Chống sạt lở, khai thác hiệu quả tuyến quốc lộ 6
Quốc lộ 6 là tuyến đường huyết mạch phục vụ phát triển kinh tế - xã hội các tỉnh vùng Tây Bắc sau khi cải tạo, đưa vào khai thác đã phát huy tác dụng. Tuy nhiên đến nay do biến động phức tạp của địa chất trên toàn tuyến đã có nhiều điểm sạt lở nghiêm trọng, làm ách tắc và tiềm ẩn gia tăng tai nạn giao thông, nhất là trong mùa mưa bão.
Quốc lộ 6 là tuyến đường huyết mạch phục vụ phát triển kinh tế – xã hội các tỉnh vùng Tây Bắc sau khi cải tạo, đưa vào khai thác đã phát huy tác dụng. Tuy nhiên đến nay do biến động phức tạp của địa chất trên toàn tuyến đã có nhiều điểm sạt lở nghiêm trọng, làm ách tắc và tiềm ẩn gia tăng tai nạn giao thông, nhất là trong mùa mưa bão.
Qua khảo sát, đánh giá thực trạng tại hiện trường “Dự án kiên cố hóa, khắc phục tình trạng sạt lở mái ta-luy đoạn quốc lộ 6 qua tỉnh Hòa Bình theo lệnh khẩn cấp của Chính phủ” đã và đang được Bộ Giao thông vận tải và địa phương nhanh chóng triển khai thực hiện.
Theo thống kê, cung đường 6 đoạn qua Hòa Bình dài hơn 70 km có tới 32 vị trí sạt lở, trong đó có 12 điểm nghiêm trọng phải xử lý cấp bách với giá trị xây lắp hơn 394 tỷ đồng. Theo đề xuất của địa phương, năm 2012, trong điều kiện vốn ngân sách Trung ương hạn hẹp, nhiều công trình trong cả nước phải thực hiện chủ trương đình hoãn, giãn tiến độ nhưng Chính phủ vẫn ưu tiên cấp vốn từ nguồn dự phòng ngân sách Trung ương để tập trung khắc phục trong thời gian sớm nhất các điểm sạt lở bảo đảm giao thông thông suốt, giảm thiểu tai nạn. Do đặc thù về địa chất công trình, một số vị trí có địa chất đất xen kẹp đá rời rạc, đá phong hóa mạnh, quá trình thi công thường xảy ra sạt trượt cục bộ nên phải nghiên cứu kỹ giải pháp thi công cũng như thiết kế. Trong gần một năm triển khai dự án, các nhà thầu phải khắc phục thời tiết khắc nghiệt, thí dụ như có điểm tại huyện Mai Châu sương mù dày đặc vào mùa đông, 10 giờ mới thi công được và đến 16 giờ phải dừng. Năm nay việc thi công cũng không suôn sẻ do mưa bão xảy ra liên tiếp. Về phía chủ đầu tư, dự án được xây dựng theo lệnh khẩn cấp mang tính chất đặc thù nên mọi công việc phải tập trung cao độ, hoàn thành trong thời gian sớm nhất, nhiều điểm sạt lớn phải vừa thiết kế, vừa thi công.
Nhằm triển khai dự án theo yêu cầu đẩy nhanh tiến độ thi công và giải ngân, chủ đầu tư đã chỉ đạo tư vấn thiết kế, nhà thầu thi công phối hợp chặt chẽ, giải quyết các công việc phát sinh ngay tại hiện trường. Khi có thiết kế cho từng điểm sạt lở, tổ chức thẩm tra phê duyệt là bắt tay thi công ngay. Với tinh thần lao động khẩn trương, đến nay chủ đầu tư đã phê duyệt xong thiết kế bản vẽ thi công, đồng thời triển khai thi công tất cả 12 điểm. Ngoài ra, còn phối hợp các địa phương làm tốt công việc giải tỏa, bàn giao mặt bằng cho nhà thầu. Bộ máy quản lý liên tục có mặt tại hiện trường kiểm tra chất lượng, tiến độ, khối lượng thi công và giá thành, số liệu địa chất… Yêu cầu tư vấn giám sát, tư vấn quản lý tăng cường công tác quản lý chất lượng, nhà thầu huy động tối đa nhân lực, thiết bị tại công trường bảo đảm tiến độ xây dựng, kiểm tra nghiệm thu khối lượng hoàn thành, hoàn chỉnh, hồ sơ giải ngân… đặc biệt chú trọng công tác bảo đảm an toàn giao thông, thông tuyến bình thường.
