Chủ động các giải pháp thực hiện năm cao điểm an toàn vệ sinh thực phẩm trong nông nghiệp
Thời gian qua, ngành nông nghiệp đã đạt được những kết quả quan trọng trong công tác triển khai đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Tuy nhiên, trước những khó khăn trong thực hiện xác nhận sản phẩm an toàn, biểu hiện sử dụng chất cấm trong chăn nuôi,…đòi hỏi ngành cần triển khai các biện pháp mạnh mẽ hơn nữa trong năm cao điểm an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) 2016.
là mục tiêu trọng tâm của ngành nông nghiệp trong năm 2016. (Ảnh: BT)
Từng bước đẩy lùi sử dụng chất cấm trong chăn nuôi
Sau thời gian triển khai cao điểm về an toàn vệ sinh thực phẩm (từ tháng 10/2015 đến tháng 2/2016) cho thấy, công tác đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) đạt được những chuyển biến tích cực, đặc biệt trong việc đẩy lùi sử dụng chất cấm trong chăn nuôi. Các hành vi vi phạm trong sử dụng chất cấm trong chăn nuôi từng bước được ngăn chặn, qua đó mang lại niềm tin cho người tiêu dùng. Điều đó cho thấy, nếu bắt tay vào thực hiện, giải quyết thì những tồn tại dù khó khăn đều được hiện thực hóa.
Cụ thể, Thanh tra Bộ NN&PTNT đã phối hợp với C49 Bộ Công an tổ chức thanh tra đột xuất một số cơ sở sản xuất, kinh doanh và sử dụng thức ăn chăn nuôi có dấu hiệu vi phạm. Qua thanh tra đã phát hiện và xử lý 13 Công ty vi phạm, trong đó đã tiến hành xử phạt vi phạm hành chính và thực hiện các biện pháp xử phạt bổ sung (thu hồi, tiêu hủy các sản phẩm vi phạm) với 11 Công ty. Bên cạnh đó, Thanh tra Bộ cũng đã đề nghị C49, Bộ Công an tiến hành cử trinh sát thường xuyên bám sát địa bàn, lấy mẫu khảo sát bí mật trên thị trường đối với các Công ty sản xuất thức ăn chăn nuôi. Kết quả trinh sát đã phát hiện nhiều vi phạm ở một số tỉnh, thành phố như Bắc Ninh, Điện Biên. Hiện Thanh tra Bộ, Sở NN&PTNT các tỉnh liên quan phối hợp cùng C49 tiếp tục truy xuất nguồn gốc các chất cấm trong chăn nuôi.
Mặt khác, qua đợt triển khai cao điểm về ATVSTP, Cục Thú y, Bộ NN&PTNT đã chỉ đạo các Chi cục địa phương lấy 1.457 mẫu nước tiểu và 385 mẫu thịt tại các cơ sở giết mổ, phát hiện 3 mẫu thịt (chiếm 0,77%), 157 mẫu nước tiểu (chiếm 10,7%) dương tính với chất cấm Salbutamol. Các tỉnh, thành phố cũng đã tích cực triển khai kiểm tra chất cấm trong chăn nuôi, 46/63 tỉnh, thành phố đã tổ chức kiểm tra 1.129 cơ sở, phát hiện 24 cơ sở vi phạm (chiếm 2,1%) và xử lý theo quy định; phát hiện 12/649 (chiếm 1,8%) mẫu thức ăn chăn nuôi dương tính với chất cấm Salbutamol, 69/1.026 mẫu nước tiểu (chiếm 6,7%), 1/172 mẫu thịt (chiếm 0,6%) có sử dụng chất cấm Salbutamol.
Trong công tác kiểm tra, các cơ quan Trung ương và địa phương đã phối hợp chặt chẽ, tập trung huy động toàn bộ lực lượng vào cuộc, tổ chức nhiều đoàn kiểm tra đột xuất, truy xuất tận gốc các vụ vi phạm và xử lý nghiêm theo đúng pháp luật, góp phần ngăn chặn hiệu quả, tiến đến dứt điểm tình trạng sử dụng chất cấm trong chăn nuôi.
Song song với những kết quả đạt được trong thanh, kiểm tra chất cấm, kết quả kiểm tra của 63/63 tỉnh, thành phố lũy kế đến tháng 2/2016 cho thấy tỷ lệ cơ sở sản xuất kinh doanh nông, lâm, thủy sản được kiểm tra đạt yêu cầu về điều kiện đảm bảo ATTP đã tăng lên 83% (9 tháng đầu năm 2015 là 67%); tỷ lệ cơ sở xếp loại C được nâng hạng A, B là 27,8% (9 tháng đầu năm 2015 là 2,1%). Đồng thời, các địa phương đã triển khai nhiều hoạt động để liên kết, kết nối tiêu thụ giữa các nhà sản xuất với cơ sở kinh doanh, phân phối sản phẩm, quảng bá sản phẩm an toàn có xác nhận; xây dựng thương hiệu cho các vùng sản xuất an toàn, giới thiệu và bán hàng tại gian hàng đặc sản các vùng, miền.
