Chủ động bảo vệ cá lồng trong mùa rét
– Những năm gần đây, thời tiết diễn biến thất thường, các đợt rét kéo dài, xảy ra đột ngột, nhiệt độ giảm sâu. Để bảo vệ đàn cá lồng khỏi bị chết do rét, nhiễm bệnh, ngay từ đầu mùa đông, cơ quan chức năng và các hộ chăn nuôi cá lồng trên địa bàn tỉnh đã chú trọng thực hiện các biện pháp, đảm bảo đàn cá phát triển khỏe mạnh.
Là một trong những hộ tiên phong nuôi cá lồng trên đập Tà Keo, ông Hà Văn Thu, thôn Khòn Cháo – Co Cai, xã Sàn Viên, huyện Lộc Bình cho biết: Gia đình tôi bắt đầu nuôi cá lồng từ năm 2017 với các loại cá như: cá trắm, rô phi… Đến nay, gia đình đã mở rộng, phát triển lên 5 lồng nuôi, trong đó, mỗi lồng nuôi thả 600 con cá. Để bảo vệ đàn cá trong mùa đông, gia đình tôi thường xuyên theo dõi, nắm bắt diễn biến thời tiết và tiến hành phủ kín mặt lồng nuôi bằng nilon sáng màu, hạ sâu lồng nuôi từ 1,8 đến 2 m để giữ ấm cho cá khi nhiệt độ giảm sâu. Ngoài ra, gia đình thường xuyên vệ sinh lồng cá, đảm bảo nước không bị ô nhiễm dẫn đến cá bị nhiễm bệnh. Nhờ đó, từ khi chăn nuôi cá lồng đến nay, gia đình tôi chưa bị thiệt hại đáng kể do cá chết rét. Từ chăn nuôi cá lồng, gia đình có thu nhập ổn định từ 70 đến 80 triệu đồng/năm sau trừ chi phí.
Người dân xã Sàn Viên, huyện Lộc Bình chăm sóc cá lồng
Cũng như gia đình ông Thu, các hộ chăn nuôi cá lồng trên địa bàn tỉnh cũng đã và đang tích cực thực hiện các biện pháp phòng, chống rét cho cá lồng. Bên cạnh sự chủ động của các hộ dân, ngành chức năng huyện cũng chú trọng đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn các hộ chăn nuôi cá lồng thực hiện các biện pháp chăm sóc đàn cá, nhất là khi nhiệt độ giảm sâu.
Ông Nông Văn Tùng, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Văn Quan cho biết: Sau đợt mưa lũ gây thiệt hại nặng nề hồi đầu tháng 5/2022, người chăn nuôi cá lồng trên địa bàn huyện đã nỗ lực khôi phục sản xuất. Toàn huyện hiện có 196 lồng cá, nuôi chủ yếu các loại cá như: trắm, chép, rô phi… Để chủ động ứng phó với thời tiết giá rét, ngay từ tháng 10/2022, phòng đã tích cực phối hợp với chính quyền các xã, thị trấn tuyên truyền, hướng dẫn người dân các biện pháp phòng, chống rét cho thủy sản, đặc biệt đối với cá lồng. Ngoài ra, thông qua các lớp tập huấn, cán bộ chuyên môn cũng lồng ghép nội dung chăm sóc, bảo vệ cá lồng trong mùa đông, qua đó, đảm bảo đàn cá phát triển khỏe mạnh. Từ đầu năm 2022 đến nay, phòng đã phối hợp tổ chức được 2 lớp tập huấn lồng ghép, hướng dẫn các kỹ thuật cho bà con. Nhờ đó, cá lồng nuôi trên địa bàn huyện phát triển ổn định; không có hiện tượng cá chết rét.
Theo số liệu thống kê, toàn tỉnh hiện có 567 lồng cá, tăng gấp đôi so với năm 2015. Trong đó, có khoảng 500 lồng cá của các hộ dân là thành viên các HTX, còn lại là các hộ dân chăn nuôi riêng lẻ. Cá lồng trên địa bàn tỉnh chủ yếu được nuôi trên các sông, lòng hồ; tập trung chủ yếu tại các huyện: Văn Quan, Lộc Bình, Bắc Sơn… Sản lượng cá lồng trung bình đạt trên 1.200 tấn/năm; mang lại cho người dân từ 15 đến 20 triệu đồng/vụ/lồng, sau trừ chi phí.
Ông Lý Văn Đạo, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh cho biết: Để chăm sóc, bảo vệ đàn cá lồng trong mùa đông năm nay, ngay từ tháng 10/2022, Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã có văn bản khuyến cáo đến người dân. Theo đó, các hộ chăn nuôi cá lồng đã chủ động dự trữ thức ăn để bổ sung chất dinh dưỡng cho cá. Cùng đó, khi nhiệt độ giảm sâu, người chăn nuôi đã di chuyển lồng cá vào khu vực kín gió, che chắn bề mặt lồng nuôi bằng bạt nilon để hạn chế sương muối; thả sâu lồng nuôi từ 1,8 đến 2 m để giữ ấm cho cá; thường xuyên vệ sinh để nước không bị ô nhiễm, hạn chế gây bệnh cho cá. Ngoài ra, từ đầu năm 2022 đến nay, Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã tổ chức được 3 lớp tập huấn, lồng ghép hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc, phòng, chống dịch bệnh trên cá lồng trong mùa đông cho 150 hộ dân… Qua đó, đàn cá lồng trên địa bàn tỉnh cơ bản phát triển tốt. Riêng trong đầu tháng 12/2022 vừa qua, tại khu vực đập Khuổi Quật, thị trấn Lộc Bình, huyện Lộc Bình xảy ra tình trạng cá nheo Mỹ nuôi trong lồng bị chết. Đây là loại cá da trơn, mới được người dân đưa vào nuôi nên kinh nghiệm chăm sóc còn hạn chế. Tình trạng cá nheo Mỹ bị ngạt chết chỉ xảy ra tại khu vực nuôi này (cùng thời điểm, các lồng cá nheo Mỹ của người dân nuôi tại khu vực lòng hồ, sông ở địa bàn các xã: Sàn Viên, huyện Lộc Bình, Yên Sơn (huyện Hữu Lũng)… đàn cá vẫn phát triển khỏe mạnh). Nguyên nhân do nhiều yếu tố tác động, trong đó một phần do sự cố vỡ đập làm mực nước hồ bị giảm, cộng thêm thời tiết thay đổi đột ngột (từ 24 đến 26 độ C thời điểm ban ngày xuống còn 8 đến 9 độ C vào ban đêm), rét kéo dài, kèm theo mưa nhỏ. Điều này đã khiến bề mặt nước lạnh đột ngột và nước trong hồ thải ra nhiều chất khí độc như: NH3,H2S, dẫn đến thiếu oxi làm cá bị ngạt chết.
Theo thông tin từ Đài khí tượng thủy văn tỉnh, từ nay đến Tết Nguyên đán 2023, trên địa bàn tỉnh sẽ còn 5 hoặc 6 đợt không khí lạnh. Trong đó, nhiệt độ giảm sâu nhất có thể xuống đến 2 độ C. Do đó, người chăn nuôi cá lồng cần thường xuyên kiểm tra lồng nuôi, tăng cường bảo vệ, giữ ấm cho đàn cá, giúp đàn cá phát triển khỏe mạnh, tăng thu nhập cho người chăn nuôi.
Ý kiến ()