Chống thất thu thuế bằng phương thức điện tử hóa
Mới đây, Liên bộ Công an-Tài chính đã tổ chức hội nghị triển khai giải pháp hóa đơn điện tử (HÐÐT) khởi tạo từ máy tính tiền đối với hoạt động kinh doanh cung cấp hàng hóa, dịch vụ trực tiếp đến người tiêu dùng. Ðây được coi là giải pháp chủ chốt nhằm chống thất thu thuế trong giai đoạn chuyển đổi số của ngành tài chính nói chung và ngành thuế nói riêng.
Cán bộ Phòng Thanh tra-Kiểm tra, Cục Thuế tỉnh Quảng Bình rà soát, thu thập thông tin các đối tượng kinh doanh thương mại điện tử. (Ảnh Lan Chi) |
Từ khi thực hiện Luật Quản lý thuế (năm 2019) đến nay, HÐÐT đã được triển khai trên cả nước đối với các doanh nghiệp và hộ kinh doanh. Tuy nhiên, các hình thức HÐÐT thông thường chưa thỏa mãn một số hoạt động đặc thù, giá trị từng hóa đơn không nhiều nhưng lượng hóa đơn rất lớn như tại siêu thị, nơi bán lẻ hàng tiêu dùng,… Chính vì vậy, để đáp ứng tốt việc sử dụng HÐÐT của những ngành nghề đặc thù, ngành thuế đã xây dựng và chính thức vận hành hệ thống HÐÐT khởi tạo từ máy tính tiền từ cuối năm 2022.
Kết quả triển khai còn thấp
Ðể triển khai HÐÐT từ máy tính tiền trên toàn quốc, Tổng cục Thuế đã ban hành Quy trình quản lý HÐÐT khởi tạo từ máy tính tiền, xây dựng và chính thức vận hành hệ thống từ ngày 15/12/2022. Tổng cục đã chỉ đạo Cục Thuế các địa phương triển khai giai đoạn 1 (đến hết tháng 3/2023) đối với một số nhóm đối tượng như ngành hàng ăn uống, siêu thị, bán lẻ thuốc tân dược, dịch vụ vui chơi giải trí, du lịch,… Cục Thuế các địa phương đã rà soát, lập danh sách doanh nghiệp, hộ kinh doanh để triển khai ngay trong giai đoạn 1, đồng thời tuyên truyền lợi ích của việc áp dụng HÐÐT từ máy tính tiền đến người dân, doanh nghiệp qua nhiều kênh thông tin.
Với phương thức này, người bán có thể xuất HÐÐT ngay cho khách hàng kể cả ngoài giờ, đêm khuya do hóa đơn in từ máy tính tiền có kết nối chuyển dữ liệu với cơ quan thuế; chủ động hơn trong điều chỉnh sai sót hoặc giúp cho người xuất hóa đơn thiết lập nhiều máy tính tiền tại một địa điểm bán hàng một cách nhanh chóng, thuận lợi, phục vụ tốt hơn cho yêu cầu của khách hàng cần hóa đơn để tham gia dự thưởng.
Theo Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Ðặng Ngọc Minh, việc triển khai HÐÐT khởi tạo từ máy tính tiền trong hơn một tháng qua, đã có 62/63 Cục Thuế xây dựng kế hoạch triển khai giai đoạn 1 (đến hết tháng 3/2023), với tổng số người nộp thuế sẽ triển khai HÐÐT khởi tạo từ máy tính tiền là 3.943 cơ sở kinh doanh, trong đó có 1.850 doanh nghiệp và 2.093 hộ kinh doanh. Trong số 62 Cục Thuế đã đăng ký triển khai giai đoạn 1, đã có 25 Cục Thuế chính thức phát sinh tiếp nhận đăng ký sử dụng HÐÐT từ máy tính tiền.
Trong số 3.943 cơ sở kinh doanh đã đưa vào kế hoạch triển khai giai đoạn 1, có 805 cơ sở kinh doanh chính thức đăng ký và được chấp nhận đăng ký sử dụng HÐÐT từ máy tính tiền trên hệ thống của cơ quan thuế. Các cơ sở kinh doanh này đang sử dụng gần 85,4 triệu HÐÐT, trong đó có 544 HÐÐT từ máy tính tiền đã được gửi đến hệ thống; 805 cơ sở kinh doanh đã đăng ký sử dụng HÐÐT từ máy tính tiền nhưng vẫn đồng thời sử dụng các hình thức HÐÐT khác nên việc xuất HÐÐT từ máy tính tiền chưa nhiều.
Ðánh giá sơ bộ kết quả triển khai trong hơn một tháng qua, lãnh đạo Tổng cục Thuế cho biết, vẫn còn một địa phương chưa quyết liệt triển khai, phải phê bình, nhắc nhở, hơn nữa, số lượng cơ sở kinh doanh đăng ký thành công trên hệ thống so với tổng số cơ sở đã đăng ký theo kế hoạch của giai đoạn 1 mới chỉ đạt khoảng 20%, như vậy là thấp và khả năng đạt được 100% trong hai tháng tiếp theo là khó khăn.
Ngay trong tuần sau (dự kiến ngày 7/2), Tổng cục Thuế sẽ tổ chức hội nghị trực tuyến toàn ngành để đôn đốc, quán triệt và hỗ trợ kịp thời những Cục thuế còn gặp khó khăn, vướng mắc trong việc triển khai. “Mặc dù đã có 805 cơ sở kinh doanh được chấp nhận sử dụng HÐÐT từ máy tính tiền nhưng vẫn đồng thời sử dụng hình thức khác, chưa sử dụng HÐÐT từ máy tính tiền nên trên hệ thống mới chỉ ghi nhận 544 HÐÐT từ máy tính tiền được gửi về hệ thống.
