Nước tưới cạn kiệt
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hiện, lượng nước trữ tại các hồ chứa thủy lợi từ Đà Nẵng đến Phú Yên cung cấp cho sản xuất nông nghiệp và dân sinh chỉ đạt từ 60 đến 80% dung tích thiết kế (DTTK), đáng chú ý là hồ chứa thủy lợi tại các tỉnh Nam Trung Bộ như: Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận chỉ đạt từ 30 đến 50% DTTK. Nước trữ trong các hồ chứa thủy điện cũng thấp hơn cùng kỳ năm 2015, một số hồ chứa có dung tích thấp như Đại Ninh 71 triệu m3 (đạt 28% DTTK), Hàm Thuận 334 triệu m3 (đạt 64% DTTK), sông Ba Hạ 37,59 triệu m3 (đạt 22% DTTK), Ka Nak 114,29 triệu m3 (đạt 40% DTTK).
Đến cuối tháng 2-2016, lượng nước tích ở 20 hồ chứa trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận chỉ còn hơn 64 triệu m3, bằng 33,49% tổng DTTK. Thậm chí nhiều hồ đã cạn trơ đáy, như hồ Ông Kinh ở xã Nhơn Hải, huyện Ninh Hải có dung tích thiết kế 8.000 m3 luôn cạn trơ đáy. Rộng lớn như hồ sông Sắt tại huyện Bác Ái có dung tích thiết kế 69,3 triệu m3, nhưng hiện nay ước chỉ còn khoảng 18,5 triệu m3 nước. Không chỉ thiếu nước sản xuất, người dân trên địa bàn tỉnh Ninh thuận còn thiếu cả nước sinh hoạt. Chủ tịch UBND xã Nhơn Hải, Phạm Khắc Hòa, cho biết: Xã có thôn Khánh Tân với gần 9.000 người đang thiếu nước sạch để sinh hoạt do nhiều tháng qua, hầu hết giếng nước trong thôn đã cạn kiệt. Để giúp dân, Nhà nước cùng các cơ quan, đơn vị trong tỉnh đã hỗ trợ mỗi hộ 40 lít nước/ngày, để ăn uống, còn nước sinh hoạt, người dân phải mua với giá 100 nghìn đồng/m3.
Kết thúc vụ đông xuân 2015 – 2016, nước ở 28 hồ chứa trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa chỉ còn 70 triệu m3, trong khi nhu cầu nước phục vụ vụ hè thu 2016 phải cần có 200 triệu m3. Bên cạnh đó, dự báo sẽ có khoảng 7.000 hộ, với 35.000 nhân khẩu ở các địa phương trên địa bàn tỉnh sẽ thiếu nước sinh hoạt.
Tại khu vực Tây Nguyên hầu hết lượng nước trong các hồ chứa thủy lợi cũng thấp hơn thiết kế từ 50 đến 60% DTTK. Nhiều hồ chứa nhỏ sẽ không đủ cung cấp cho giai đoạn cuối vụ đông xuân. Còn các hồ chứa thủy điện cũng không khá hơn khi lượng nước trữ thấp hơn DTTK, trong đó hồ chứa thủy điện Buôn Tua Shra bổ sung nước cho một số vùng thuộc các tỉnh Đác Lắc, Đác Nông có mức trữ hiện tại là 356 triệu m3 (đạt 69% DTTK). Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Đác Lắc, Phan Thị Thu Hiền cho biết: Trên địa bàn tỉnh có 770 công trình thủy lợi lớn, vừa và nhỏ, gồm: 599 hồ chứa, 56 trạm bơm, 115 đập dâng. Đến thời điểm hiện nay, 46 hồ chứa đã cạn kiệt nguồn nước, các hồ còn lại nước cạn nhanh. Nhiều đập dâng trên suối nhỏ hiện không hoạt động được do suối khô cạn, đặc biệt từ cuối tháng 2 đến nay, sông Krông Năng không còn dòng chảy. Do mực nước sông xuống thấp, công suất phục vụ tưới của các trạm bơm cũng bị ảnh hưởng.