Tại điểm sạt lở Km95 050 thuộc xã Tây Phong, huyện Cao Phong, Trưởng ban điều hành của nhà thầu Công ty cổ phần đầu tư năng lượng, xây dựng thương mại Hoàng Sơn Phạm Ðức Việt cho biết: Năm nay, do ảnh hưởng của thời tiết, nhiều cơn bão liên tiếp gây mưa lớn ở Tây Bắc làm ảnh hưởng tiến độ công trình. Chỉ tính riêng hai cơn bão số 5 và số 6 khiến công trường phải dừng thi công hơn 30 ngày, khi thời tiết thuận lợi phải tổ chức thi công tăng khối lượng bù đắp những ngày mưa bão. Ðiểm sạt lở Km 95 050 với đặc thù núi đất, để bảo đảm giải quyết tận gốc tình trạng sạt lở từ tháng 10-2012 đến nay, nhà thầu đã đào 20 nghìn m3 đất nền, thi công 10 nghìn m2 mái ta-luy che phủ, gồm đổ hệ thống khung dầm bê-tông cốt thép và lát mái tấm đan. Ðến nay, công ty đã thi công xong phần đào đắp, hoàn thành hơn 70% khối lượng gia cố mái. Với lực lượng hơn 60 nhân công và thiết bị phun vữa, bình quân mỗi tháng, đơn vị gia cố được 1.300 – 1.500 m2 mái, thời kỳ cao điểm khối lượng đạt 2.000 m2. Trong suốt quá trình thi công, công tác bảo đảm an toàn giao thông được chú trọng, không để xảy ra ách tắc giao thông và tai nạn.
Ðiểm sạt lở Km98 050 tại xã Quý Hậu, huyện Tân Lạc (Hòa Bình), khi chưa triển khai dự án vào mùa mưa hằng năm thường xuyên xảy ra sạt lở, gây tai nạn và ách tắc giao thông. Kỹ sư Tống Ðức Thiên, phụ trách công trường cho biết: Do địa hình núi đá bị phong hóa mạnh, sạt lở ở đây chủ yếu là đá. Nhà thầu áp dụng giải pháp thi công tiến hành cắt cơ giảm tải, hình thành sáu mái phủ bề mặt sạt lở. Trong đó, bốn mái dưới đá nứt nẻ nhiều, nhà thầu tập trung thiết bị khoan cắm neo, trải lưới thép toàn bộ diện tích, sau đó phun bê-tông. Ðến nay, tại công trường bốn mái này, công ty đã đào xúc gần 120 nghìn m3 đá, phun bê-tông với khối lượng khoảng 13.000 m2, từ nay đến cuối tháng 9, sẽ tập trung nhân lực, phương tiện hoàn thành và bàn giao công trình với chất lượng tốt nhất.
Giám đốc Ban Quản lý các dự án công trình giao thông tỉnh Hòa Bình Bùi Ngọc Tâm cho biết: Sau gần một năm vượt qua khó khăn về thời tiết, khí hậu, tổ chức thi công quyết liệt, đến nay, khối lượng đào xúc đất đá của 12 điểm đạt hơn 400 nghìn m3, giá trị sản lượng thi công hơn 260 tỷ đồng, đạt gần 60% giá trị công trình. Trong tháng 8 và tháng 9-2013, các đơn vị sẽ hoàn thành thi công và bàn giao tại năm điểm. Thực tế cho thấy, qua ba tháng mùa mưa, các điểm được xử lý rất ổn định, không còn xảy ra sạt lở, gây ách tắc giao thông và tai nạn như trước đây. Ban quản lý dự án tiếp tục phối hợp các nhà thầu và đơn vị tư vấn, phấn đấu thi công hoàn thành việc khắc phục sớm nhất các điểm sạt lở mà Chính phủ đã quan tâm ưu tiên cấp vốn vào cuối năm nay. Cùng với việc đẩy nhanh tiến độ, hoàn thành thủ tục thanh toán, Kho bạc Nhà nước tỉnh Hòa Bình đã bảo đảm thanh toán kịp thời để hỗ trợ nhà thầu khắc phục khó khăn về tài chính. Ðến nay, tổng số vốn Trung ương cấp cho dự án cấp bách này đạt 440 tỷ đồng, trong đó vốn từ nguồn dự phòng năm 2012 là 200 tỷ đồng, năm 2013 cấp tiếp 40 tỷ đồng và vốn ứng trước kế hoạch năm 2014 là 200 tỷ đồng. Quá trình thực hiện đã giải ngân 265 tỷ đồng, trong đó vốn năm 2012 và 2013 giải ngân xong, vốn ứng của kế hoạch năm 2014 giải ngân được 25 tỷ đồng. Dự kiến từ nay đến hết năm 2013 sẽ giải ngân tiếp 175 tỷ đồng, hoàn thành giải ngân nguồn vốn ứng trước sớm đưa công trình vào khai thác phục vụ đi lại và vận chuyển hàng hóa của nhân dân các tỉnh Tây Bắc.
Theo Nhandan
Ý kiến ()