Chủ động bảo vệ sản xuất
LSO-Trong điều kiện thời tiết không thuận lợi và khó khăn về chuyển dịch cơ cấu lao động ở khu vực nông thôn, sản xuất vụ xuân năm nay vẫn đảm bảo duy trì được diện tích gieo trồng. Trong đó diện tích cây lương thực ổn định với gần 40 nghìn héc ta, tăng 0,51% so với cùng kỳ. Cùng với đó, làm tốt công tác phòng trừ sâu, bệnh hại trong giai đoạn này được coi là yếu tố quan trọng để đảm bảo năng suất, chất lượng cây trồng.
Nông dân xã Vũ Lăng, huyện Bắc Sơn kiểm tra sâu bệnh trên cây ngô |
Những ngày này, anh Mai Như Hải, thôn Nà Loỏng, xã Châu Sơn, huyện Đình Lập thường xuyên thăm đồng. Anh Hải chia sẻ: hiện nay lúa đang trong giai đoạn vào đòng, nếu chủ quan, lơ là, sâu bệnh hại phát sinh trong giai đoạn này sẽ ảnh hưởng rất lớn đến năng suất.
Cũng nhờ thăm đồng thường xuyên, anh Hải đã kịp thời phòng, trừ hiệu quả bệnh vàng lá, sâu cuốn lá trên lúa và sâu gai trên cây ngô. Hơn 1 mẫu lúa, ngô của gia đình anh, thời điểm này phát triển rất tốt và dự kiến năng suất sẽ nhỉnh hơn so với vụ trước.
Không chỉ riêng gia đình anh Hải, mà trong vụ xuân năm nay, bà con nông dân trên địa bàn tỉnh đã rất chủ động trong phòng, trừ sâu bệnh hại cây trồng. Bà Mông Thị Loan, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Đình Lập cho biết: bà con chủ động, bởi ngay từ đầu vụ, cơ quan chuyên môn đã dự báo tình hình sâu bệnh sẽ có diễn biến phức tạp hơn vụ trước, bởi nền nhiệt độ trung bình vụ xuân năm nay cao hơn mọi năm (do ảnh hưởng của hiện tượng Elnino).
Đúng theo dự báo, đến trung tuần tháng 5 vừa qua, khi lúa xuân đang trong giai đoạn đẻ nhánh rộ – đứng cái, rầy nâu và rầy lưng trắng đã xuất hiện với mật độ khá lớn. Theo tổng hợp của Chi cục Bảo vệ thực vật, mật độ trung bình khoảng 200-500 con/m2; mật độ cao từ 800 – 1.500 con/m2; cục bộ, có nơi lên tới 2.000 – 3.000 con/m2.
Cùng thời điểm đó, trên cây ngô xuất hiện khá nhiều loại sâu hại như: sâu gai, sâu xám, sâu cắn lá, sâu đục thân và có nơi xuất hiện cả châu chấu.
Ông Dương Mạnh Hùng, Trạm trưởng Trạm Bảo vệ thực vật huyện Hữu Lũng cho biết: những diễn biến ấy đã được dự báo từ trước và thông tin kịp thời đến các thôn, xã để truyền tải đến bà con nông dân. Bởi vậy công tác phòng, trừ được tiến hành chủ động và đúng thời điểm. Đến nay chưa có diện tích cây trồng nào trên địa bàn huyện có nguy cơ ảnh hưởng năng suất do sâu, bệnh hại.
Ông Trần Đại Dũng, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật cho biết: trong thời gian cao điểm, khi nhận định sâu bệnh có khả năng bùng phát thành dịch, Chi cục yêu cầu các đơn vị trực thuộc tăng cường bám sát đồng ruộng, tuyên truyền, hướng dẫn nhân dân phòng, trừ và thực hiện chế độ báo cáo định kỳ hằng ngày. Nhờ đó mà Chi cục điều tiết các thiết bị, vật tư, tăng cường cán bộ chuyên môn, đảm bảo phòng chống kịp thời và có hiệu quả.
Nhận định chung trong thời điểm này là gần 40 nghìn héc ta cây lương thực vụ xuân trên địa bàn tỉnh đang phát triển ổn định. Theo dự báo của ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn, sản lượng lương thực trong vụ này có thể đạt gần 160 nghìn tấn, tăng 1,5% so với cùng kỳ năm trước.
Tuy nhiên cũng không thể chủ quan, bởi hiện nay đa phần lúa xuân đang trong giai đoạn đứng cái – làm đòng, nhiễm sâu bệnh trong giai đoạn này sẽ ảnh hưởng lớn đến năng suất. Ông Trần Đại Dũng, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật dự báo: trong giai đoạn này, đáng ngại nhất là rầy lứa 3 phát sinh, gây hại.
Dự báo này đã được thông tin đến các huyện, thành phố. Cơ quan chuyên môn cũng đã chuẩn bị sẵn sàng vật tư, thiết bị và tăng cường điều tra, dự tính, dự báo. Để đảm bảo thắng lợi của vụ sản xuất, thì việc nhà nông tăng cường thăm đồng, thực hiện đầy đủ hướng dẫn phòng, trừ của cơ quan chuyên môn là một trong những yếu tố quyết định trong thời điểm này.
VŨ NHƯ PHONG
Ý kiến ()