thành phố Lạng Sơn cho biết: Trước đây tôi dùng điện thoại chỉ có chức năng nghe gọi thông thường, sau thấy điện thoại thông minh nhiều chức năng, thuận tiện hơn cho công việc cũng như giải trí nên tôi đã bỏ hẳn điện thoại chỉ bắt được sóng 2G. Người thân, đối tác của tôi đều dùng điện thoại thông minh nên nếu tắt sóng 2G thì tôi cũng không bị ảnh hưởng gì.
Theo kế hoạch, trong năm 2022, tỉnh Lạng Sơn sẽ tiến hành tắt sóng 2G toàn bộ khu vực thành phố và các thị trấn nhằm góp phần đẩy nhanh phổ cập điện thoại thông minh. Khi tắt sóng 2G những tần số vô tuyến này sẽ được giải phóng để tạo không gian cho các công nghệ viễn thông thế hệ cao hơn. Vì vậy, tốc độ mạng 3G, 4G, 5G sẽ nhanh hơn, phục vụ tốt cho các nhu cầu của người dân. Chính vì vậy, người dân cần quan tâm, chủ động nâng cấp thiết bị để không bị gián đoạn thông tin liên lạc.
Ý kiến ()