Chủ động các giải pháp phát triển ngành mía đường Việt Nam
Theo Hiệp hội Mía đường Việt Nam, trong giai đoạn 2014-2018, ngành mía đường Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả tích cực, góp phần quan trọng trong việc đáp ứng nhu cầu tiêu dùng đường trong nước. Tuy nhiên, trên thực tế, ngành mía đường vẫn còn nhiều khó khăn như: năng suất, chất lượng mía thấp, diện tích vùng nguyên liệu mía chưa ổn định…
Theo báo cáo của Hiệp hội Mía đường Việt Nam, trong giai đoạn 2014 – 2018, diện tích mía bình quân đạt gần 300 nghìn ha/năm. Trong đó có 2 vụ đạt diện tích cao nhất là niên vụ 2013 – 2014 và 2014 – 2015, đạt trên 300.000 ha. Tuy nhiên, niên vụ 2015 – 2016 và 2016 – 2017, diện tích đã giảm còn 268.300 ha. Nguyên nhân giảm diện tích do tác động của biến đổi khí hậu, hạn hán, xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long, duyên hải miền Trung – Tây Nguyên, thiên tai bão, lũ, ảnh hưởng của hiện tượng El-nino…
Về chất lượng mía, ổn định ở mức gần 10 CCS (trữ đường), tuy có tác động của thời tiết, khí hậu nhưng trong niên vụ 2016 – 2017 vẫn đạt xấp xỉ 10 CCS. Về công suất thiết kế nhà máy, tiếp tục được đầu tư nâng cấp mở rộng, vì vậy niên vụ 2016 – 2017 đạt trên 150.000 tấn mía/ngày, dự kiến niên vụ 2017 – 2018 đạt trên 160.000 tấn mía/ngày.
Về sản lượng, trong giai đoạn 2014 – 2018, đã sản suất đựơc 56.588.373 tấn mía và 5.484.570 tấn đường, đảm bảo nhu cầu tiêu dùng đường trong nước. Riêng niên vụ 2013 – 2014, đã sản xuất được hơn 16 triệu tấn mía và gần 1,6 triệu tấn đường, là năm có sản lượng đường cao nhất trong 22 năm phát triển ngành mía đường.
Hiện tại ngành mía đường có 95% diện tích vùng nguyên liệu mía được các nhà máy ký hợp đồng đầu tư – tiêu thụ sản phẩm với người trồng mía. Các nhà máy đều có chính sách đầu tư hỗ trợ cho nông dân sản xuất mía nguyên liệu như: giống, vật tư nông nghiệp, cơ giới hóa, sửa chữa hệ thống giao thông nội đồng, tưới tiêu, xây dựng các mô hình thâm canh…
Nhìn chung, trong giai đoạn 2014 – 2018, cây mía vẫn khẳng định được vị trí trong hệ thống cây trồng ngành nông nghiệp. Sản xuất mía đường cơ bản đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng đường trong nước, góp phần tham gia bình ổn thị trường giá cả trong nước.
Tuy vậy, theo Hiệp hội Mía đường Việt Nam, bên cạnh những kết quả đạt được, ngành mía đường vẫn còn tồn tại một số khó khăn nhất định. Trong đó, sản xuất kinh doanh dù tiếp tục được duy trì phát triển nhưng chưa bền vững, nhất là về nguyên liệu mía.
Việc đa dạng hóa các sản phẩm cạnh đường, sau đường tuy đã có chú trọng đầu tư nhưng vẫn ở quy mô nhỏ. Năng lực cạnh tranh ngành mía đường vẫn đang thấp, trong đó, năng suất, chất lượng mía thấp, bình quân mới đạt 61,33 tấn/ha, năng suất đường bình quân đạt 5,64 tấn/ha, thấp hơn nhiều so với các nước trong khu vực. Giá thành mía và giá thành đường của Việt Nam vẫn cao hơn bình quân thế giới và khu vực.
Cùng với đó, hệ thống cơ chế chính sách tuy đã có hỗ trợ cho ngành mía đường nhưng vẫn rời rạc, chưa hình thành được hệ thống cơ sở pháp lý đồng bộ để phát triển ngành mía đường Việt Nam bền vững. Các biện pháp chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại mặt hàng đường hiệu quả chưa cao; hàng rào kỹ thuật, biện pháp phòng vệ khi hội nhập chưa được hình thành.