Cần xử lý tận gốc vấn đề
Đến nay, theo nhận định của các cơ quan chức năng, do việc tăng cường kiểm tra liên tục, đột xuất dẫn đến tình trạng mua bán, sử dụng chất cấm trong chăn nuôi càng trở nên tinh vi, khó phát hiện và triệt phá hơn. Các chế tài xử phạt còn thấp, chưa đủ sức răn đe, vì vậy vẫn còn nhiều khả năng một số cơ sở chăn nuôi vì lợi nhuận vẫn tiếp tục sử dụng chất cấm. Thêm vào đó, việc triển khai thí điểm, giám sát, xác nhận sản phẩm an toàn đến người tiêu dùng đã gặp phải những khó khăn ban đầu. Trong đó có thể kể đến việc xác nhận sản phẩm an toàn cho cơ sở kinh doanh, bán sản phẩm đến người tiêu dùng chưa có quy định trong Luật ATTP, dẫn đến một số địa phương chưa mạnh dạn triển khai. Việc xác nhận cơ sở bày bán là siêu thị, cơ sở kinh doanh các sản phẩm gặp khó khăn do đối tượng thuộc phạm vi quản lý của nhiều ngành. Đồng thời, để xác nhận sản phẩm an toàn, cần nhận diện và kiểm chứng tất cả các công đoạn sản xuất kinh doanh được chứng nhận đủ điều kiện ATTP, trong khi trên thực tế chưa đáp ứng đầy đủ yêu cầu hoặc cần nhiều thời gian xác minh, kiểm chứng trên thực tế.
Để khắc phục những hạn chế còn tồn tại, năm 2016, Bộ NN&PTNT tiếp tục lấy là năm triển khai cao điểm vệ sinh an toàn thực phẩm trong lĩnh vực nông nghiệp. Thông qua đó tiếp tục ngăn chặn, xử lý dứt điểm sử dụng chất cấm trong chăn nuôi và lạm dụng kháng sinh trong nuôi trồng thủy sản, giảm thiểu rõ nét vi phạm về tồn dư thuốc bảo vệ thực vật, kháng sinh, chất bảo quản, phụ gia trong các sản phẩm thuộc phạm vi quản lý của ngành NN&PTNT, tạo niềm tin cho người tiêu dùng thực phẩm nông, lâm, thủy sản.
Nhằm thực hiện được những mục tiêu đề ra, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám cho biết, năm 2016, ngành sẽ tập trung thanh tra, kiểm tra vào 4 nhóm chính, trong đó, trọng tâm là kháng sinh, chất cấm, cùng với đó là thanh tra đột xuất đối với vật tư đầu vào trong nông nghiệp và tăng cường kiểm tra hành vi buôn lậu.
Đối với các quy định trong Chương trình thực hành nông nghiệp tốt (VietGAP), theo Thứ trưởng Vũ Văn Tám, cần đơn giản mà vẫn đảm bảo được điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm. Tuy nhiên, về vấn đề chứng nhận các sản phẩm an toàn, cần ý thức rằng không chỉ đơn thuần dựa vào VietGAP mà còn có thể công nhận các sản phẩm đảm bảo chất lượng cho các doanh nghiệp khi bản thân doanh nghiệp đã có chuỗi sản phẩm đảm bảo quy trình sản xuất từ đầu vào đến đầu ra, công việc cần làm là lấy mẫu để chứng nhận.
Thứ trưởng cũng cho biết, từ năm 2016, ngành nông nghiệp sẽ bắt đầu thực hiện nghiêm việc xếp loại các địa phương trong quá trình thực hiện kế hoạch hành động VSATTP, đồng thời tiến hành tổ chức điều tra xã hội học để nắm bắt thông tin, yêu cầu từ phía người tiêu dùng. Đặc biệt, để thực hiện được điều này sẽ có quy định về việc phối hợp thực hiện giữa các đơn vị, địa phương.
Để tiếp tục triệt phá việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản trong năm 2016, công tác thanh, kiểm tra đột xuất vẫn là giải pháp được Bộ NN&PTNT chú trọng. Bên cạnh đó, theo Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát, với chất cấm, không chỉ xử lý ở phần ngọn như giám sát các lò mổ, trang trại,…mà cần làm tận gốc vấn đề. Chú ý đến việc lấy thông tin thông qua việc giám sát các trang trại, lò mổ để truy đến nguồn gốc của sự tồn tại chất cấm. Từ đó, phát hiện, tìm ra được các nhà máy sản xuất thức ăn, những công ty nhập khẩu vi phạm pháp luật. Đồng thời kết hợp tuyên truyền để ngăn chặn việc buôn bán, sử dụng chất cấm.
Theo Dangcongsan.vn
Ý kiến ()