LSO-Hằng năm, cứ vào dịp Nôen và chuẩn bị đón tết Nguyên đán, cấp ủy, chính quyền, các cơ quan, đoàn thể, nhà trường… đều có sự quán triệt sâu sắc về công tác đảm bảo an ninh trật tự (ANTT) nói chung và thực hiện nghiêm các quy định về cấm buôn bán, vận chuyển, tàng trữ và sử dụng các loại pháo. Song do nhiều nguyên nhân, các vi phạm vẫn xảy ra…
Điểm mặt những trường hợp vi phạm có thể thấy trừ một số kẻ hám lợi, dùng nhiều thủ đoạn vận chuyển pháo từ bên kia biên giới vào sâu trong nội địa để buôn bán kiếm lời, số đối tượng còn lại có hành vi vận chuyển, sử dụng các loại pháo đều nằm trong độ tuổi thanh thiếu niên, trong đó phần lớn là học sinh sinh viên (HSSV). Có thể nêu trường hợp điển hình là vào ngày 18/11/2010, với ý định mua pháo về quê đốt trong dịp tết “cho vui”, Nguyễn Hồng Hiệp và Nông Quang Thiệu- sinh viên Trường Trung cấp Dược Hà Nội đã bị Công an huyện Văn Lãng bắt giữ khi vận chuyển 21 kg pháo nổ. Là sinh viên một trường chuyên nghiệp ở thủ đô mà còn mơ hồ về pháp luật, dám “cả gan”vận chuyển hơn 20kg pháo từ Lạng Sơn về Hà Nội; thử hỏi hành vi đốt pháo có gì là xa lạ đối với đối tượng HSSV- một đối tượng rất hiếu động, nghịch ngợm?.
Trong hội nghị sơ kết 1 năm thực hiện Thông tư Liên tịch số 34/2009/TTLT-BGD&ĐT-BCA, giữa Bộ GD&ĐT và Bộ Công an, với sự có mặt của lãnh đạo 2 ngành GD&ĐT- Công an tỉnh, báo cáo sơ kết ghi rõ “Toàn ngành (GD&ĐT) không có cán bộ giáo viên, nhân viên, HSSV vi phạm về buôn bán, vận chuyển, tàng trữ và sử dụng trái phép các loại pháo”. Nhiều đại biểu dự hội nghị cho rằng ngành GD&ĐT có lẽ hơi “chủ quan” và đánh giá chưa chính xác. Bằng chứng là, chính báo cáo của Công an huyện Bắc Sơn tại hội nghị này đã nêu rõ “…9 học sinh vi phạm đốt pháo phải xử phạt vi phạm hành chính.”
Thông thường vào đầu năm học mới, HSSV có những tuần, những tiết “Giáo dục công dân”; sau khi được phổ biến học tập nội quy nhà trường, trách nhiệm, nghĩa vụ của HSSV, các quy định về đảm bảo an ninh trật tự, phòng chống tội phạm và TNXH trong nhà trường và ngoài xã hội, HSSV thường được ký cam kết không vi phạm luật lệ, nội quy cũng như các TNXH. Cao điểm về công tác phòng chống buôn bán, vận chuyển, tàng trữ và sử dụng các loại pháo là vào thời gian trước khi nghỉ tết Nguyên đán. Tại thời điểm này, không những học sinh được nhắc nhở nhiều lần, mà còn thêm một lần nữa ký cam kết. Tuy vậy, đối với nhiều nhà trường, việc có được chữ ký của học sinh trong bản cam kết coi như… xong nhiệm vụ. Trên thực tế, sự việc diễn ra ngoài nhà trường lại không đơn giản như vậy. Có thể nói, với việc tuyên truyền rộng và sâu trong nhiều năm, 100% HSSV trên địa bàn tỉnh ta biết rõ rằng việc đốt pháo là vi phạm pháp luật. Biết rõ là như vậy, song vẫn lén lút đi mua vài ba quả pháo đút trong túi áo và từng nhóm nhỏ đi chơi đêm giao thừa, các ngày tết, các ngày lễ hội “nhòm trước ngó sau” không thấy lực lượng chức năng là… đốt và ném ra nơi khác. Có đồng chí cánh sát khu vực nói rằng “bắt” đối tượng đốt pháo rất khó, bởi vì nếu không “bắt tận tay day tận mặt” đối tượng, thì một quả pháo, thậm chí một dây pháo “ra khỏi tay”, là họ “chối bay chối biến”.
Vậy nên, cần có sự phối hợp tốt giữa nhà trường, lực lượng chức năng khu vực và ban đại diện các khối phố, thôn bản. Được tuyên truyền và được ký cam kết, các gia đình luôn có ý thức nhắc nhở con em mình không được mua và đốt pháo. Tuy nhiên, khi rời khỏi sự kiểm soát của cha mẹ, “máu anh hùng, sự chơi trội” của một bộ phận thanh thiếu niên đã khiến họ “không làm chủ” được bản thân khi có sự kích động lôi kéo của bè bạn cùng trang lứa. Qua nhiều lần làm việc với UBND thị trấn Đồng Đăng (Cao Lộc), khi trao đổi với đồng chí Chủ tịch UBND thị trấn, chúng tôi ghi nhận sự chỉ đạo quyết liệt của cấp ủy chính quyền, sự phối hợp đồng bộ các cơ quan chức năng trong việc “chống pháo”. Ở đây, việc “răn đe” có trọng tâm, kiểm soát có “trọng điểm” và đúng vào thời điểm “nóng” như đêm giao thừa, lễ hội… Xử lý nghiêm minh những trường hợp vi phạm bằng cả việc bắt tạm giam, xử phạt hành chính cũng như phối hợp với nhà trường đối với HSSV vi phạm. Mọi sự cả nể, xuê xoa, xử lý nửa vời… đều làm cho thanh thiếu niên, nhất là HSSV “nhờn pháp luật”.
Ý kiến ()