Thu hẹp diện tích sản xuất
Do lượng nước của các hồ chứa bị thiếu hụt, đã ảnh hưởng trực tiếp đến vụ đông xuân 2015-2016. Đến nay, ba tỉnh: Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận đã có gần 23 nghìn ha đất lúa phải dừng sản xuất (Khánh Hòa 1.800 ha, Ninh Thuận 5.770 ha, Bình Thuận 15.400 ha). Dự kiến, nếu hạn hán sẽ tiếp tục kéo dài đến vụ hè thu 2016, các địa phương này sẽ có khoảng 40 nghìn ha đất lúa phải dừng sản xuất, trong đó: tỉnh Khánh Hòa 10.000 ha, tỉnh Ninh Thuận 10.000 ha, và chịu ảnh hưởng lớn nhất là tỉnh Bình Thuận 20.000 ha.
Ông Trần Hai, ở thôn Hòn Dù, xã Khánh Nam, huyện Khánh Vĩnh, tỉnh Khánh Hòa ngậm ngùi cho biết: “Con suối nhỏ qua thôn thời điểm này những năm trước nước đầy ăm ắp, chảy cuồn cuộn. Năm nay, suối cạn trơ đáy, tôi trồng mới 1,5 ha mía nhưng đã hơn một tháng nay, trời không một hạt mưa, mía ngày một khô. Tôi phải bơm nước tưới, mỗi lần bơm, tiền dầu, tiền công tốn cả triệu đồng. Nhưng giờ nguồn nước để bơm cũng không còn nữa, đành nhìn mía chết!”.
Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, toàn huyện Khánh Vĩnh hiện có gần 500 ha lúa nước; 245 ha bắp, 152 ha hoa màu các loại đang cần nước. Nhưng hiện nay, nói như ông Cao Văn Tâm ở thôn A Xay, xã Khánh Bình: “Nước uống còn hiếm, lấy đâu ra mà bơm với tưới”. Nhiều người dân lo lắng, nắng hạn cây cối sẽ chết hết.
Tổng diện tích vụ đông xuân 2015-2016 phải dừng sản xuất ở Tây Nguyên là 2.865 ha, trong đó tại Gia Lai là 2.650 ha, tại Đác Nông là 215 ha. Dự kiến, trong thời gian tới, diện tích bị hạn hán, thiếu nước khoảng 180 nghìn ha (Đác Lắc 70 nghìn ha, Lâm Đồng 45 nghìn ha, Đác Nông 22 nghìn ha, Kon Tum 5.000 ha…); trong đó, riêng cây cà-phê bị hạn khoảng 100.000 ha.
Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đác Lắc, tính đến ngày 29-2, khô hạn đã làm cho 189 ha lúa nước, 755 ha cà-phê trên địa bàn các huyện Buôn Đôn, Cư M’gar, Ea H’leo, Ea Kar, Krông Bông, Krông Búc, Krông Năng thiếu nước tưới, cây bắt đầu khô héo và có khoảng 2.000 hộ dân bị thiếu nước sinh hoạt nghiêm trọng. Chiều 1-3, chúng tôi về huyện Cư M’gar và chứng kiến cảnh người dân địa phương đang nỗ lực tìm nguồn nước để cứu cây cà-phê. Tại xã Ea M’droh, chúng tôi gặp anh Y Siêng Niê đang chở ống nước đi tưới cà-phê. Anh Y Siêng cho biết: “Gần một tháng nay, nguồn nước tại các ao, hồ trên địa bàn đã cạn kiệt. Để cứu vườn cà-phê, gia đình tôi cũng như nhiều hộ dân trong xã thuê người khoan, đào thêm giếng nhưng vẫn không đủ nguồn nước tưới. Nếu tình trạng khô hạn kéo dài thì vườn cà-phê sẽ bị mất trắng”.