Số liệu này là quá thấp so với yêu cầu cần chuyển đổi hình thức HÐÐT thông thường sang hình thức HÐÐT từ máy tính tiền”, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Ðặng Ngọc Minh cho biết. Nguyên nhân cơ sở kinh doanh chưa sử dụng toàn bộ HÐÐT từ máy tính tiền do quy định hiện hành vẫn cho phép cơ sở kinh doanh đồng thời được sử dụng nhiều hình thức HÐÐT. Mặt khác, các cơ sở kinh doanh cũng cần có thời gian nâng cấp, chuyển đổi phần mềm ứng dụng của các máy tính tiền tại từng điểm bán hàng để đồng nhất việc xuất HÐÐT từ máy tính tiền trên toàn hệ thống, nhất là mô hình chuỗi, siêu thị.
Mở rộng nhận diện phương thức quản lý mới
Theo Luật Quản lý thuế, HÐÐT là hóa đơn có mã hoặc không có mã của cơ quan thuế được thể hiện ở dạng dữ liệu điện tử do tổ chức, cá nhân bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ lập, ghi nhận thông tin bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ theo quy định của pháp luật về kế toán, pháp luật về thuế bằng phương tiện điện tử, bao gồm trường hợp HÐÐT khởi tạo từ máy tính tiền có kết nối chuyển dữ liệu điện tử với cơ quan thuế.
Khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ, người bán phải lập HÐÐT để giao cho người mua theo định dạng chuẩn dữ liệu và phải ghi đầy đủ nội dung theo quy định, không phân biệt giá trị từng lần bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ. Trường hợp người bán có sử dụng máy tính tiền, người bán đăng ký sử dụng HÐÐT được khởi tạo từ máy tính tiền có kết nối chuyển dữ liệu điện tử với cơ quan thuế.
Doanh nghiệp, hộ cá nhân kinh doanh nộp thuế theo phương pháp kê khai có hoạt động cung cấp hàng hóa, dịch vụ trực tiếp đến người tiêu dùng theo mô hình kinh doanh (trung tâm thương mại, siêu thị, bán lẻ hàng tiêu dùng, ăn uống, bán lẻ thuốc tân dược, dịch vụ vui chơi, giải trí và các dịch vụ khác) được lựa chọn sử dụng HÐÐT khởi tạo từ máy tính tiền có kết nối chuyển dữ liệu điện tử với cơ quan thuế hoặc HÐÐT có mã, không có mã.
Bộ trưởng Tài chính Hồ Ðức Phớc khẳng định, để quyết liệt chống thất thu thuế từ hoạt động quản lý hóa đơn, mặc dù hiện không có quy định bắt buộc phải áp dụng HÐÐT từ máy tính tiền nhưng đã có quy định bắt buộc người bán phải xuất hóa đơn cho người mua khi cung cấp hàng hóa, dịch vụ không phân biệt giá trị từng lần.
Người mua hàng có quyền được nhận hóa đơn để minh bạch trong giao dịch mua bán, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, ngoài ra còn được quyền tham gia dự thưởng chương trình hóa đơn may mắn do ngành thuế triển khai rất hiệu quả trong hơn một năm qua.
Từ đó, Tổng cục Thuế cần tiếp tục chỉ đạo các cơ quan thuế quyết liệt rà soát, xử lý vi phạm đối với các cơ sở kinh doanh không xuất hóa đơn kịp thời cho người mua khi cung cấp hàng hóa, dịch vụ; tuyên truyền đến người dân về quyền lợi của việc yêu cầu lấy hóa đơn khi mua hàng hóa, dịch vụ…
Ðại diện Tổng cục Thuế cũng cho hay, sẽ thay đổi quy định về chương trình “Hóa đơn may mắn” như bổ sung số lượng giải thưởng để có tính lan tỏa rộng khắp tới người tiêu dùng; chỉ áp dụng “Hóa đơn may mắn” đối với hóa đơn từ máy tính tiền (thời gian qua, cơ quan thuế đã áp dụng “Hóa đơn may mắn” đối với loại hóa đơn có mã).
Ðể triển khai có hiệu quả chương trình “Hóa đơn may mắn”, về lâu dài, phải củng cố các quy định pháp lý về nội dung chi và nguồn kinh phí trả thưởng, nhằm mục tiêu bố trí kinh phí phù hợp cho các Cục Thuế và xây dựng khung thống nhất về mức giải thưởng. Bên cạnh đó, thực tế chưa có sự phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan thuế với các cơ quan, ban, ngành tại địa phương trong việc tuyên truyền, hỗ trợ cơ sở kinh doanh trong lĩnh vực cung cấp dịch vụ trực tiếp đến người tiêu dùng chuyển đổi sang áp dụng HÐÐT khởi tạo từ máy tính tiền.
Do vậy, để tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp, hộ kinh doanh, tăng cường các biện pháp quản lý doanh thu trong lĩnh vực bán lẻ trực tiếp đến người tiêu dùng, cần có sự bắt tay vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương, nhằm tạo sự đồng thuận triển khai. Việc áp dụng HÐÐT khởi tạo từ máy tính tiền sẽ tạo thói quen tiêu dùng văn minh và góp phần bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Ý kiến ()