Chống thất thu ngân sách
LSO-Hiện nay, toàn tỉnh có 73 doanh nghiệp khai thác, kinh doanh đất, đá, khoáng sản. Tuy nhiên, đa số đều đang nợ tiền thuế nhà nước, có doanh nghiệp nợ đến vài tỷ đồng. Để giải quyết tình trạng này, tỉnh đã chỉ đạo các ngành liên quan quyết liệt vào cuộc để rà soát, cơ cấu lại các mỏ, thu hồi tiền thuế nợ đọng.
Khai thác đá tại mỏ đá của Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Đạt Anh, xã Yên Vượng, huyện Hữu Lũng |
Trong năm 2016, các doanh nghiệp khai thác đất, đá khoáng sản trên địa bàn tỉnh nợ các khoản tiền thuế lên đến hàng trăm tỷ đồng. Cục Thuế tỉnh đã áp dụng nhiều biện pháp như: gọi điện, gửi thông báo đôn đốc nợ; phối hợp với các ngân hàng thương mại, cơ quan tài nguyên – môi trường, hải quan để thu hồi nợ nhưng hiệu quả vẫn chưa cao. Theo thống kê của ngành thuế, đến nay, các doanh nghiệp khai thác mỏ đang nợ 108,3 tỷ đồng tiền cấp quyền khai thác khoáng sản, nợ các khoản thuế khác như: thuế tài nguyên, giá trị giá tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp… hơn 33 tỷ đồng.
Theo đánh giá của Sở Tài nguyên và Môi trường, một trong những nguyên nhân chính dẫn đến việc nợ đọng tiền cấp quyền khai thác khoáng sản là do nhiều doanh nghiệp chưa nhận thức đầy đủ về Luật Khoáng sản quy định về việc thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản. Do đó đã xin cấp phép với trữ lượng, công suất khai thác lớn, chênh lệch nhiều so với thực tế dẫn đến không đủ khả năng đóng nộp số tiền cấp phép theo trữ lượng đăng ký. Vì vậy, nhiều doanh nghiệp đã kiến nghị UBND tỉnh xem xét cho phép điều chỉnh lại giấy phép khai thác khoáng sản, cắt giảm trữ lượng khai thác để được tính giảm số tiền cấp quyền khai thác theo giấy phép điều chỉnh. Thậm chí một số đơn vị không đủ khả năng nộp tiền đã trả lại 6 giấy phép khai thác. Trong đó có 1 mỏ tại thành phố Lạng Sơn và 5 mỏ trên địa bàn huyện Hữu Lũng.
Ông Nguyễn Đình Duyệt, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết: Hiện tại, tỉnh có 59 giấy phép khai thác khoảng sản còn hiệu lực. Trong đó, có 6 giấy phép do Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp, còn lại do UBND tỉnh cấp. Hiện đã có 14 doanh nghiệp xin điều chỉnh giấy phép khai thác theo hướng giảm diện tích, quy mô, trữ lượng mỏ. Cùng với đó, nhiều doanh nghiệp hiện tại không đánh giá chính xác được trữ lượng, công suất khai thác nên chưa thực hiện đủ nghĩa vụ đóng, nộp ngân sách. Do vậy, để có thể thu đúng, thu đủ các khoản tiền ngân sách nhà nước từ hoạt động khai thác mỏ, cần rà soát đánh giá lại tất cả các mỏ trên địa bàn để quản lý chặt chẽ.
Trước thực trạng trên, tại chương trình làm việc với các doanh nghiệp kinh doanh, khai thác đất, đá, khoáng sản trên địa bàn ngày 20/2/2017, UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành và các huyện liên quan cần rà soát, đánh giá lại các mỏ đang khai thác. Hết quý I/2017 phải có báo cáo tình hình thực tế về quy mô, số lượng, diện tích mỏ, trên cơ sở đó sẽ tổ chức cơ cấu lại các mỏ. Đồng thời, Sở Tài nguyên và Môi trường phải lập danh sách liệt kê rõ các loại mỏ như: đất, đá, bauxit… để có biện pháp quản lý phù hợp đối với từng mỏ.
Đồng chí Nguyễn Công Trưởng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo: Ngay sau khi đã cơ cấu lại mỏ, Cục Thuế cần nhanh chóng rà soát lại tất cả các khoản nợ thuế đối với lĩnh vực kinh doanh, khai thác khoáng sản trên địa bàn các huyện, thành phố. Đồng thời, cần làm rõ với doanh nghiệp về cách thức tính cũng như mức thu đối với các khoản thuế liên quan, nhất là thuế tài nguyên để doanh nghiệp hiểu rõ. Trên cơ sở đó, yêu cầu các doanh nghiệp nghiêm túc đóng, nộp các khoản thuế còn nợ đọng, hết quý II/2017 phải nộp được 50% số tiền nợ. Đến hết năm 2017, những doanh nghiệp chưa hoàn thành nghĩa vụ thuế, sẽ lập danh sách để tỉnh xem xét, xử lý nghiêm, có thể thu hồi giấy phép hoạt động.
ANH DŨNG
Ý kiến ()