Trên cao nguyên Lâm Đồng hạn hán được dự báo sẽ ảnh hưởng tới sản xuất của nhiều địa phương, trong đó huyện Đạ Tẻh, có khoảng 1.400 ha đất sản xuất thiếu nước tưới; huyện Cát Tiên có khoảng 2.400 ha lúa, ngô và cây công nghiệp dài ngày, khoảng 35 nghìn ha cà-phê của huyện Lâm Hà, hơn 14 nghìn ha cà-phê, chè, cây ăn quả tại Đạ Huoai, và khoảng 37,5 nghìn ha cây công nghiệp, cây ăn quả tại Di Linh sẽ bị thiếu nước vào tháng 3 này.
Báo cáo của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Di Linh cho thấy, toàn huyện có hơn 41 nghìn ha cà-phê, nhưng 47 công trình thủy lợi tại đây, cùng với nguồn cấp nước tự nhiên và các công trình thủy lợi nhỏ do dân tự đào, cũng chỉ mới chủ động chống hạn cho gần 60% diện tích, phần còn lại khả năng bị thiếu nước rất cao. Tại nhiều xã của huyện Di Linh, những ngày qua, nhiều hộ dân đang gặp phải tình trạng cà-phê rũ lá vì thiếu nước trầm trọng. Hiện, hơn sáu sào cà-phê của gia đình ông K’Tân, xã Đinh Trang Hòa đang trong tình trạng khô hạn. Những ngày qua, gia đình ông phải tưới cật lực mới tạm thời cứu được tình trạng vườn cà-phê đang “khát” nước. “Nếu không tưới kịp thời, cà-phê sẽ không ra bông và mùa vụ này lỗ chắc” – ông K’Tân chia sẻ. Cùng chung cảnh ngộ, hơn hai sào cà-phê của gia đình bà Ka Phim, xã Gia Bắc, huyện Di Linh, bị hạn đã bắt đầu héo lá.
Vượt qua nắng hạn
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận Trần Quốc Nam cho biết, để phòng, chống hạn, toàn tỉnh đang tích cực thực hiện quản lý, điều tiết nguồn nước hợp lý, theo dõi diễn biến nguồn nước để chỉ đạo vận hành các hồ chứa nước, các công trình thủy lợi, tranh thủ điều kiện thuận lợi để lấy nước và trữ nước phục vụ nhu cầu sản xuất. Cùng với vận động người dân đẩy mạnh hơn nữa việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng chủ động thích nghi với hạn hán bằng các giải pháp tích nước, tưới nước tiết kiệm, phù hợp với tình hình sản xuất của từng vùng; tổ chức nạo vét, phát dọn kênh, mương để khơi thông dòng chảy.
Với tinh thần “sống chung với hạn”, trong vụ hè – thu năm nay, tỉnh Ninh Thuận chủ động giảm 10 nghìn ha cây trồng, chỉ gieo cấy 11.500 ha lúa, 12 nghìn ha cây màu và cây công nghiệp ngắn ngày; chuyển đổi 760 ha đất trồng lúa sang trồng đậu, ngô, cỏ… Xã Phước Hà, huyện Thuận Nam là một trong những địa phương mạnh dạn chuyển đổi từ trồng lúa sang trồng đậu xanh. Đến nay, toàn huyện đã chuyển đổi được 300 ha diện tích trồng lúa sang trồng các loại cây như bắp, đậu xanh, cỏ,… trong đó có 180 ha đậu xanh phát triển tốt. Chủ tịch UBND xã Phước Hà, Tạ Yên Úc, cho biết: “Sau mùa vụ này, nông dân sẽ rút ra bài học kinh nghiệm quý về ứng phó với biến đổi khí hậu và tình trạng bỏ đất hoang trong mùa khô hạn sẽ giảm nhiều hơn”. Còn chị Ka-tơ Thị Yên, ở thôn Giá đang chăm sóc các luống đậu xanh thì phấn khởi nói với chúng tôi: Vụ đông – xuân này, nghe cán bộ xã hướng dẫn, nhà tôi chuyển hai sào lúa sang trồng đậu xanh. Cây đậu phát triển tốt lắm.
