Chống thất thu hiệu quả từ công tác mã, giá
Đẩy mạnh công tác quản lý thu, khai thác nguồn thu, chống thất thu qua công tác tham vấn giá, xác định trị giá, xác định mã số tính thuế; kiểm tra sau thông quan… đã phát huy hiệu quả công tác thu nộp NSNN của ngành Hải quan trong tình hình chịu ảnh hưởng do dịch bệnh COVID-19.
Để hoàn thành nhiệm vụ thu NSNN được Quốc hội và Chính phủ giao trong năm 2020, ngành Hải quan xác định, ngoài việc tạo điều kiện tối đa cho hoạt động của DN thì việc xác định lại mã số, trị giá hàng hoá, C/O là một trong những giải pháp quan trọng trong công tác chống thất thu NSNN.
Ngay từ những ngày đầu năm, Tổng cục Hải quan đã đẩy mạnh công tác chống thất thu qua xác định lại mã số, trị giá hàng hóa, C/O. Trong đó, Tổng cục Hải quan đã chỉ đạo tăng cường kiểm tra trị giá hải quan đối với hàng hóa.
Chỉ trong hơn 4 tháng đầu năm, toàn Ngành đã tăng thu qua tham vấn đạt khoảng 176 tỷ đồng. Trong đó, tập trung vào các mặt hàng rượu, xe đạp, máy cày, máy xới, dụng cụ cầm tay, xăm, lốp.
Song song với công tác tham vấn giá, Tổng cục Hải quan cũng cho xây dựng Danh mục hàng hóa XNK Việt Nam ban hành kèm theo Thông tư 65/2017/TT-BTC ngày 27/6/2017 tuân thủ theo Danh mục HS, Danh mục AHTN 2, xây dựng Danh mục hàng hóa XNK rủi ro về phân loại hàng hóa và áp dụng mức thuế. Trong đó, tập trung sửa đổi, cập nhật, quy định cụ thể tiêu chí phân loại cho những hàng hóa dễ lẫn, khó phân loại để tránh gian lận trong khai báo, xác định mã số hàng hóa XNK; tập trung kiểm soát việc sử dụng C/O để áp dụng mức thuế suất tại các Biểu thuế NK ưu đãi đặc biệt để ngăn ngừa việc khai báo cho các mặt hàng không được hưởng ưu đãi nhưng vẫn áp dụng C/O để được hưởng mức thuế suất ưu đãi thấp.
Tổng cục Hải quan cũng xây dựng cơ sở dữ liệu quản lý tập trung để tra cứu, thống nhất trong thực hiện phân loại. Thường xuyên rà soát mã số, mức thuế do DN khai báo trên cơ sở dữ liệu quản lý tập trung để phát hiện các trường hợp gian lận trong khai báo về mã số và mức thuế, ấn định và thu đủ thuế theo quy định.
Quyết liệt chống thất thu
Đại dịch COVID-19 đang đặt ra nhiều khó khăn và thách thức đối với ngành Hải quan trong công tác thu NSNN.
Do đó, Tổng cục Hải quan yêu cầu các cục hải quan tỉnh thành phố, tiếp tục cải cách, đơn giản hoá thủ tục hành chính trong lĩnh vực hải quan, đẩy mạnh hiện đại hoá hải quan, ứng dụng CNTT vào các lĩnh vực: quản lý, giám sát quản lý hàng hoá XNK, thu thuế XNK, cải cách thủ tục hành chính… tạo điều kiện thuận lợi cho DN. Tăng cường công tác kiểm tra sau thông quan, thanh tra chuyên ngành, trong đó tập trung vào các mặt hàng có trị giá lớn, thuế suất cao, hàng hoá NK của các DN từ các thị trường có nghi vấn; hàng hoá khai giảm giá, mức giá khai báo thấp hơn cơ sở dữ liệu, hàng hoá khai báo thuế suất ưu đãi đặc biệt, khai thuộc đối tượng miễn thuế, hoàn thuế; hàng hoá khai sai loại hình sau đó đề nghị thanh khoản hoàn thuế…
Để quyết liệt hơn các giải pháp chống thất thu, ngày 19/4, Tổng cục Hải quan đã phê duyệt đề án thí điểm tham vấn một lần, sử dụng kết quả tham vấn nhiều lần. Đề án này nhằm tạo thuận lợi thương mại trong kiểm tra, tham vấn, xác định trị giá hải quan đối với các DN chấp hành tốt pháp luật, có ý thức hợp tác, gắn bó với cơ quan Hải quan; nâng cao trách nhiệm của CBCC hải quan trong công tác kiểm tra, tham vấn, xác định trị giá hải quan; khuyến khích tính tuân thủ của DN trong khai báo trị giá hải quan và hợp tác với cơ quan Hải quan.
Toàn ngành Hải quan đã thực hiện kiểm tra sau thông quan 366 cuộc, trong đó có 131 cuộc tại trụ sở người khai hải quan, 235 cuộc tại trụ sở cơ quan Hải quan (tính đến ngày 15/4). Qua đó, ấn định thuế và xử phạt vi phạm hành chính 610,6 tỷ đồng, đã thực thu vào NSNN 579,5 tỷ đồng. Cơ quan Hải quan cũng đã tiến hành 31 cuộc thanh tra, kiểm tra, trong đó thanh tra chuyên ngành 18 cuộc; kiểm tra nội bộ 13 cuộc. Tổng số tiền kiến nghị truy thu thuế và xử phạt là hơn 53 tỷ đồng, đã thu nộp NSNN hơn 68,5 tỷ đồng (bao gồm số thu lũy kế năm 2019). |
Ý kiến ()