Chủ động các biện pháp, không để bệnh dịch xâm nhiễm vào địa bàn Lạng Sơn
LSO-Sáng nay (13/3), UBND tỉnh Lạng Sơn tổ chức hội nghị trực tuyến để triển khai nhiệm vụ phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi.
Đồng chí Phạm Ngọc Thưởng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh
phát biểu chỉ đạo tại hội nghị
Đồng chí Phạm Ngọc Thưởng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì hội nghị. Dự họp có đồng chí Hồ Tiến Thiệu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo một số sở, ngành của tỉnh; tại điểm cầu các huyện, thành phố, các xã, thị trấn có các lãnh đạo, cơ quan chuyên môn, doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ chăn nuôi lợn trên địa bàn.
Theo báo cáo tại hội nghị, hiện toàn tỉnh có trên 293 nghìn con lợn, 54 nghìn hộ chăn nuôi, 32 hợp tác xã chăn nuôi lợn, 546 cơ sở giết mổ lợn. Nguy cơ bệnh dịch tả lợn châu Phi xâm nhiễm vào địa bàn và lây lan dịch ra diện rộng là rất cao.
Trước tình hình đó, từ cuối năm 2018 đến nay, UBND tỉnh ban hành 13 văn bản chỉ đạo về phòng chống bệnh dịch tả lợn châu Phi như: tăng cường chống buôn lậu và sản phẩm của lợn từ bên kia biên giới vào nội địa; kiên quyết ngăn chặn và xử lý nghiêm tình trạng buôn bán, vận chuyển, tiêu thụ lợn, sản phẩm của lợn không rõ nguồn gốc; tổ chức giám sát chặt chẽ, tăng cường kiểm dịch động vật; thành lập 8 chốt kiểm dịch ở các địa bàn trọng yếu… Qua đó, đến nay trên địa bàn chưa có bệnh dịch tả lợn châu Phi.
Tại hội nghị, các đại biểu đã thảo luận, báo cáo công tác phòng chống bệnh dịch tả lợn châu Phi tại địa bàn quản lý. Đồng thời kiến nghị tăng cường cán bộ thú y, thuốc sát trùng, bình phun, thiết bị phòng chống bệnh dịch tại các điểm, địa bàn có nguy cơ xâm nhiễm cao…
Phát biểu kết luận, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh đánh giá cao công tác phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn đạt được kết quả tích cực. Trong đó, các cấp, ngành đã kịp thời ban hành các văn bản chỉ đạo; thông tin, tuyên truyền kịp thời về dịch bệnh trên các phương tiện thông tin đại chúng…
Đồng chí yêu cầu UBND các huyện, thành phố tiếp tục nghiên cứu, thực hiện văn bản chỉ đạo của các cấp với tinh thần “chống dịch như chống giặc”; xác định phòng chống dịch bệnh là việc làm thường xuyên, liên tục. Đồng thời chỉ đạo thực hiện ký cam kết, phát tài liệu tuyên truyền đến 100% các hộ chăn nuôi, cơ sở giết mổ lợn thực hiện pháp luật thú y; chủ động bố trí kinh phí từ nguồn dự phòng phục vụ phòng, chống bệnh dịch; tăng cường tuyên truyền bằng nhiều hình thức; thành lập các chốt kiểm dịch (nếu cần thiết) theo thẩm quyền; thực hiện báo cáo tình hình bệnh dịch kịp thời.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tham mưu thành lập các đoàn kiểm tra tại các huyện, thành phố; hỗ trợ nhân lực, phương tiện cho các địa bàn để phòng, chống bệnh dịch. Sở Thông tin- Truyền thông, Báo Lạng Sơn, Đài Phát thanh – Truyền hình tỉnh tăng cường tuyên truyền để nhân dân hiểu đúng, đủ, không hoang mang, chủ quan về bệnh dịch. Sở Tài chính chủ động tham mưu về kinh phí hỗ trợ phòng, chống bệnh dịch.
Các sở, ngành thực hiện theo chức năng, nhiệm vụ và theo kế hoạch 161 của tỉnh, các văn bản chỉ đạo của ngành dọc; tăng cường phối hợp, trao đổi thông tin, thực hiện đồng bộ các giải pháp để chủ động, kịp thời ứng phó hiệu quả nếu dịch bệnh xảy ra trên địa bàn.
ĐỖ HOẠT
Ý kiến ()