Chủ động chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh hại cây trồng vụ xuân
– Thời điểm này, các loại cây trồng vụ xuân đang trong giai đoạn sinh trưởng và phát triển. Tuy nhiên, thời tiết diễn biến phức tạp, một số cây trồng đã xuất hiện sâu bệnh hại. Trước thực tế đó, cơ quan chuyên môn và người dân đã chủ động triển khai các biện pháp chăm sóc, phòng trừ.
Trên khắp các cánh đồng của huyện Hữu Lũng thời điểm này bà con nông dân đều đã gieo trồng xong và đang tập trung chăm sóc lúa, ngô và rau màu vụ xuân.
Chị Lương Thị Quyên, thôn Đập, xã Vân Nham cho biết: Vụ xuân năm nay, gia đình tôi cấy 9 sào lúa và trồng hơn 2 sào ngô. Sau khi gieo trồng xong, tôi thường xuyên kiểm tra, theo dõi ruộng vườn để kịp thời phát hiện sâu bệnh; bón phân định kỳ để cây sinh trưởng phát triển tốt. Hiện nay, một số diện tích lúa của gia đình xuất hiện ốc bươu vàng phá hoại, cùng đó, trên cây ngô xuất hiện sâu keo mùa thu với mật độ trung bình. Gia đình tôi đã kịp thời phun thuốc diệt trừ sâu hại và đang tiếp tục chủ động theo dõi.
Người dân xã Mai Sao, huyện Chi Lăng chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh hại trên cây ớt
Không chỉ gia đình chị Quyên, nhiều diện tích gieo trồng của nông dân trên địa bàn huyện Hữu Lũng cũng xuất hiện sâu bệnh gây hại. Theo đánh giá của cơ quan chuyên môn huyện, hiện nay, địa bàn xuất hiện ốc bươu vàng gây hại lúa xuân và sâu xám, sâu keo mùa thu gây hại ở cây ngô với diện tích nhiễm nhẹ. Các loại sâu bệnh trên phổ biến ở các xã: Vân Nham, Nhật Tiến, Minh Tiến… tuy nhiên, mật độ sâu bệnh thấp. Ngay sau khi phát hiện, cơ quan chuyên môn huyện đã tiến hành kiểm tra, thông báo và hướng dẫn người dân cách phòng trừ. Nhờ đó, các loại sâu bệnh trên địa bàn đã cơ bản được phòng trừ.
Không chỉ huyện Hữu Lũng, tại một số huyện trên địa bàn tỉnh cũng xuất hiện sâu bệnh gây hại trên cây trồng vụ xuân. Tại huyện Cao Lộc xuất hiện một số sâu bệnh trên cây trồng vụ xuân như: rầy, ruồi đục nõn trên cây lúa với mật độ trung bình 1 – 2% dảnh; sâu keo mùa thu, sâu xám, dế mèn, sâu gai trên cây ngô tỉ lệ 1 – 2% cây; bọ trĩ, bệnh xoăn lá, thán thư trên cây ớt, tỉ lệ 0,5 – 1% cây…
Ông Vũ Hồng Quân, Phó Giám đốc Trung tâm dịch vụ Nông nghiệp (TTDVNN) huyện Cao Lộc cho biết: Để đảm bảo cây trồng vụ xuân sinh trưởng, phát triển tốt, TTDVNN huyện đã tăng cường điều tra, bám sát địa bàn và dự báo sinh vật gây hại trên cây trồng. Đồng thời, tổ chức các lớp tập huấn hướng dẫn người dân kỹ thuật phòng trừ sâu bệnh hại cây trồng. Từ đầu năm 2022 đến nay, đơn vị đã phối hợp với UBND các xã tổ chức được 3 lớp tập huấn với khoảng 100 lượt người tham gia. Cùng đó, trung bình mỗi tháng, các cán bộ khuyến nông của trung tâm tư vấn, hướng dẫn người dân cách phòng trừ sâu bệnh hại cây trồng được trên 30 lượt người. Nhờ đó, các loại cây trồng cơ bản sinh trưởng và phát triển tốt.
Được biết, diện tích gieo trồng vụ xuân 2022 theo kế hoạch là 49.606 ha. Đến nay, toàn tỉnh đã gieo trồng được 39.988 ha, đạt 80,6% kế hoạch, tăng 1,02% so với cùng kỳ. Trong đó, diện tích lúa gieo cấy được 15.008 ha, ngô được 13.744 ha, ớt được 1.190 ha…
Hiện nay, theo kết quả điều tra dịch hại cây trồng của cơ quan chuyên môn cho thấy đã xuất hiện các loại sâu bệnh gây hại chủ yếu là ốc bươu vàng gây hại trên lúa xuân, mức độ nhiễm nhẹ – trung bình với diện tích 136,5 ha tại các huyện: Hữu Lũng, Bắc Sơn, Bình Gia. Ngoài ra, trên cây ngô bắt đầu xuất hiện sâu keo mùa thu tại các huyện: Văn Quan, Đình Lập… Diện tích nhiễm các loại sâu bệnh chủ yếu ở mức trung bình. Các loài sinh vật gây hại khác có mật độ, tỷ lệ gây hại thấp, mức độ gây hại nhẹ.
Trước thực tế đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn tăng cường điều tra sâu bệnh, thường xuyên dự tính, dự báo, phát hiện dịch bệnh hại trên cây trồng từ đó có các biện pháp phòng trừ kịp thời, hiệu quả.
Ông Lý Việt Hưng, Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết: Ngay khi phát hiện sâu bệnh hại cây trồng, sở đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn hướng dẫn người dân chủ động phòng trừ. Đến nay, dịch bệnh gây hại cây trồng vụ xuân cơ bản đã được xử lý, cùng đó, người dân tích cực chăm sóc, bón phân định kỳ nên cây trồng sinh trưởng và phát triển tốt.
Thời gian tới, dự báo trên lúa sẽ xuất hiện rầy các loại, sâu cuốn lá; bệnh thối gốc, rệp trên cây ngô, thạch đen… Vì vậy, người dân cần chủ động thăm đồng thường xuyên để phát hiện sớm sâu bệnh hại và có biện pháp ngăn chặn kịp thời; sử dụng thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc sinh học thay thế thuốc hóa học có độ độc cao…
Đồng thời, các cơ quan chuyên môn tiếp tục tăng cường điều tra, phát hiện, cập nhật diễn biến sâu bệnh gây hại hằng tuần và khuyến cáo các biện pháp phòng trừ dịch hại tổng hợp; tăng cường tập huấn, tuyên truyền, hướng dẫn người dân cách nhận biết sâu bệnh hại trên cây trồng, từ đó có biện pháp phòng trừ hiệu quả, đảm bảo thắng lợi mùa vụ.
Ý kiến ()