Chủ động chăm lo Tết cho người nghèo
Chỉ còn hơn một tháng nữa là đến Tết cổ truyền Mậu Tuất năm 2018. Năm vừa qua, đất nước đã dành được nhiều thành tựu quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội. Ðời sống vật chất và tinh thần của người dân tiếp tục được nâng cao. Tuy nhiên, đây cũng là năm tình hình mưa bão, thiên tai diễn biến phức tạp, dồn dập đã gây khó khăn và ảnh hưởng tiêu cực đối với đời sống của người dân nhiều tỉnh, thành phố, nhất là đồng bào các tỉnh miền núi phía bắc và miền trung. Nhà cửa, ruộng vườn, tài sản của hàng chục triệu người bị thiệt hại nặng nề.
Ngay khi bão lũ chưa chấm dứt, với sự đồng lòng, tinh thần đùm bọc lẫn nhau, nhiều hoạt động hỗ trợ rất thiết thực đối với người dân vùng thiên tai đã được tổ chức trên khắp cả nước. Sự giúp đỡ quý báu đó đã và đang kịp thời đến với những người dân gặp khó khăn.
Tuy nhiên, việc khôi phục sản xuất, ổn định cuộc sống của người dân, nhất là những hộ nghèo không thể dễ dàng giải quyết trong ngày một, ngày hai mà rất cần sự đồng hành, hỗ trợ kịp thời, cụ thể và đúng hướng. Ðể làm được điều đó, người dân rất cần sự quan tâm của toàn xã hội, trong đó vai trò của MTTQ Việt Nam các cấp là hết sức quan trọng.
Thực tế trong năm 2017, công tác chăm lo người nghèo, gia đình chính sách, người có công được thực hiện tốt. Vị thế, vai trò của MTTQ ngày càng được nâng cao, củng cố được lòng tin của nhân dân đối với Ðảng và Nhà nước, qua đó đã góp phần quan trọng vào việc thực hiện nhiệm vụ kinh tế, chính trị tại địa phương. Ủy ban MTTQ nhiều tỉnh, thành phố đẩy mạnh các hoạt động vận động Quỹ Vì người nghèo và các hoạt động an sinh xã hội như: tập trung chăm lo cho người nghèo, vùng nghèo, hỗ trợ xây dựng nhà ở cho người nghèo, xây dựng cầu, đường giao thông nông thôn; tặng quà, gạo cho người nghèo, học bổng cho học sinh nghèo,…
Trong những ngày này, nhiều tỉnh, thành phố đã họp bàn triển khai các hoạt động chăm lo Tết cho người nghèo, trọng tâm là quyết định dành những khoản kinh phí lớn, năm nay cao hơn năm trước để giúp người nghèo, người dân vừa bị thiệt hại nặng nề do thiên tai có thể đón Tết đầy đủ. Chẳng hạn, Tỉnh ủy Thái Nguyên vừa quyết định tổ chức Tuần cao điểm Tết vì người nghèo; Tỉnh ủy Nghệ An quyết định không bắn pháo hoa chào năm mới để dành kinh phí chăm lo Tết cho người dân có hoàn cảnh khó khăn; T.Ư Hội Chữ thập đỏ Việt Nam phát động Chương trình Tết vì người nghèo và nạn nhân chất độc da cam, với mục tiêu có hai triệu suất quà Tết, gấp hai lần năm trước.…
Để người nghèo thật sự có Tết, các tỉnh, thành phố, MTTQ các cấp cần sớm tổ chức vận động đóng góp, ủng hộ Quỹ Vì người nghèo và các hoạt động chăm lo Tết, đồng thời tránh chồng chéo, trùng lặp về thời gian, nội dung để không làm giảm mục đích, ý nghĩa của các quỹ, gây lãng phí thời gian của các tổ chức, cơ quan, đơn vị. Cần rà soát danh sách hộ nghèo thật chính xác để bảo đảm sự công bằng, khách quan và thiết thực. Việc hỗ trợ cần công khai, rõ ràng và bảo đảm các suất quà Tết cần đến tậy tay người cần hưởng. Phải xử lý nghiêm minh trước pháp luật hành vi vô trách nhiệm, bớt xén, tham ô, lãng phí nguồn lực giúp đỡ người nghèo đã và đang xuất hiện trong thời gian qua ở một số nơi, gây mất lòng tin của nhân dân. Quan trọng hơn, phương thức hỗ trợ người nghèo cần tiếp tục được đổi mới theo hướng hỗ trợ, giúp đỡ người dân phát triển các hình thức sản xuất, lao động phù hợp để mọi người có thể tự chủ được cuộc sống của mình. Các nguồn lực vì người nghèo của T.Ư và các địa phương cần tập trung giải quyết thỏa đáng gốc rễ dẫn đến cái nghèo, đồng thời triển khai những cách làm, phương thức hỗ trợ người nghèo hiệu quả, có chiều sâu, tránh kỳ cuộc, lắt nhắt.
Chung tay vì người nghèo, không để ai bị bỏ lại phía sau không thể chỉ bằng những suất quà, mà người nghèo rất cần sự đồng hành, chia sẻ trong quá trình lao động, sản xuất.
Theo Nhandan
Ý kiến ()