Chủ động chống dịch từ sớm, từ xa
Các chiến sĩ biên phòng tuần tra, kiểm tra khu vực biên giới huyện An Phú (An Giang). ẢNh: Báo Nhân dân |
Chúng ta không chỉ “bao đê cho chặt” mà với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, phải “bảo vệ đất nước từ sớm, từ xa” bằng các biện phòng dịch chủ động, quyết liệt, siết lại, “lên dây cót” trước thực tế đã có tình trạng lơ là, chủ quan, thực hiện không đúng, không đầy đủ các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định, xuất hiện hiện tượng ngại tiêm vaccine phòng bệnh.
Nhìn “bức tranh” tổng thể về COVID-19 trên toàn cầu, nhất là các nước trong khu vực, nguy cơ đợt dịch thứ 4 xâm nhập vào Việt Nam đang hiện hữu.
Trong 24 giờ qua, Ấn Độ đã phát hiện thêm 340.000 trường hợp nhiễm mới. Tại Campuchia, phát hiện hơn 600 trường hợp nhiễm COVID-19. Ở Lào đã phát hiện số ca nhiễm cao nhất so với số ca phát hiện trong 1 ngày tại Việt Nam.
Tại 10 tỉnh có biên giới giáp với Campuchia, nóng bỏng nhất là việc ngăn chặn người nhập cảnh trái phép. Điển hình như tỉnh Kiên Giang đã tăng cường từ 30 tổ, chốt kiểm soát lên hơn 120 chốt, tổ và hơn 1.000 lượt chiến sĩ thường xuyên trực kiểm soát chặt chẽ tại các cửa khẩu, đường mòn, lối mở dọc tuyến biên giới. Trên biển đã bố trí 26 chốt cố định và 18 tổ cơ động. Ngoài ra còn có 9 tàu và 2 xuồng tuần tra của lực lượng Biên phòng, Hải đoàn 28, Kiểm ngư, Vùng 5 Hải quân và Vùng Cảnh sát biển 4.
Cùng với nguy cơ lây nhiễm từ ngoài vào Việt Nam là nỗi lo một bộ phận người dân chúng ta đã là mất cảnh giác đối với việc lây nhiễm COVID-19. Đơn cử nhiều người đã không đeo khẩu trang, không có thói quen thực hiện khuyến cáo 5K của Bộ Y tế, trong khi mùa du lịch hè đã tới, nhiều sự kiện, lễ hội tập trung đông người được tổ chức, các địa phương trong cả nước chuẩn bị bầu cử Quốc hội, HĐND các cấp…
Hình ảnh “biển người” đi lễ hội chùa Tam Chúc, dòng người đổ về Đền Hùng (Phú Thọ) dịp Giỗ Tổ Hùng Vương vừa qua hay trong lễ hội khai mạc Năm Du lịch quốc gia 2021 tại Hoa Lư (Ninh Bình)… một mặt cho thấy thành công của chúng ta trong kiểm soát dịch bệnh nhưng cũng “báo động đỏ” về tâm lý chủ quan của người dân và cả lực lượng chức năng trước dịch bệnh. Trong các lễ hội này, có nhiều người vẫn hồn nhiên, vô tư tham gia mà không có khẩu trang, cũng không giữ khoảng cách…
Trong ngày 23/4, Thủ tướng Chính phủ đã có liên tiếp hai công điện về về tăng cường thực hiện phòng, chống dịch bệnh COVID-19 và tăng cường quản lý các chuyến bay đưa người nhập cảnh Việt Nam. Các biện pháp được nêu trong công điện một lần nữa cho thấy tính cấp thiết phải chủ động, quyết liệt trong thực hiện các biện pháp phòng chống dịch, đặc biệt là trước nguy cơ dịch xâm nhập vào Việt Nam.
Tại cuộc họp với lãnh đạo UBND TPHCM, trực tuyến với 10 tỉnh giáp biên giới Campuchia, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh phải kiểm soát chặt chẽ và xử lý nghiêm khắc các trường hợp nhập cảnh trái phép.
