Chống sự khép kín trong quá trình thực hiện Luật Quản lý thuế
Nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của Kiểm toán nhà nước và Thanh tra nhà nước trong quản lý thuế được nhiều đại biểu Quốc hội đóng góp ý kiến ở phiên thảo luận dự án Luật Quản lý thuế (sửa đổi).
Nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của Kiểm toán nhà nước và Thanh tra nhà nước trong quản lý thuế, là điều khiến đại biểu Quốc hội băn khoăn, đóng góp ý kiến nhiều nhất trong phiên thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Quản lý thuế (sửa đổi), sáng 24/5.
Kiểm toán chịu trách nhiệm đến cùng về kết luận của mình
Theo quy định của dự thảo Luật, trường hợp cơ quan Kiểm toán nhà nước không trực tiếp kiểm toán đối với người nộp thuế, mà thực hiện kiểm toán tại cơ quan quản lý thuế, có nội dung liên quan đến nghĩa vụ nộp thuế của người nộp thuế thì cơ quan Kiểm toán nhà nước phải gửi bản trích sao có kiến nghị liên quan đến nghĩa vụ thuế cho người nộp thuế để biết và thực hiện.
Trong quá trình thực hiện kiến nghị của cơ quan Kiểm toán nhà nước, nếu phát sinh trường hợp người nộp thuế không đồng ý với nghĩa vụ thuế phải nộp theo kiến nghị của cơ quan Kiểm toán nhà nước, người nộp thuế có văn bản đề nghị cơ quan quản lý thuế xem xét lại nghĩa vụ thuế phải nộp.
Căn cứ đề nghị của người nộp thuế, cơ quan quản lý thuế thực hiện việc xác định chính xác nghĩa vụ thuế người nộp thuế phải nộp và chịu trách nhiệm theo quy định của pháp luật.
Phân tích quy định này làm vô hiệu kiến nghị, kết luận của Kiểm toán nhà nước, trái với Điều 118 Hiến pháp, Điều 7 Luật Kiểm toán nhà nước năm 2015 về giá trị pháp lý của báo cáo kiểm toán, đại biểu Nguyễn Hữu Cầu (Nghệ An) chỉ ra rằng, Luật đã quy định báo cáo kiểm toán của Kiểm toán nhà nước sau khi phát hành và công khai có giá trị bắt buộc phải thực hiện đối với đơn vị được kiểm toán.
Nếu bất đồng với báo cáo kiểm toán, đơn vị được kiểm toán thực hiện quyền khiếu nại theo quy định của pháp luật. Như vậy, cơ quan Kiểm toán phải chịu trách nhiệm đến cùng với kiến nghị và kết luận của mình chứ không phải cơ quan quản lý thuế chịu trách nhiệm như trong dự thảo.
“Câu hỏi đặt ra là ai, cơ quan nào bắt cơ quan quản lý thuế phải chịu trách nhiệm nếu họ vẫn bảo lưu quan điểm của mình,” đại biểu đặt vấn đề.
Với phân tích nêu trên, đại biểu Nguyễn Hữu Cầu đề nghị ban soạn thảo nghiên cứu lại điểm b khoản 2 Điều 21 theo hướng, trong trường hợp cơ quan Kiểm toán nhà nước thực hiện việc kiểm toán tại cơ quan thuế có nội dung kiến nghị liên quan đến nghĩa vụ của người nộp thuế, căn cứ vào kiến nghị của Kiểm toán nhà nước, cơ quan thuế có trách nhiệm ban hành quyết định xử lý thuế.
Nếu không đồng ý với kiến nghị, kết luận của cơ quan Kiểm toán nhà nước, cơ quan thuế, người nộp thuế có quyền khiếu nại, khởi kiện báo cáo kiểm toán theo quy định của pháp luật, vì vấn đề này đã được đưa vào Luật sửa đổi, bổ sung của Luật Kiểm toán nhà nước năm 2015.
Đại biểu Nguyễn Hữu Cầu cũng đề nghị sửa đổi điểm b, khoản 2, Điều 22 về nhiệm vụ, trách nhiệm của Thanh tra nhà nước như Kiểm toán nhà nước, “có như vậy mới chống được sự khép kín và khoảng trời riêng trong quá trình thực hiện Luật Quản lý thuế.”
Nhìn nhận việc dự thảo Luật bổ sung quy định tại điểm b, khoản 2, Điều 21 và 22 để xử lý vướng mắc trong thực tiễn đối với các trường hợp Kiểm toán nhà nước, Thanh tra nhà nước không thực hiện kiểm toán, thanh tra đối với người nộp thuế mà thực hiện tại cơ quan quản lý thuế, có nội dung liên quan đến nghĩa vụ nộp thuế của người nộp thuế, đại biểu Nguyễn Trường Giang (Đắk Nông) cho rằng đây là điều cần thiết.
