Chủ động bảo đảm an toàn công trình thủy lợi trong mùa mưa, lũ
– Để chủ động ứng phó trước diễn biến bất thường của thời tiết, ngành chức năng, các đơn vị quản lý, khai thác công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh đã chủ động kiểm tra, sửa chữa các hồ, đập, trạm bơm xuống cấp, xây dựng phương án ứng phó khi mưa bão.
Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Lạng Sơn đang quản lý, khai thác 123 hồ chứa, 206 đập dâng, 86 trạm bơm và trên 1.100 km kênh mương. Là đơn vị quản lý các công trình thủy lợi lớn trên địa bàn tỉnh, công ty đã chủ động triển khai các biện pháp để đảm bảo an toàn hồ, đập trong mùa mưa, lũ năm nay.
Công nhân thi công sửa chữa, nâng cấp hồ Thâm Sỉnh, xã Hoàng Đồng, thành phố Lạng Sơn
Ông Liễu Văn Thông, Phó Tổng Giám đốc công ty cho biết: Để bảo đảm an toàn công trình thủy lợi trong mùa mưa, lũ, ngay từ đầu năm 2022, công ty đã kiện toàn Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn; tổ chức trực ban theo dõi diễn biến thời tiết; tiến hành sửa chữa, duy tu 10 công trình hồ, đập; cử cán bộ thường trực tại công trình, nhất là các công trình thủy lợi ảnh hưởng lớn tới hạ du khi mưa bão.
Đơn cử, trong đợt mưa lũ ngày 10/5 vừa qua, công ty cử cán bộ trực 24/24 giờ, thường xuyên theo dõi, cập nhật mực nước tại các hồ chứa lớn. Nhờ đó, phát hiện và xử lý kịp thời một số công trình kênh mương bị sạt lở, vùi lấp, trạm bơm điện bị hư hỏng…
Cùng với đó, công ty đã chỉ đạo xí nghiệp khai thác công trình thủy lợi các huyện, thành phố kiểm tra cụ thể từng công trình, đánh giá hiện trạng, sửa chữa, nâng cấp; xây dựng các phương án phòng, chống lụt bão đảm bảo an toàn cho người và tài sản.
Ông Lê Văn Khôi, Giám đốc Xí nghiệp Khai thác công trình thủy lợi Cao Lộc cho biết: Đơn vị hiện đang quản lý, khai thác 19 đập dâng, 13 hồ chứa nước lớn trên địa bàn huyện Cao Lộc. Nhằm đảm bảo an toàn các công trình hồ, đập trong mùa mưa bão, ngay từ đầu năm, xí nghiệp đã kiểm tra toàn bộ hệ thống hồ, đập, trạm bơm. Đồng thời, xây dựng phương án phòng, chống bão, lũ cho các công trình hồ, đập lớn; đánh giá, nhận định tình huống, mức độ ảnh hưởng và hướng xử lý khi mưa bão xảy ra… Nhờ đó, đến nay, các hồ, đập thuộc đơn vị quản lý đều đảm bảo an toàn, tích nước để phục vụ sản xuất. Từ đầu năm 2022 đến nay, trên địa bàn huyện có 3 công trình hồ chứa được sửa chữa, duy tu gồm: hồ chứa Ba Sơn (xã Xuất Lễ), hồ chứa Bản Cưởm (xã Thạch Đạn), hồ chứa Trục Hồ (xã Phú Xá), qua đó, góp phần đảm bảo an toàn công trình trong mùa mưa lũ.
Theo số liệu thống kê, trên địa bàn tỉnh hiện có khoảng 2.808 công trình thủy lợi. Trong đó có 160 hồ chứa, 1.481 phai, đập dâng các loại, 163 trạm bơm, 1.004 công trình tạm, guồng cọn phục vụ nước tưới cho tổng diện tích khoảng 7.304,3 ha. Để đảm bảo an toàn các công trình thủy lợi, Chi cục Thủy lợi đã tham mưu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) chỉ đạo các đơn vị chuyên môn phối hợp thực hiện công tác bảo đảm an toàn công trình thủy lợi trong mùa mưa, lũ năm 2022; tổ chức rà soát hiện trạng, phát hiện và xử lý kịp thời các hư hỏng, sự cố của công trình… Từ đầu năm 2022 đến nay, toàn tỉnh đã có 14 công trình hồ, đập được bố trí kinh phí sửa chữa, nâng cấp với tổng kinh phí hơn 220 tỷ đồng.
Ông Chu Văn Hải, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi, Sở NN&PTNT cho biết: Qua đánh giá, các hồ, đập trên địa bàn tỉnh hiện cơ bản đảm bảo an toàn trong mùa mưa, lũ năm 2022. Thời gian tới, chi cục tiếp tục phối hợp với các đơn vị quản lý, khai thác công trình thủy lợi thường xuyên kiểm tra, theo dõi hiện trạng các hồ đập, báo cáo kịp thời khi phát hiện các hư hỏng, sự cố để xây dựng phương án khắc phục; theo dõi tình hình thời tiết để đưa ra các phương án tích nước cho hồ, đập hợp lý đảm bảo an toàn.
Việc đảm bảo an toàn các công trình thủy lợi có ý nghĩa rất quan trọng trong việc điều tiết nước phục vụ sản xuất, giảm ngập úng, hạn chế lũ trong mùa mưa bão. Tin tưởng rằng, với sự chủ động của các đơn vị quản lý, khai thác cùng sự quan tâm chỉ đạo của ngành chức năng, chính quyền các cấp, các công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh sẽ phát huy hết hiệu quả công năng, góp phần đảm bảo an toàn tài sản, hoạt động sản xuất của người dân.
Ý kiến ()