Tỉnh Khánh Hòa đã huy động hơn 51 tỷ đồng từ các nguồn để chống hạn. Riêng vụ đông – xuân 2015 – 2016, tỉnh cấp 8,8 tỷ đồng, và hỗ trợ 300 tấn lúa giống, 10 tấn bắp giống, 1,68 tấn hạt giống rau cho người dân các địa phương. UBND tỉnh cũng vừa quyết định hỗ trợ 100% giống sản xuất vụ sau với mức 160 kg lúa giống/ha và 20 kg ngô giống/ha đối với diện tích nằm trong vùng tưới của công trình thủy lợi nhưng không còn nước để sản xuất phải bỏ vụ; hỗ trợ 20 kg ngô giống/ha, 240 kg lạc vỏ giống/ha, 30 kg các loại đậu giống/ha đối với diện tích lúa nước chuyển sang trồng cây ngắn ngày, sử dụng ít nước. Tỉnh còn hỗ trợ kinh phí đào ao, trữ nước với mức không quá 10 triệu đồng/ao, hoặc không quá 50 nghìn đồng/m3 đất cho chính quyền các địa phương, công ty và tổ chức làm dịch vụ cung cấp nước đáp ứng cho cộng đồng; hỗ trợ chi phí điện, xăng dầu bơm nước chống hạn; hỗ trợ 100% chi phí nạo vét kênh mương, đắp đập tạm… Ngoài ra, tỉnh còn hỗ trợ 15 kg gạo/người trong vòng ba tháng đối với các hộ gia đình thiếu đói do phải ngừng sản xuất.
Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa Lê Đức Vinh cho biết, sau vụ đông xuân 2015 – 2016, tỉnh sẽ tiến hành kiểm tra, đánh giá nguồn nước trữ tại các hồ chứa và các hệ thống thủy lợi để tính toán cân đối; thực hiện cấp nước theo thứ tự ưu tiên mục đích sử dụng: Sinh hoạt chăn nuôi gia súc – sản xuất công nghiệp, dịch vụ – tưới cây công nghiệp lâu năm. Đồng thời, triển khai một số biện pháp trọng tâm chống hạn, như tiếp tục khoanh vùng sản xuất; chuyển đổi cây trồng, mùa vụ hợp lý; tăng cường quản lý, phân phối, sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả; tuyên truyền người dân sử dụng nước sinh hoạt, sản xuất tiết kiệm; xử lý nghiêm những trường hợp tự ý ngăn chặn, đào, xẻ kênh lấy nước không theo kế hoạch tưới.
Dự báo hiện tượng En Ni-nô sẽ kéo dài, tỉnh Lâm Đồng đã chỉ đạo các địa phương chủ động bố trí nguồn vốn để duy tu, sửa chữa các công trình thủy lợi nhỏ để tăng cường nguồn nước tưới; thực hiện nghiêm kế hoạch chống hạn đã xây dựng; tuyên truyền người dân sử dụng nguồn nước tiết kiệm, hiệu quả; huy động và hỗ trợ người dân sử dụng máy bơm hộ gia đình bơm nước từ ao, hồ tự nhiên để chống hạn, khoan giếng để cấp nước sinh hoạt cho nhân dân trong khu vực bị khô hạn… Trong đó, tập trung đẩy nhanh tiến độ, thi công dứt điểm các công trình thủy lợi, công trình nước sinh hoạt để đưa vào khai thác sử dụng, tăng nguồn cung cấp nước cho sản xuất và sinh hoạt; có kế hoạch vận hành cụ thể đối với từng công trình thủy lợi để nâng cao hiệu suất sử dụng nước; bố trí cơ cấu cây trồng phù hợp với khả năng đáp ứng của các nguồn nước hiện có; đối với những diện tích trồng lúa nước có nguy cơ hạn hán, chủ động chuyển đổi sang các cây trồng cạn, ưu tiên cung cấp nước cho sinh hoạt, sản xuất. Đặc biệt, khẩn trương triển khai Đề án hỗ trợ phát triển hệ thống ao, hồ nhỏ, phục vụ chương trình xây dựng nông thôn mới tỉnh Lâm Đồng đến năm 2020, đã được UBND tỉnh Lâm Đồng phê duyệt.
Ý kiến ()