Chống thất thu thuế trong bối cảnh “giảm tốc” thu ngân sách
Theo Bộ Tài chính, tháng 1 vừa qua, số thu ngân sách nhà nước (NSNN) ước đạt 183,7 nghìn tỷ đồng, bằng 11,3% dự toán, giảm 0,5% so với cùng kỳ năm 2022.
Trụ sở Tổng cục Thuế tại Hà Nội. (Ảnh: GDT) |
Thu từ hoạt động xuất nhập khẩu ước đạt 28 nghìn tỷ đồng, bằng 6,6% dự toán, bằng 65% so với cùng kỳ năm 2022. Tín hiệu “giảm tốc” số thu ngân sách đã được dự báo từ cuối năm 2022. Thực tế này đặt ra tình thế phải có giải pháp thật sự mạnh mẽ trong công tác thu NSNN ngay từ đầu năm 2023.
Ngành thuế đã tập trung chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện nhiệm vụ quản lý thu ngân sách theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính, triển khai các giải pháp phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ thu NSNN năm 2023 của cả nước cũng như từng địa phương trong bối cảnh nguồn thu nội địa còn nhiều biến động.
Đối mặt sức ép lớn
Trong mấy năm gần đây, tình trạng dòng tiền tạm thời nhàn rỗi trong giai đoạn nền kinh tế ngưng trệ do dịch Covid-19 đã tìm đến kênh đầu tư bất động sản, chứng khoán, ngân hàng,…
Tín hiệu “giảm tốc” số thu ngân sách đã được dự báo từ cuối năm 2022. Thực tế này đặt ra tình thế phải có giải pháp thật sự mạnh mẽ trong công tác thu NSNN ngay từ đầu năm 2023.
Sự dịch chuyển dòng tiền này tuy mang lại nguồn thu ngay cho NSNN giai đoạn cuối năm 2021, đầu năm 2022 nhưng cũng là một trong những “nút thắt” của nền kinh tế hiện tại, khi mà gói chính sách tiền tệ và các giải pháp lành mạnh hóa thị trường của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam dự báo sẽ hướng dòng tiền vào các kênh đầu tư thực chất, tạo ra giá trị tăng thêm cho xã hội, nhưng sự chuyển hướng này cần nhiều thời gian hơn để quay vòng tạo ra lợi nhuận và nguồn thu cho NSNN.
Tổng cục Thuế cũng cho biết, các chính sách miễn, giảm thuế ban hành trong năm 2022 vẫn còn ảnh hưởng đến nguồn thu năm 2023 (như giảm thuế bảo vệ môi trường, thuế suất thuế giá trị gia tăng), hiện Chính phủ đang tiếp tục nghiên cứu trình Quốc hội một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, tạo môi trường tốt cho doanh nghiệp phát triển.
Trước mắt, có thể sẽ làm giảm thu nội địa năm 2023 so dự toán đã tính toán, tạo áp lực trong triển khai thực hiện nhiệm vụ thu ngân sách đối với ngành Thuế. Theo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, đến nay đã có 80 nước trên thế giới lạm phát từ 2 con số trở lên, nhiều nền kinh tế lớn đồng loạt thực hiện chính sách thắt chặt tiền tệ,… khiến nguy cơ suy thoái kinh tế có thể diễn ra nhanh hơn.
Là nền kinh tế có độ mở cao, những diễn biến nhanh, phức tạp, khó lường của kinh tế thế giới đang gây sức ép lớn tới kinh tế nước ta trong năm 2023. Trước khó khăn kép nền kinh tế đang phải đối phó từ sức ép bên ngoài do bối cảnh thế giới và nội tại nền kinh tế do tác động của dịch bệnh 2 năm qua ở một số ngành, lĩnh vực, ngành thuế xác định thu ngân sách năm 2023 và những năm tiếp theo sẽ tiếp tục đối diện với những áp lực lớn.
Chính vì thế, ngay từ đầu năm, toàn ngành thuế nói riêng và ngành tài chính nói chung đã chuẩn bị sẵn sàng các kịch bản ứng phó trong triển khai thực hiện nhiệm vụ thu cho cả năm 2023 và giai đoạn 2023-2025 để hoàn thành mục tiêu thu ngân sách theo Nghị quyết của Quốc hội. Tổng cục Thuế đã chỉ đạo cơ quan thuế các cấp tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp quản lý thu, thu hồi nợ thuế, chống thất thu, phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ thu NSNN.
Bên cạnh đó, tiếp tục nuôi dưỡng nguồn thu, đề xuất các giải pháp, chính sách về gia hạn, miễn giảm thuế, tiền thuê đất thuộc chương trình phục hồi và phát triển kinh tế; đồng thời triển khai hiệu quả các giải pháp hỗ trợ, giúp người dân, doanh nghiệp nhanh chóng phục hồi sản xuất, kinh doanh, tạo đà phát triển kinh tế.