Nhằm khắc phục khó khăn, định hướng phát triển cho ngành mía đường, mới đây, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã ban hành Đề án phát triển mía đường đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. Đề án nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh và đảm bảo sự phát triển bền vững của ngành mía đường; đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước, từng bước hướng tới thị trường xuất khẩu.
Trong đó, đến năm 2020, phấn đấu diện tích mía nguyên liệu ổn định ở mức 300.000ha, riêng vùng nguyên liệu tập trung đạt 285.500ha, năng suất mía bình quân 68-70 tấn/ha, sản lượng mía từ 20-21 triệu tấn, năng suất đạt 7 tấn đường/ha; sản lượng đường đạt khoảng 2 triệu tấn.
Đến năm 2030, giữ ổn định diện tích, tăng năng suất để đạt sản lượng mía 24 triệu tấn, năng suất đường đạt 8,5 tấn/ha, sản lượng đường 2,5 triệu tấn. Tổng công suất thiết kế của các nhà máy khoảng 230.000 tấn mía/ngày; sản lượng đường khoảng 2,5 triệu tấn, trong đó đường tinh luyện là 1,6 triệu tấn, đường trắng và các loại đường khác 0,9 triệu tấn. Có trên 90% nhà máy (cụm nhà máy) đạt công suất từ 4.000 tấn mía/ngày trở lên.
Nhằm đạt được mục tiêu đề ra, theo Bộ NN&PTNT, cần đặc biệt quan tâm chú trọng đến giải pháp về giống. Tuyển chọn, phục tráng các giống mía tốt hiện có, khảo nghiệm, kết luận giống mía nhập khẩu phù hợp với các vùng sinh thái. Đồng thời, nghiên cứu, phát triển giống mía mới có năng suất, chữ đường cao, nhất là giống mới phù hợp với điều kiện của từng vùng, miền, địa phương thích ứng với biến đổi khí hậu. Sớm hình thành hệ thống sản xuất giống năng suất, chữ đường cao, cung cấp cho người trồng mía. Phấn đấu đến năm 2020, đảm bảo 100% diện tích mía được trồng bằng giống từ cơ sở nhân giống của doanh nghiệp chế biến mía đường cung cấp.
Về công tác giống mía, theo Hiệp hội Mía đường Việt Nam, các đơn vị sản xuất, kinh doanh mía đường cần củng cố, xây dựng các cơ sở và tổ chức hệ thống nhân giống mía của mình để chủ động cung cấp đủ giống mía có chất lượng cho trồng mới hàng năm. Có cơ chế, chính sách khyến khích, hỗ trợ người dân tích cực thay thế giống mía tốt cho những giống cũ; bố trí cơ cấu giống mía rải vụ thu hoạch đảm bảo đúng thời điểm mía chín. Đồng thời, xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn giống mía, kiểm soát chất lượng mía theo hướng thông qua cơ quan độc lập để quản lý.
Bên cạnh đó, theo Bộ NN&PTNT, để nâng cao chất lượng cây mía, cần thực hiện cơ giới hóa đồng bộ từ khâu làm đất, chăm sóc, thu hoạch; áp dụng các giải pháp cơ giới hóa tiên tiến cải tạo đất, chống rửa trôi, giữ độ ẩm của đất, giảm tổn thất sau thu hoạch.
Xây dựng phương án sản xuất kinh doanh phù hợp với thị trường trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế và biến đổi khí hậu; theo dõi chặt chẽ tình hình cung – cầu để đề xuất biện pháp điều hành sản xuất, tiêu thụ đường phù hợp, hiệu quả. Nhà nước khuyến khích và tạo điều kiện để các nhà máy, công ty mía đường liên kết xây dựng các bạn hàng chiến lược, xây dựng thương hiệu, nhãn mác hàng hóa và tăng cường xúc tiến thương mại mía đường.
Mặt khác, theo Hiệp hội Mía đường Việt Nam, cần thực hiện mối liên kết, chia sẻ lợi ích giữa sản xuất với tiêu dùng, giữa sản xuất với lưu thông phân phối, nhằm giảm chi phí trung gian, người tiêu dùng được hưởng lợi với giá tiêu dùng hợp lý. Khuyến khích, hỗ trợ tạo điều kiện các hình thức liên kết hợp tác giữa doanh nghiệp sản xuất với thương nhân, thương gia sử dụng đường làm nguyên liệu sản xuất, doanh nghiệp, thương gia bán lẻ dưới hình thức hợp tác đầu tư, mua bán sáp nhập, liên doanh liên kết./.
Theo Dangcongsan
Ý kiến ()