Chống pháo không đợi tết
LSO – Lạng Sơn là một tỉnh có đường biên giới dài trên 231 km, nhiều cửa khẩu, đường tắt, đường mòn qua lại biên giới. Điều này đã tạo cho cư dân biên giới đi lại trao đổi hàng hoá thuận tiện. Nhưng đây cũng là mảnh đất màu mỡ cho việc buôn bán, vận chuyển pháo nổ qua biên giới. Vì vậy, ngay từ đầu năm, các lực lượng chức năng đã ra quân chống pháo.
Cán bộ hải quan thu giữ pháo nổ nhập lậu
Khác với quy luật trước đây, năm nay nạn buôn bán, vận chuyển pháo nhập lậu diễn ra rả rích ngay từ đầu năm. Những tháng cuối năm này nạn buôn bán pháo lậu diễn biến phức tạp khiến các cơ quan chức năng phải gồng mình chống pháo. Trước đây, pháo chủ yếu do thanh thiếu niên khu vực biên giới mua để sử dụng trong dịp tết. Còn hiện nay các đối tượng bị bắt về hành vi buôn bán, vận chuyển pháo trái phép lại chủ yếu ở các tỉnh, huyện tuyến sau. Việc vận chuyển pháo ngày càng tinh vi hơn dẫn đến khó khăn trong đấu tranh phát hiện. Từ thời điểm đầu năm, các cơ quan chức năng làm nhiệm vụ đấu tranh trực tiếp như; công an, hải quan, bộ đội biên phòng, quản lý thị trường cùng các cấp chính quyền đã vào cuộc chống pháo. Với yêu cầu tăng cường nhận thức cho mọi tầng lớp nhân dân về sự nguy hại của pháo, tích cực đấu tranh với các hành vi sai phạm, các cơ quan chức năng đã ra sức tuyên truyền nội dung Nghị định 36/2009/NĐ-CP của Chính phủ về sử dụng pháo. Đầu năm nay, (26/3) sau khi vụ vận chuyển gần 3.000 kg pháo vào đầu năm bị Hải quan Tân Thanh và Bộ đội Biên phòng bắt giữ, toàn tỉnh đã tăng cường các biện pháp phòng chống pháo nổ. Các cơ quan, đoàn thể, khu dân cư đã tổ chức ký cam kết với trên 20.000 hộ dân, trên 15.500 lượt học sinh, sinh viên về việc không tàng trữ sử dụng pháo trái phép; tổ chức in ấn tài liệu tuyên truyền cấp phát đến mọi tầng lớp nhân dân. Qua các vụ đấu tranh sai phạm về pháo, tỷ lệ người dân địa phương sử dụng, buôn bán, tàng trữ pháo trái phép không đáng kể. Để đấu tranh trực diện với các hành vi sai phạm về pháo, Ban chỉ đạo chống các hành vi sai phạm về pháo tỉnh đã trực tiếp chỉ đạo lực lượng chức năng tăng cường tuần tra kiểm soát, đặc biệt là qua các đường mòn, đường tắt lối mở, thuộc các địa bàn biên giới huyện Cao Lộc, Văn Lãng, Lộc Bình, Tràng Định, Đình Lập; tăng cường thu thập các nguồn tin của quần chúng phát hiện các sai phạm về pháo. Thực tế cho thấy pháo lậu rất dễ thẩm thấu vào nội địa qua đường du lịch, trên khâu lưu thông, xếp lẫn trong hàng hoá gây khó khăn cho lực lượng bắt giữ. Định rõ tình hình, nhiều cơ quan đã thành lập ban chỉ đạo chống pháo riêng, lập các tổ công tác chống pháo để chỉ đạo theo chuyên đề, vì vậy đã thu được kết quả khá cao. Tính từ đầu năm đến nay, các cơ quan chức năng đã bắt, xử lý gần 100 vụ buôn bán, vận chuyển pháo trái phép, thu hàng tấn pháo nổ các loại. Ngay trong những ngày gần đây liên tục bắt xử lý các vụ sai phạm về pháo. Ngày 24/9/2012, Đồn Biên phòng Chi Ma đã bắt Phùng Văn Quỳnh và Trần Thăng Long ở Hữu Lũng khi đang vận chuyển 170 kg pháo nổ vào Việt Nam. Ngày 17/9/2012, Tổ Hình sự phòng PC45 Công an tỉnh đã thu giữ 26 kg pháo nổ tại đường 386. Ngày 28/7/2012, Chi cục Hải quan Tân Thanh cũng đã bắt giữ Hà Văn May, sinh năm 1977 tại Thái Bình khi đang vận chuyển 30 kg pháo nổ nhập lậu…
Ngay thời điểm hiện nay, việc vận chuyển pháo nổ nhập lậu bắt đầu “nóng” thêm. Việc đấu tranh ngăn chặn càng khó khăn hơn khi cuối năm hàng hoá, người, phương tiện lưu thông lớn. Nhưng với quyết tâm cao, tin rằng các cấp, ngành, lực lượng chức năng sẽ tiếp tục thực hiện nghiêm chỉ đạo của Chính phủ về chống pháo.
Ý kiến ()