Chủ đề Ðại hội XI của Ðảng
Chủ đề Đại hội XI của Đảng - cũng là tiêu đề của Báo cáo Chính trị - đã được Đại hội thông qua như sau: "Tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, phát huy sức mạnh toàn dân tộc, đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, tạo nền tảng để đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại".Về chủ đề này, suốt quá trình tiến tới Đại hội, trong các cuộc thảo luận ở đại hội đảng bộ các cấp và ngay tại Đại hội toàn quốc, hầu hết ý kiến đều nhất trí nhưng còn có chỗ băn khoăn: Chủ đề của Đại hội XI căn bản giống chủ đề Đại hội X, chỉ khác nhau ở thành tố thứ tư. Lý do là so với chủ đề Đại hội X, ba thành tố đầu tiên hầu như viết lại nguyên văn, chỉ thêm hai chữ 'tiếp tục' ở đầu ba thành tố đó. Còn thành tố thứ tư thì chuyển từ 'sớm đưa nước ta ra khỏi tình trạng kém phát triển' thành 'tạo nền tảng để đến 2020 nước ta...
Về chủ đề này, suốt quá trình tiến tới Đại hội, trong các cuộc thảo luận ở đại hội đảng bộ các cấp và ngay tại Đại hội toàn quốc, hầu hết ý kiến đều nhất trí nhưng còn có chỗ băn khoăn: Chủ đề của Đại hội XI căn bản giống chủ đề Đại hội X, chỉ khác nhau ở thành tố thứ tư. Lý do là so với chủ đề Đại hội X, ba thành tố đầu tiên hầu như viết lại nguyên văn, chỉ thêm hai chữ 'tiếp tục' ở đầu ba thành tố đó. Còn thành tố thứ tư thì chuyển từ 'sớm đưa nước ta ra khỏi tình trạng kém phát triển' thành 'tạo nền tảng để đến 2020 nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại'.
Vậy cái mới ở chỗ nào?
Giải trình tại Đại hội XI, Đoàn chủ tịch Đại hội có ý kiến như sau: 'Chủ đề Đại hội là tư tưởng chỉ đạo định hướng hoạt động của Đảng, xác định nhiệm vụ trọng tâm trong thời kỳ nhất định. Chủ đề Đại hội (cũng như tiêu đề của Báo cáo Chính trị) hiện nay gồm bốn thành tố, vừa kế thừa vừa phát triển chủ đề của Đại hội X, vừa thể hiện tập trung cô đọng nhất mục tiêu, nhiệm vụ, động lực của cách mạng nước ta trong nhiều năm tới'.
Bản giải trình đã phân tích một cách thuyết phục cả bốn thành tố đó theo trình tự được ghi trong chủ đề. Để góp phần minh chứng, bài viết này xin bắt đầu từ thành tố thứ tư và kết thúc bằng thành tố thứ nhất, tức là bắt đầu từ mục tiêu chiến lược và kết thúc bằng nhiệm vụ then chốt và quyết định nhất trong các nhiệm vụ cơ bản để đạt tới mục tiêu chiến lược ấy.
Tạo nền tảng để đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại đúng là mục tiêu chiến lược của Đại hội XI. Nói chính xác hơn, mục tiêu này đã được đề ra từ Đại hội IX (năm 2001) với Chiến lược phát triển kinh tế – xã hội 10 năm 2001-2010. Nhưng với chiến lược này, mục tiêu trực tiếp đến năm 2010 là phấn đấu đưa nước ta ra khỏi tình trạng kém phát triển. Nước nghèo và kém phát triển, theo phân định của Liên hợp quốc, có nghĩa tương đương với nước đang phát triển có thu nhập thấp (GDP bình quân đầu người vào năm 2010 khoảng dưới 1.000 USD). Đến nay, trải qua hai kỳ Đại hội IX và X, với việc thực hiện thắng lợi hai kế hoạch 5 năm 2001-2005 và 2006-2010, nhân dân ta đã khép lại thập niên đầu thế kỷ XXI bằng thành công đưa nước ta ra khỏi tình trạng kém phát triển và bước vào nhóm các nước đang phát triển có thu nhập trung bình. Đây là cơ sở vững chắc để Đại hội XI, quyết định lấy mục tiêu phấn đấu đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại làm mục tiêu trực tiếp của mười năm tới. Chiến lược 10 năm 2011-2020 và chủ đề của Đại hội XI đánh dấu một bước tiến mới về chất và là nguồn cổ vũ, động viên toàn Đảng và toàn dân ta xốc tới thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước – nhiệm vụ trung tâm của cả thời kỳ quá độ.
Phát huy sức mạnh toàn dân tộc là một thành tố được nêu trong chủ đề của Đại hội IX và X, nay khẳng định lại không chỉ để nhấn mạnh mà còn nhằm làm sáng tỏ hơn bản chất và nội dung của vấn đề thông qua thực tiễn đổi mới. Như Cương lĩnh của Đảng ta chỉ rõ 'sự nghiệp cách mạng là của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân'. Sự nghiệp đổi mới, xây dựng đất nước tuyệt nhiên không phải là sự nghiệp riêng của một giai cấp, một tầng lớp xã hội nào mà là sự nghiệp chung của toàn dân tộc. Sức mạnh toàn dân tộc là sức mạnh của cả kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại; sức mạnh của các thành phần kinh tế, các lực lượng chính trị, xã hội, các dân tộc, tôn giáo, các tầng lớp nhân dân trong nước và cộng đồng người Việt Nam định cư ở nước ngoài có cùng mục tiêu chung là giữ vững độc lập dân tộc và xây dựng xã hội dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Mười năm qua, trong việc mở rộng khối đại đoàn kết và phát huy sức mạnh toàn dân tộc, chúng ta đã đạt được nhiều thành tích đáng kể song vẫn còn không ít yếu kém và khuyết điểm. Những năm sắp tới, chúng ta cần làm nhiều hơn nữa, tốt hơn nữa và với yêu cầu ngày càng cao hơn.
Đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới từ nhiều năm nay đã được hiểu là đổi mới một cách mạnh mẽ, toàn diện và đồng bộ trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội; từ nhận thức, tư tưởng đến hoạt động thực tiễn; từ hoạt động lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước đến hoạt động trong từng bộ phận của hệ thống chính trị; từ hoạt động của cấp trung ương đến hoạt động của địa phương và cơ sở. Chính nhờ sự đẩy mạnh toàn diện ấy mà công cuộc đổi mới trong 25 năm qua, trực tiếp là 10 năm kể từ Đại hội IX đến nay, đã đạt được những thành tựu to lớn và có ý nghĩa lịch sử. Tuy nhiên cũng cần thấy rõ rằng, trong tư duy cũng như hành động, tính toàn diện và đồng bộ của đổi mới vẫn chưa được thực hiện nhất quán, tư duy trên nhiều mặt còn lạc hậu so với thực tiễn, hành động trên nhiều lĩnh vực, nhiều khâu công việc còn không ăn khớp với nhau. Khẳng định lại yêu cầu tiếp tục đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới chính là để nói lên đòi hỏi bức thiết của việc khắc phục những mặt không nhất quán, không ăn khớp đó, cũng là để khẳng định rằng chỉ có tiến hành một cách toàn diện, đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm thì đổi mới mới đi đến thành công.
Nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng là thành tố đặc biệt quan trọng, gắn liền với nhiệm vụ then chốt xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Cương lĩnh của Đảng ta khẳng định: Sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng là nhân tố hàng đầu quyết định thắng lợi của cách mạng Việt Nam. Và: Để đảm đương được vai trò lãnh đạo, Đảng phải vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức; thường xuyên tự đổi mới, tự chỉnh đốn, ra sức nâng cao trình độ trí tuệ, bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức và năng lực lãnh đạo… Những năm qua, thực hiện Nghị quyết Đại hội X, chúng ta đã đạt được một số kết quả tích cực trong việc củng cố, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên; chú trọng hơn việc xây dựng, củng cố tổ chức cơ sở đảng ở những vùng, lĩnh vực trọng yếu, có nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, không ít tổ chức đảng năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu còn thấp; công tác quản lý đảng viên chưa chặt chẽ, sinh hoạt đảng thiếu nền nếp, nội dung nghèo nàn, tự phê bình và phê bình yếu. Trong những năm tới cơ hội và thách thức đan xen nhau, công cuộc đổi mới đặt ra nhiều vấn đề phải giải quyết. Đó là lý do để việc nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng tiếp tục được đặt ra ở vị trí hàng đầu trong các thành tố của chủ đề Đại hội.
Sẽ không thừa nếu nhắc lại rằng năng lực lãnh đạo của Đảng cần được thể hiện một cách toàn diện, từ năng lực hoạch định đường lối, chủ trương và chính sách đến năng lực tổ chức và chỉ đạo thực hiện, năng lực kiểm tra và giám sát toàn bộ công việc của Đảng… làm cho các chủ trương, chính sách của Đảng luôn phản ánh được yêu cầu phát triển của thực tiễn và quy luật khách quan, thể hiện mối quan hệ mật thiết giữa Đảng với nhân dân. Sức chiến đấu của Đảng cần được thể hiện qua hành động cụ thể từ các tổ chức cho đến đội ngũ cán bộ, đảng viên. Có nghĩa là toàn Đảng, từng cấp ủy, từng tổ chức đảng, từng cán bộ, đảng viên phải nỗ lực phấn đấu thực hiện lý tưởng và nhiệm vụ cách mạng, kiên quyết đấu tranh chống các tư tưởng sai trái và hành động thù địch; có đủ bản lĩnh và dũng khí chiến đấu với những hiện tượng tiêu cực trong Đảng, trong xã hội và trong bản thân mỗi người; khắc phục tình trạng né tránh, đùn đẩy trách nhiệm, tê liệt sức chiến đấu.
CÓ thể kết luận: Chủ đề Đại hội XI là một chỉnh thể, trong đó mỗi thành tố đều có vai trò và tầm quan trọng riêng của nó, và thành tố này có liên quan mật thiết với thành tố khác. Nếu hiểu trong thời kỳ 5, 10 năm tới 'tạo nền tảng để đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại' là mục tiêu chiến lược trực tiếp cần đạt bằng được thì 'tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, phát huy sức mạnh toàn dân tộc, đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới' là ba nội dung quan trọng nhất, cũng là ba động lực, ba nhiệm vụ và giải pháp cơ bản để đạt tới mục tiêu ấy.
Theo Nhandan
Ý kiến ()