Chủ động các giải pháp ứng phó với tình hình biến đổi khí hậu
Biến đổi khí hậu đang diễn biến ngày càng phức tạp và gây ra những hậu quả khó lường. Chính vì vậy, công tác chuẩn bị ứng phó với các loại hình thiên tai rất cần được chú trọng và tăng cường hơn bao giờ hết.
Ông Trần Quang Hoài – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi, Ủy viên Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai cho biết, thời gian qua, công tác phòng chống thiên tai không ngừng được quan tâm đầu tư, góp phần quan trọng trong việc hạn chế sự phá hoại của thiên tai đối với môi trường sống. Tính đến nay, trong công tác phòng chống thiên tai, nước ta đã hình thành được hệ thống tổ chức quản lý nhà nước, chỉ đạo điều hành từ Trung ương, các bộ, ngành đến các cấp chính quyền địa phương. Trong đó, đã thành lập cơ quan chuyên trách thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; từng bước phát triển đội ngũ cán bộ làm công tác phòng, chống thiên tai trên phạm vi toàn quốc.
Về cơ sở hạ tầng, cả nước đã xây dựng được 5.212 km đê sông, 2.681 km đê biển, 743 km kè, 1.686 cống cùng hàng nghìn km bờ bao chống lũ, ngăn mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long và các địa phương; đã xây dựng được 6.080 hồ chứa thủy lợi với tổng dung tích khoảng 12,5 tỷ m3 và 56 hồ thủy điện bậc thang với tổng dung tích phòng lũ là 9,35 tỷ m3.
Bên cạnh đó, đã bố trí được hệ thống cụm tuyến dân cư vượt lũ đồng bằng sông Cửu Long, đảm bảo ổn định nơi ở cho gần 200.000 hộ dân vùng ngập lũ; bố trí cho hàng vạn hộ dân di chuyển ra khỏi vùng có nguy cơ cao về thiên tai (sạt lở đất, lũ ống, lũ quét, ngập lũ, sụt lún đất,…); hỗ trợ xây nhà tránh lũ cho người dân ở khu vực miền Trung, đảm bảo nơi ở an toàn cho gần 5.000 hộ nghèo tại 7 tỉnh và tiếp tục mở rộng hỗ trợ gần 26.000 hộ nghèo thuộc 13 tỉnh, thành phố từ Thanh Hóa đến Ninh Thuận.
Trong phòng chống thiên tai ở ven biển, nước ta đã xây dựng được 42 khu neo đậu, trong đó có 8 khu cấp vùng với công suất gần 32.000 tàu neo đậu và hiện đang tiếp tục đầu tư 28 khu neo đậu. Cùng với đó, đã xây dựng được hệ thống thông tin liên lạc tàu thuyền hoạt động trên biển và hệ thống 32 đài thông tin duyên hải trải dọc từ Móng Cái tới Cà Mau. Ngoài ra, các cơ sở hạ tầng khác như: Đường cứu hộ, cứu nạn, nhà trú tránh cộng đồng, trường học an toàn trước thiên tai… đã từng bước phát huy hiệu quả, góp phần giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai gây ra.
Đặc biệt, chúng ta đã xây dựng được cơ sở dữ liệu thiên tai quốc gia trên bản đồ trực tuyến; theo dõi, giám sát thiên tai bằng hình ảnh, giám sát tàu thuyền hoạt động trên biển qua vệ tinh; ứng dụng công nghệ viễn thám, vệ tinh trong giám sát và ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai.
Tuy vậy, hiện nay, công tác phòng chống thiên tai ở nước ta vẫn còn tồn tại khá nhiều khó khăn như: Tổ chức bộ máy, nguồn nhân lực, trang thiết bị phục vụ công tác phòng, chống thiên tai từ Trung ương đến địa phương vẫn còn nhiều hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu ứng phó với nhiều loại hình thiên tai. Cán bộ làm công tác phòng, chống thiên tai chủ yếu là kiêm nhiệm, đặc biệt ở nhiều huyện không có cán bộ thủy lợi, cán bộ phòng chống thiên tai. Cơ chế, chính sách trong công tác phòng, chống thiên tai còn chưa đồng bộ, chưa tạo được động lực trong việc khuyến khích, thu hút nguồn lực của Nhà nước, cộng đồng, doanh nghiệp và đầu tư cho giai đoạn phòng ngừa, khắc phục hậu quả, tái thiết sau thiên tai. Trong công tác ứng dụng khoa học – công nghệ phòng chống thiên tai, chúng ta vẫn còn khoảng cách so với một số quốc gia tiên tiến trong khu vực và trên thế giới.
