Chủ động bố trí nhân lực đầu năm học mới
Bữa ăn bán trú đầu năm học mới ở Trường Mầm non Hoa Đào (thị trấn Cao Lộc) |
Không thụ động ngồi chờ
Tuy chưa có hợp đồng làm việc, song cô giáo Nguyễn Khánh Diệp Phương đã có tên trong danh sách giáo viên của Trường Mầm non (MN) Hoa Đào, thị trấn Cao Lộc. Cô rất phấn khởi vì được nhận lớp, nhận học sinh và tiến hành công việc của mình cùng các giáo viên trong biên chế của trường ngay từ đầu năm học mới. Không chỉ có cô Phương mà các nhân viên nấu ăn cũng đã tiến hành công việc ngay khi tập trung học sinh, mang lại cho các cháu những bữa ăn bán trú. Cô Ma Thị Hương, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Những năm trước đây, nhà trường vừa tập trung học sinh vừa “ngóng” giáo viên hợp đồng; và thông thường phải đến tháng 11,12 mới có giáo viên về. Cô cháu vừa mới quen nhau, nay lại xáo trộn, mất rất nhiều thời gian và ảnh hưởng đến thực hiện chương trình. Nay sự linh hoạt của cấp trên đã giúp nhà trường ổn định đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên để tiến hành các hoạt động nuôi dạy bình thường.
Năm học 2016-2017, huyện Cao Lộc có 67 trường từ cấp học MN đến THCS và loại hình dân tộc bán trú. Với địa hình chia cắt mạnh, dân cư phân bố không đều, trên địa bàn có đến 101 điểm trường lẻ (cấp học MN 52 điểm, tiểu học 49 điểm); tỷ lệ học sinh bán trú và 2 buổi/ngày cao nên nhu cầu cán bộ, giáo viên, nhân viên lên đến 1.940 người. Trước năm học mới, huyện đã cân đối và xin phê duyệt 272 hợp đồng, trong đó có 71 giáo viên (56 giáo viên MN, 15 giáo viên tiểu học) và 184 nhân viên (130 nhân viên nấu ăn, 54 bảo vệ). Ngoài 255 hợp đồng được UBND tỉnh phê duyệt (thiếu 17 người so với đề nghị của huyện), để đáp ứng tình hình thực tế của các nhà trường, Phòng Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đề nghị UBND huyện phê duyệt thêm 55 hợp đồng bằng nguồn ngân sách huyện.
Trong khi chờ quyết định của cấp trên, phòng GD&ĐT đã mời các giáo viên, nhân viên trong dự kiến hợp đồng đến làm việc ngay. Hành động này thể hiện tính chủ động của ngành và tạo điều kiện cho các nhà trường ổn định đội ngũ ngay trong những ngày đầu năm học mới.
Phân công hợp lý, đảm bảo chế độ
Việc bố trí giáo viên hợp đồng được thực hiện song song với công tác phân công, điều chuyển đội ngũ giáo viên trong biên chế. Theo đó, ngành rải đều mỗi trường từ 1 – 2 người. Như vậy, sự kèm cặp “cũ, mới” sẽ có tác động tốt đến nâng cao chuyên môn của giáo viên hợp đồng, tránh được những sai sót đáng tiếc do sự non kém về nghiệp vụ mà giáo viên hợp đồng gây ra.
Những năm học trước, tình trạng bất công về thu nhập giữa hợp đồng và biên chế đã gây ra sự chán nản trong đội ngũ giáo viên MN hợp đồng. Một cô giáo hợp đồng của một trường MN vùng cao nói với chúng tôi: “Anh tính cùng là giáo viên, cùng một công việc, thậm chí chúng em còn vất vả hơn nhưng thu nhập chỉ bằng 2/3, thậm chí ½ so với các chị trong biên chế…” Nay đã khác, thực hiện các thông tư của Bộ GD&ĐT và sự chỉ đạo của UBND tỉnh, ngành GD&ĐT Cao Lộc đã tham mưu cho UBND huyện chỉ đạo thực hiện tối đa chế độ cho giáo viên hợp đồng. Theo đó, nếu trước đây giáo viên hợp đồng chỉ được trả “trọn gói”; nếu trả theo hình thức khác thì cũng không được hưởng phụ cấp khu vực hoặc phụ cấp ưu đãi; nay họ được trả lương theo trình độ đào tạo cộng phụ cấp khu vực, phụ cấp ưu đãi và được chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp. Cô kế toán phòng GD&ĐT sơ tính, nếu trước đây, một giáo viên MN trình độ trung cấp hợp đồng tại xã Công Sơn chỉ có thu nhập khoảng trên 3 triệu đồng/tháng; thì nay có thu nhập gần 5 triệu đồng/tháng.
Đối với nhân viên nấu ăn, huyện chỉ đạo các nhà trường thỏa thuận với người lao động, song không được thấp hơn mức lương tối thiểu vùng. Cô giáo Nông Thị Bích Phượng, Hiệu trưởng Trường Tiểu học thị trấn Cao Lộc cho biết: Mức tiền công của nhân viên nấu ăn ở nhà trường là 2,5 triệu đồng/tháng. Tuy chưa thật cao, song các chị đều bằng lòng với thu nhập đó và đến làm việc ngay từ ngày khai giảng. Có bữa ăn bán trú, phụ huynh không phải đưa đón con 4 lần mỗi ngày, vừa đỡ mất thời gian của người dân, vừa tránh tình trạng ùn tắc giao thông triền miên tại khu vực này.
Ông Nguyễn Văn Thịnh, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Cao Lộc cho biết: Sự quan tâm kịp thời của tỉnh, sự chỉ đạo sát sao của UBND huyện và sự năng động của Phòng GD&ĐT đã tạo cho các nhà trường có đủ đội ngũ cán bộ để thực hiện kế hoạch năm học mới ngay sau khai giảng.
Ý kiến ()