Tuy nhiên, việc xử lý vướng mắc này “có vấn đề”, bởi các quy định trên liên quan sâu đến lĩnh vực thanh tra, kiểm toán, thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Kiểm toán nhà nước và Luật Thanh tra, mà không thuộc phạm vi của Luật này.
Mặt khác, hoạt động thanh tra, kiểm toán không chỉ thực hiện trong lĩnh vực thuế, do vậy việc xử lý vướng mắc như dự thảo Luật là chưa toàn diện, chỉ xử lý được trong lĩnh vực thuế mà chưa xử lý được trong các lĩnh vực khác mà cơ quan Thanh tra, Kiểm toán ra kết luận.
Giải trình, Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, Luật Kiểm toán nhà nước quy định báo cáo kiểm toán bắt buộc phải thực hiện, nhưng báo cáo này không phải là quyết định hành chính. Tổng Kiểm toán Nhà nước là người xử lý khiếu nại cuối cùng.
Thực tiễn, khi cơ quan thuế chấp hành kết luận của Kiểm toán Nhà nước, Thanh tra Chính phủ (thực hiện tại cơ quan thuế), đã xảy ra nhiều trường hợp không đồng ý, dẫn đến khiếu kiện, khiếu nại.
Nhiều trường hợp khiếu kiện ra tòa về quyết định của cơ quan thuế chứ không phải quyết định của Kiểm toán Nhà nước hay Thanh tra Chính phủ. Ông cho rằng, họ kiện là đúng luật, đúng quyền (theo Điều 30 Luật Tố tụng hành chính), và phải đảm bảo quyền của người nộp thuế.
Do vậy, hoặc phải sửa Điều 30 Luật Tố tụng hành chính, hoặc sửa luật này, hoặc sửa Luật Kiểm toán nhà nước thì mới xử lý được.
Bộ trưởng Tài chính dẫn chứng cách đây 2 tuần, theo chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ chủ trì họp với Kiểm toán Nhà nước, Thanh tra Chính phủ, Bộ Tư pháp và các cơ quan liên quan để bàn về phương án xử lý kết luận kiểm toán và thanh tra tại Sabeco, Habeco và Unilever. Như Unilever, Kiểm toán Nhà nước đưa ra số liệu ban đầu là truy thu 870 tỷ đồng, lần hai là hơn 500 tỷ đồng và lần 3 là hơn 300 tỷ đồng.
“Bây giờ chúng tôi đã thống nhất với nhau sẽ báo cáo với Thủ tướng về việc này, đồng ý họ nộp hơn 300 tỷ đồng. Trường hợp này, nếu chúng tôi quyết định ngay truy thu 870 tỷ đồng, người ta kiện cơ quan thuế ra tòa thì cơ quan thuế phải giải trình trước tòa. Đây là thực tế phải hết sức lưu ý, thời gian tới chúng tôi sẽ tiếp tục rà soát báo cáo Quốc hội,” ông Đinh Tiến Dũng nói.
Lý giải ngay sau đó, Tổng kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc cho biết, Thanh tra của Cục Thuế Thành phố Hồ Chí Minh kiểm tra, thanh tra Unilever và kiến nghị truy thu 383 tỷ đồng.
Doanh nghiệp đã nộp số tiền này. Sau đó, Kiểm toán Nhà nước vào kiểm tra hồ sơ và truy thu ngoài số tiền 383 tỷ đồng trên, đã kiến nghị thu 882 tỷ đồng.
Trả lời Kiểm toán Nhà nước về lý do chỉ truy thu 383 tỷ đồng, Thanh tra của Cục Thuế Thành phố Hồ Chí Minh giải trình là do điều kiện cuối năm nên Đoàn thanh tra căn cứ vào số liệu do Công ty tự tính toán thuế thu nhập doanh nghiệp với hoạt động đầu tư mở rộng không được ưu đãi thuế trong giai đoạn 2009-2013 để kiến nghị truy thu, chứ chưa kiểm tra, rà soát các tài liệu liên quan của doanh nghiệp.
“Tôi khẳng định việc chúng tôi kiến nghị 882 tỷ đồng là đúng, và Đoàn thanh tra thuế làm chưa đúng,” Tổng Kiểm toán Nhà nước nói.
Ông cũng cho biết thêm, 8 tháng sau Unilever có khiếu nại, Kiểm toán Nhà nước mời Tổng cục Thuế, Cục Thuế Thành phố Hồ Chí Minh cùng làm việc, Unilever cung cấp thêm hồ sơ đầu tư mở rộng (hồ sơ này chưa được giám định).