Kết nối, xác thực dữ liệu thuế
Trong việc tiếp tục chương trình xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách pháp luật về quản lý thuế và chính sách thuế, Tổng cục Thuế chú trọng nhất việc mở rộng cơ sở thuế để bảo đảm tính minh bạch, công bằng, tạo môi trường kinh doanh lành mạnh. Việc duy trì và mở rộng các dịch vụ thuế điện tử, thực hiện điện tử hóa, số hóa các khâu trong công tác quản lý thuế, triển khai hiệu quả hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền; xây dựng cơ sở dữ liệu, công cụ phân tích, chống gian lận trong quản lý, sử dụng hóa đơn điện tử,… được triển khai mạnh mẽ.
Theo Phó Vụ trưởng Thanh toán (Ngân hàng Nhà nước Việt Nam) Lê Anh Dũng, về mặt chủ trương, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ủng hộ chiến lược ngành thuế hướng tới là sử dụng công nghệ, số hóa nền tài chính. Ngân hàng đã phối hợp tích cực với Bộ Tài chính chỉ đạo, đôn đốc tham gia cung cấp tài khoản của người nộp thuế, xây dựng cơ sở dữ liệu người nộp thuế có tài khoản ngân hàng,…
Việc duy trì và mở rộng các dịch vụ thuế điện tử, thực hiện điện tử hóa, số hóa các khâu trong công tác quản lý thuế, triển khai hiệu quả hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền; xây dựng cơ sở dữ liệu, công cụ phân tích, chống gian lận trong quản lý, sử dụng hóa đơn điện tử,… được triển khai mạnh mẽ
Việc triển khai các giải pháp hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền đối với một số hoạt động kinh doanh là vấn đề tương đối mới, phức tạp trong tiến trình số hóa công tác quản lý thuế với hoạt động thương mại điện tử. Hóa đơn là khâu cuối giữa doanh nghiệp và người tiêu dùng, nếu quản lý tốt sẽ góp phần giải quyết nhiều vấn đề chống hàng giả, hàng nhái, gian lận thương mại.
Cục trưởng Thuế thành phố Hà Nội Mai Sơn cho biết, Cục Thuế Hà Nội là một trong 6 đơn vị hoàn thành sớm việc triển khai hóa đơn điện tử được Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế giao. Cục Thuế đang triển khai sơ đồ hóa các hộ kinh doanh trên địa bàn, tới đây sẽ đưa lên mạng công nghệ thông tin với mục tiêu có thể tra cứu được, giúp minh bạch trong quản lý thuế và người dân, cơ quan quản lý có thể giám sát được.
Theo đánh giá của Thứ trưởng Công an Nguyễn Duy Ngọc, việc kết nối, xác thực dữ liệu thuế là nhiệm vụ cấp thiết, không thể bàn lùi mà chỉ bàn cách thực hiện cho hiệu quả.
Thời gian qua, Bộ Công an đã phối hợp Bộ Tài chính xác định các nhiệm vụ, phân công lộ trình thực hiện trong đó có việc kết nối, xác thực dữ liệu thuế để phục vụ tốt hơn cho sự phát triển kinh tế-xã hội. Tuy Luật Quản lý thuế đã có quy định, song việc triển khai các giải pháp hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền đối với một số hoạt động kinh doanh hiện nay mới chỉ dừng lại ở động viên, khuyến khích chứ chưa bắt buộc.
Do vậy, để triển khai hiệu quả hơn trong thời gian tới, cần bảo đảm tính pháp lý về vấn đề này trong các văn bản. Về công cụ cho cơ quan nhà nước thực hiện, cần ban hành tiêu chuẩn lưu hành của các máy tính tiền bảo đảm tính khả thi và bảo mật… Cơ quan thuế cần mỗi người dân có một mã số thuế đúng, kịp thời, quản lý và sẵn sàng kết nối, chia sẻ được.
Trước mắt, Bộ Công an đề xuất chia làm 3 nhóm dữ liệu, nhóm dữ liệu hằng ngày phát sinh sẽ đưa vào kết nối luôn; nhóm dữ liệu đã yên tâm, sạch, có thể đưa vào kho dữ liệu chung và nhóm cần xác minh lại dữ liệu, cần đưa ra lộ trình để xác thực. Các đơn vị chức năng cần đẩy mạnh tuyên truyền quy định về Luật Quản lý thuế, nhấn mạnh quy định đã bán hàng phải xuất hóa đơn, đã lắp máy tính tiền phải kết nối, nếu không sẽ bị xử phạt.
Nếu làm được điều này, ngành thuế sẽ có một kho dữ liệu lớn về thuế, xây dựng được giải pháp quản lý để chống thất thu thuế tối đa. Bộ Công an sẽ phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế xây dựng lộ trình tuyên truyền tập trung và tăng cường đấu tranh, phòng ngừa, xử lý vi phạm trong quản lý thuế trong phạm vi được phân công.
https://nhandan.vn/chong-that-thu-thue-trong-boi-canh-giam-toc-thu-ngan-sach-post739815.html
Ý kiến ()