Chủ đầu tư gồng mình tìm vốn cho thủy điện nhỏ
LSO-Trong 3 năm 2008-2010 có 5 dự án thủy điện nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn được khởi công xây dựng với mục tiêu đến năm 2012, các công trình này sẽ đi vào vận hành khai thác và đóng góp sản lượng điện thương phẩm khoảng 200 triệu kwh/năm.
Nhưng đến giữa năm 2014, chưa có dự án nào hoàn thành và có tới 3/5 công trình đã ngừng hẳn thi công từ năm 2011. Hệ quả là hàng trăm tỷ đồng tiền vốn của các doanh nghiệp đầu tư vào các công trình thủy điện đang nằm im dưới các dòng sông địa bàn tỉnh Lạng Sơn đã không phát huy hiệu quả. Nguyên nhân của tình trạng hàng loạt các công trình thủy điện dở dang là do các doanh nghiệp đã không thể thu xếp nguồn vốn để tiếp tục thi công dự án.
Công trình thủy điện Bắc Giang I ngừng thi công hơn 2 năm nay |
Báo cáo về tình hình thực hiện 5 dự án thủy điện trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn cho thấy tính đến tháng 4/2014, 5 dự án thủy điện bao gồm: thủy điện Thác Xăng, Bắc Giang I, Bản Nhùng, Khánh Khê, Bắc Khê I có tổng mức đầu tư khoảng hơn 1.700 tỷ đồng, chủ đầu tư các dự án đã thực hiện đạt giá trị khối lượng khoảng hơn 900 tỷ đồng, thực tế đã giải ngân đạt khoảng trên 700 tỷ đồng. Cụ thể: thủy điện Thác Xăng giải ngân được 450 tỷ đồng, Bắc Giang 1 giải ngân 184 tỷ đồng, Bản Nhùng 80 tỷ đồng, Bắc Khê 1 giải ngân được 55 tỷ đồng và thủy điện Khánh Khê giải ngân được 22 tỷ đồng. Nhưng có 3 dự án thủy điện đã ngừng thi công từ năm 2011 đến nay là thủy điện Khánh Khê, Bắc Giang I, Bản Nhùng với giá trị khối lượng thực hiện khoảng 432 tỷ đồng và kinh phí đã giải ngân vào 3 dự án này là gần 300 tỷ đồng.
Gần 300 tỷ đồng chôn dưới các dòng sông tỉnh Lạng Sơn đã làm cho các chủ đầu tư như ngồi trên đống lửa. Ông Nguyễn Văn Thảo, Giám đốc Công ty Cổ phần năng lượng SOMECO I – chủ đầu tư dự án thủy điện Bắc Giang I cho biết: doanh nghiệp đang tiếp tục huy động vốn từ các cổ đông cũng như đàm phán về vốn với ngân hàng thương mại để dự án tiếp tục được triển khai nhưng đã hơn 3 năm nay, việc tìm nguồn vốn cho công trình vẫn tiếp tục bế tắc. Tại cuộc làm việc giữa UBND tỉnh Lạng Sơn, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Chi nhánh Lạng Sơn, các ngân hàng thương mại tỉnh Lạng Sơn với các chủ đầu tư dự án thủy điện diễn ra vào cuối tháng 4/2014. ông Thảo kiến nghị với các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh cho phép chủ đầu tư được điều chỉnh hợp đồng tín dụng đối ứng theo tỷ lệ thấp hơn 30-70 như trước đây để dự án tiếp tục được triển khai. Theo quan điểm của lãnh đạo các cơ quan quản lý nhà nước về lĩnh vực ngân hàng trên địa bàn tỉnh, tại thời điểm hiện nay, kiến nghị của công ty sẽ khó được chấp nhận, bởi tất cả các khoản tín dụng đầu tư cho thủy điện nhỏ đều phải được phép của ngân hàng cấp trên và phải có ý kiến từ Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
Để tìm vốn cho dự án thủy điện, Công ty Cổ phần thủy điện Thác Xăng – chủ đầu tư dự án thủy điện Khánh Khê lại có hướng tìm nhà đầu tư ngoại nhưng đã vấp phải những cơ chế ràng buộc nằm ngoài khả năng quyết định của doanh nghiệp. Ông Chu Phượng Chí, Giám đốc Công ty Cổ phần thủy điện Thác Xăng cho biết: trong quá trình dừng thi công để kêu gọi vốn cho dự án, công ty đã tìm được một nhà đầu tư nước ngoài có ý định rót vốn cho dự án nhưng phía đối tác nước ngoài yêu cầu phải có sự bảo lãnh của chính quyền nhà nước cấp Chính phủ hoặc UBND cấp tỉnh mới tài trợ tín dụng cho dự án. Trong bối cảnh hiện nay, đề nghị này sẽ nằm ngoài khả năng đối với một dự án thủy điện nhỏ với công suất lắp máy 7MW và tổng mức đầu tư hơn 200 tỷ đồng như dự án thủy điện Khánh Khê. Vì thế, trước mắt, nếu chủ đầu tư không tự huy động vốn từ các cổ đông trong nước hay đối tác nước ngoài thì giải pháp cuối cùng về vốn cho dự án thủy điện Khánh Khê tiếp tục phải trông chờ vào sự hỗ trợ về tài chính từ các ngân hàng thương mại trong nước.
Trước thực tế các dự án thủy điện gặp nhiều khó khăn về vốn và số vốn đọng lại tại các dự án thủy điện là rất lớn, ông Nguyễn Văn Bình – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn khẳng định: tỉnh Lạng Sơn luôn tạo cơ chế thuận lợi cho các nhà đầu tư triển khai các dự án thủy điện tại các khu vực vùng sâu đặc biệt khó khăn. Tuy nhiên để tháo gỡ khó khăn về vốn cho dự án thủy điện, các ngân hàng thương mại trên địa bàn cũng cần tạo điều kiện hết mức cho các chủ đầu tư tiếp cận với nguồn tín dụng ưu đãi. Bên cạnh đó, tỉnh cũng sẽ có ý kiến kiến nghị với Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có cơ chế ưu tiên cho các dự án thủy điện đang được xây dựng dở dang ở khu vực vùng sâu, khó khăn tỉnh Lạng Sơn được tiếp cận các nguồn tín dụng ưu đãi để hoàn thiện dự án góp phần thúc đẩy kinh tế – xã hội khu vực đặc biệt khó khăn của tỉnh phát triển. Ngoài ra, tỉnh cũng đã và đang chỉ đạo quyết liệt các sở ngành, UBND các huyện tập trung tháo gỡ những vướng mắc về giải phóng mặt bằng cho các dự án thủy điện.
CÔNG QUÂN
Ý kiến ()