Chỉ căn cứ trên hồ sơ doanh nghiệp cung cấp, Kiểm toán Nhà nước đã kết luận truy thu 575 tỷ đồng. Sau đó, Phó Tổng Giám đốc Unilever sang làm việc với Kiểm toán Nhà nước và Tổng cục Thuế và họ chấp nhận nộp 384 tỷ đồng, đồng thời có kiến nghị không phạt nộp chậm.
Tránh trường hợp lợi dụng chính sách nộp chậm
Một vấn đề khác trong dự thảo Luật Quản lý thuế (sửa đổi) được đại biểu thảo luận, đó là xử lý đối với việc chậm nộp tiền thuế.
Điều 59 dự thảo Luật quy định, tiền chậm nộp bằng 0,03%/ngày tính trên số tiền thuế chậm nộp. Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, nhiều ý kiến cho rằng mức tiền nộp chậm này là quá thấp với lãi suất ngân hàng và dễ bị các doanh nghiệp lợi dụng.
Một số ý kiến đề nghị tăng ít nhất 0,05% đến 1,5% mỗi ngày nhằm tránh trường hợp lợi dụng chính sách nộp chậm.
Theo quan điểm của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, trong giai đoạn vừa qua, do biến động của nền kinh tế, nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn vì lý do khách quan. Do đó để nuôi dưỡng nguồn thu, tạo điều kiện và tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, Quốc hội đã nhiều lần điều chỉnh giảm mức tiền chậm nộp (từ 0,07% xuống 0,05% và hiện nay là 0,03%/ngày).
Do đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin Quốc hội cho phép giữ mức tiền chậm nộp bằng 0,03%/ngày tính trên số tiền thuế chậm nộp như dự thảo Luật trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 6.
Đồng tình với giải trình trên, song đại biểu Dương Minh Tuấn (Bà Rịa – Vũng Tàu) cho biết, qua tiếp xúc, một số cơ quan thuế ở địa phương đề nghị Quốc hội xem lại nội dung này.
Việc gia hạn thuế cho doanh nghiệp cần có điều khoản riêng, còn với việc quy định mức tiền nộp chậm này, một số doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp lớn nghiên cứu luật rất kỹ, họ có thể lợi dụng điều này để giảm bớt tiền vay ngân hàng.
Thay vì mang 5-10 tỷ đồng nộp cho cơ quan thuế, họ vận dụng số tiền này quay vòng sử dụng cho việc khác, để đúng 90 ngày mới mang nộp, điều đó tạo sự không công bằng đối với những doanh nghiệp chấp hành đúng quy định pháp luật, đại biểu nói và đề nghị điều chỉnh mức tiền chậm nộp bằng lãi suất ngân hàng.
Doanh nghiệp nào có khó khăn, theo quy định được miễn giảm ở những điều khoản khác.
Về xử lý tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt nộp thừa, khoản 3 Điều 60 quy định không trả số tiền thuế nộp thừa cho người nộp thuế trong một số trường hợp, trong đó có trường hợp người nộp thuế không có văn bản yêu cầu trả lại trong thời hạn quá 30 ngày kể từ ngày cơ quan quản lý thuế ban hành thông báo; giao Bộ Tài chính quy định thủ tục xử lý số tiền này.
Theo đại biểu Võ Đình Tín (Đắk Nông), điều này chưa phù hợp, chưa rõ ràng. Quy định không trả lại tiền nộp thừa cho người nộp thuế, nhưng không có văn bản yêu cầu trả lại trong thời hạn bao nhiêu ngày, kể từ ngày cơ quan quản lý thuế ban hành thông báo.
Đại biểu cho rằng, việc tước quyền sở hữu với tài sản trong trường hợp này là không có cơ sở, không thống nhất với quy định về sở hữu của Bộ luật Dân sự, không phù hợp với thực tiễn và cả pháp lý.
“Người nộp thuế chỉ không kịp yêu cầu trả lại tài sản của mình do người khác chiếm giữ trong bao nhiêu ngày mà mất đi quyền sở hữu, chưa kể vì lý do nào đó mà người nộp thuế không nhận được thông báo của cơ quan thuế, như thông báo bị thất lạc, hoặc người nộp thuế chết, mất tích, tai nạn, nên không yêu cầu trả lại tài sản của mình trong bao nhiêu ngày. Vì vậy, tôi đề đề nghị không quy định nội dung này trong luật,” đại biểu nói./.
Theo vietnamplus.vn
Ý kiến ()