Vừa qua, rất nhiều trường hợp nhập cảnh trái phép bị nhiễm COVID-19, nếu đi sâu vào trong nội địa, sau đó đến các sự kiện, nơi tập trung đông người và để lây lan dịch bệnh trong cộng đồng thì hậu quả khôn lường, gây thiệt hại đến cả nước. Chỉ cần có một ca nhiễm trong cộng đồng thì tất cả mọi hoạt động, trực tiếp và dễ thấy nhất là đi lại, du lịch, hàng hóa ách tắc ngay, thiệt hại hàng nghìn tỷ đồng.
Hơn lúc nào hết, chúng ta rất cần những người dân có ý thức cảnh giác, phát hiện và báo cho lực lượng chức năng về những người có biểu hiện nghi ngờ hoặc nhập cảnh trái phép từ nước ngoài vào Việt Nam như câu chuyện một lái xe taxi phát hiện, báo cho cơ quan chức năng khi nghi ngờ 3 trường hợp nhập cảnh trái phép từ Campuchia về Việt Nam.
Đối với các trường hợp nhập cảnh hợp pháp,tuyện đối không được để xảy ra tình trạng nơi lỏng quản lý ở khu cách ly tập trung, lỏng lẻo trong theo dõi giám sát y tế tại cộng đồng gây lây nhiễm cộng đồng.
Ở trong nước, mỗi cá nhân phải thực hiện nghiêm yêu cầu 5K của Bộ Y tế, nhất là đeo khẩu trang bắt buộc tại nơi công cộng, tại các sự kiện có tập trung đông người, trên các phương tiện giao thông công cộng.
Đối với các địa phương là yêu cầu tiếp tục hạn chế các sự kiện, hoạt động tập trung đông người không cần thiết; trường hợp tổ chức, phải thực hiện nghiêm các biện pháp bảo đảm an toàn, đặc biệt, phải tuân thủ đeo khẩu trang, sát khuẩn… theo đúng quy định, xử phạt nghiêm người vi phạm.
Thủ tướng Chính phủ cũng chỉ đạo các địa phương phải đôn đốc, kiểm tra, giám sát quyết liệt các cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp… thường xuyên tự đánh giá việc thực hiện các yêu cầu, biện pháp phòng, chống dịch, cập nhật kết quả tự đánh giá trên hệ thống bản đồ chống dịch (antoancovid.vn).
Chốt chống dịch tại cửa khẩu quốc tế Hà Tiên, Kiên Giang. |
Công điện của Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh trách nhiệm người đứng đầu địa phương, thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch đã đề ra với phương châm “phòng ngừa tích cực, phát hiện sớm, cách ly nhanh, điều trị hiệu quả, xử lý dứt điểm, nhanh chóng ổn định tình hình”.
Trạng thái “bình thường mới” ở Việt Nam với các hoạt động kinh tế, xã hội diễn ra sôi động, những sự kiện văn hóa đông người, những trận bóng đá có khán giả đang là mơ ước của người dân nhiều nước trên thế giới. Nhưng nếu mỗi người không có ý thức phòng chống dịch bệnh, bảo vệ cho bản thân, gia đình,cộng đồng và toàn xã hội, thì nguy cơ xuất hiện, lây lan, bùng phát dịch bệnh trong cộng đồng sẽ trở thành hiện thực. Mọi hoạt động sẽ lại đình trệ, làm tiêu tan những nỗ lực nhọc nhằn của DN, ảnh hưởng tiêu cực đến cuộc sống của từng gia đình, người dân, nhất là những người lao động, người nghèo, có hoàn cảnh khó khăn… Ngay lúc này, mỗi cá nhân không đợi dịch đến mà phải chủ động phòng chống dịch từ sớm, từ xa.
Sự đoàn kết, chung tay, đồng lòng, vào cuộc của cả hệ thống chính trị, tổ chức, đoàn thể, DN và người dân, nhất định sẽ bảo vệ đất nước an toàn trước dịch bệnh, góp phần giúp nền kinh tế Việt Nam nhanh chóng phục hồi, tận dụng được thời cơ để bứt lên, quan trọng hơn là bảo đảm được sức khỏe, tính mạng cho người dân, cùng thế giới đẩy lùi đại dịch.
Ý kiến ()