Những khó khăn trên cùng với diễn biến và tác động lớn từ thiên tai và biến đổi khí hậu đặt ra cho chúng ta không ít thách thức. Đặc biệt là yêu cầu đảm bảo an toàn cho người dân, xã hội trước thiên tai trong bối cảnh quy mô dân số và nền kinh tế tăng nhanh.
Cùng với đó là thách thức từ tác động của biến đổi khí hậu, nước biển dâng làm cường độ thiên tai trung bình có xu hướng gia tăng, tần suất thiên tai lớn xuất hiện dày hơn và nhiều đợt thiên tai cực đoan xảy ra so với quy luật trước đây. Điều này có thể nhìn thấy rõ như: Tình trạng suy kiệt nguồn nước tại một số hệ thống sông lớn; mưa lớn đột biến ở Quảng Ninh, hạn hán tại Tây Nguyên, duyên hải Nam Trung bộ; xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long; bão mạnh, siêu bão ở Biển Đông… Ngoài ra, theo kịch bản nước biển dâng lên 1 m, chưa kể lún sụt đất, sẽ có 39% diện tích Đồng bằng sông Cửu Long, trên 10% diện tích vùng Đồng bằng sông Hồng, 2,5% diện tích thuộc các tỉnh miền Trung và 20% diện tích TP. Hồ Chí Minh có nguy cơ bị ngập.
Thách thức từ tác động của quá trình phát triển kinh tế – xã hội như: Việc thu hẹp diện tích rừng phòng hộ, rừng ngập mặn,…dẫn đến suy giảm khả năng trữ nước, hạ thấp đáy sông làm gia tăng lũ lụt, hạn hán, xâm nhập mặn, xói lở bờ sông, bờ biển, trong khi đó, công tác phòng, chống thiên tai còn nhiều khó khăn dẫn đến nhiều nguy cơ, thậm chí xuất hiện những loại hình thiên tai mới.
Những thách thức trên đòi hỏi công tác phòng chống thiên tai cần được quan tâm và tăng cường hơn nữa. Đặc biệt, cần thực thi biện pháp quản lý tổng hợp, nâng mức đảm bảo an toàn của các công trình cơ sở hạ tầng thiết yếu; tăng cường các cơ chế hợp tác liên quốc gia cũng như nghiên cứu các giải pháp căn cơ, triệt để để ngăn mặn, trữ nước ở hạ lưu.
Theo Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi Trần Quang Hoài, để nâng cao chất lượng công tác phòng chống thiên tai, cần tập trung triển khai các giải pháp đồng bộ và quyết liệt. Trong đó, cần củng cố, tổ chức bộ máy quản lý nhà nước đảm bảo đủ tầm, quy mô nhằm đủ điều kiện hướng dẫn, giám sát và kiểm tra công tác phòng, chống thiên tai theo các quy định của pháp luật. Chú trọng củng cố bộ máy từ Trung ương đến địa phương theo hướng chuyên nghiệp hóa; củng cố tổ chức quản lý liên vùng, đặc biệt ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Bên cạnh đó, xây dựng, hoàn thiện và triển khai thực thi hệ thống pháp luật, chính sách hiệu quả; phát huy tối đa nguồn lực của Nhà nước và toàn xã hội, đồng thời gắn liền với việc đảm bảo chấp hành nghiêm pháp luật về phòng, chống thiên tai.
Một trong những giải pháp nữa cần quan tâm là hoàn thiện về hệ thống cơ chế, chính sách, các đề án, kế hoạch như: Chiến lược quốc gia phòng, chống thiên tai đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035; rà soát 10 năm thực hiện Luật Đê điều, đồng thời nghiên cứu, kiến nghị điều chỉnh những điểm chưa phù hợp với thực tiễn. Tập trung thực hiện xây dựng, triển khai Kế hoạch phòng chống thiên tai quốc gia, Đề án nâng cao năng lực phòng, chống thiên tai quốc gia, bản đồ cảnh báo và phương án ứng phó ngập lụt do nước biển dâng trong tình huống bão mạnh, siêu bão.
Cùng với đó, tăng cường công tác phòng, chống thiên tai ở khu đô thị lớn; phối hợp với TP. Hà Nội quản lý lòng sông, bãi sông nhằm đảm bảo thoát lũ, đảm bảo cảnh quan đô thị; phát triển hệ thống đê điều kết hợp giao thông, chỉnh trang đô thị. Mặt khác, cần ứng dụng khoa học – công nghệ trong phòng, chống thiên tai, tăng cường nghiên cứu, xây dựng công trình phòng, chống sạt lở bờ sông, bờ biển với chi phí hợp lý, thân thiện môi trường…
Theo Dangcongsan
Ý kiến ()