“Chóng mặt” với các khoản thu đầu năm học
Con vào năm học, mẹ mất tháng lương
Trước năm học mới, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD và ĐT) Hà Nội đã có văn bản gửi các cơ sở giáo dục hướng dẫn, thống nhất các khoản thu theo quy định. Theo đó, về cơ bản một số khoản thu trong năm học 2015-2016 vẫn được giữ nguyên như năm học trước. Tuy nhiên, qua tìm hiểu của chúng tôi, một số trường vẫn thu tiền theo cách riêng của mình.
Chị N.K.T năm nay có hai con học lớp ba và mầm non trên địa bàn phường Cát Linh (Đống Đa, Hà Nội) băn khoăn: Vừa rồi, họp phụ huynh cho đứa con thứ hai (năm tuổi), nhà trường thông báo hàng chục khoản phải đóng, trong đó có một số khoản thu theo hình thức thỏa thuận, quá cao. Theo chị T, năm ngoái bảo hiểm y tế (BHYT) là 289 nghìn đồng/học sinh/năm thì năm nay nhà trường thu 508 nghìn đồng. Nhà trường giải thích, thu 15 tháng theo quy định nhưng thực tế trên giấy thông báo ghi: từ tháng 11-2015 đến tháng 12-2016 như vậy là chỉ 13 tháng chứ không phải 15 tháng. Tiền quỹ lớp năm học trước 350 nghìn đồng/học sinh/năm thì năm nay tăng vọt lên 700 nghìn đồng. “Hai vợ chồng là viên chức, lương ba triệu đồng/tháng, trong khi hai đứa con đi học với nhiều khoản đóng đầu năm tăng cao, gia đình không biết xoay xở thế nào. Năm ngoái, con học tháng nào đóng tiền được tháng ấy. Năm nay, mặc dù con chưa học buổi nào nhưng gia đình phải đóng 100 nghìn đồng tiền điện, tiền mua báo 160 nghìn đồng/năm học (nhà trường thu nhưng không ghi vào giấy đóng tiền). Trong khi đó, với người con đầu, ngoài việc phải đóng tiền mua đồng phục trên lớp, nhà trường còn yêu cầu gia đình đóng tiền mua đồng phục thể thao; việc bọc sách, vở, dán nhãn vở nhà trường dự kiến sẽ làm thay và thu tiền. Đúng ra, việc này nhà trường nên để phụ huynh và các em học sinh làm” – chị T chia sẻ.
Một phụ huynh là công nhân có con học Trường tiểu học Tiên Dương, Đông Anh (Hà Nội) giãi bày: Nhà trường vừa thông báo nhiều khoản thu với tổng số tiền là 2,6 triệu đồng. Trong số đó, có một số khoản thu cao là BHYT 543 nghìn đồng, máy chiếu phục vụ việc dạy và học 250 nghìn đồng, bảo hiểm thân thể 100 nghìn đồng, đóng tiền tổ chức Tết Trung thu 70 nghìn đồng. Theo phụ huynh này, với số tiền như vậy đã ngốn hết gần một tháng lương bình thường, nếu làm tăng ca (cả ngày và đêm) thì hết khoảng một phần hai tháng lương. Tại Trường tiểu học Ngô Thì Nhậm (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội), theo quan sát của chúng tôi, nhà trường đã dán tờ thông báo công khai trên bảng tin để phụ huynh biết. Trong đó, nhà trường tạm thu tiền học bán trú và một số khoản thu khác như: Tiền học hai buổi/tháng, tiền nước uống, tiền quỹ đội, tiền bảo hiểm thân thể (tự nguyện), tiền BHYT bắt buộc, tiền cơ sở vật chất phục vụ học bán trú…
Việc thu tiền BHYT ở một số trường cũng không có sự thống nhất về cách thức thu và mức tiền. Trường tiểu học Cát Linh thu 508 nghìn đồng (13 tháng) thì Trường tiểu học Tiên Dương thu 543 nghìn đồng (15 tháng). Không chỉ như vậy, tiền bảo hiểm thân thể cũng có mức thu khác nhau. Trường THCS Tứ Liên (Tây Hồ, Hà Nội) thu 100 nghìn đồng, Trường tiểu học Cát Linh thu 80 nghìn đồng, Trường THCS Nguyễn Du thu 60 nghìn đồng…
Có thể thấy rằng, trong các khoản đóng đầu năm, BHYT được ghi nhận có mức thu cao hơn cả học phí một năm học. Trước bức xúc của phụ huynh và xã hội khi phải đóng nhiều khoản cùng một lúc, nhất là BHYT, Bộ GD và ĐT yêu cầu sở GD và ĐT các tỉnh, thành phố, các đại học, học viện, trường đại học, cao đẳng và trung cấp chuyên nghiệp phối hợp cơ quan bảo hiểm xã hội tại địa phương tổ chức thu tiền BHYT của HS, SV sáu tháng một lần; tránh thu tập trung vào thời điểm đầu năm học; không thu các khoản bảo hiểm tự nguyện.
Không chờ vi phạm mới xử lý
Đó là khẳng định của lãnh đạo Sở GD và ĐT về vấn đề thu, chi đầu năm học. Phó Giám đốc Sở GD và ĐT Hà Nội Nguyễn Hiệp Thống cho biết: Sở đã và đang tổ chức 21 đoàn kiểm tra công tác đầu năm học 2015-2016 tại các quận, huyện, thị xã và trường trực thuộc trên địa bàn thành phố. Ngoài việc rà soát các điều kiện phục vụ cho năm học mới như cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học, đội ngũ giáo viên,… công tác thu chi tài chính, chủ yếu là các khoản thu khác, là nội dung được đặc biệt quan tâm trong đợt kiểm tra này. Chủ trương tổ chức kiểm tra của Sở GD và ĐT năm nay là không chờ các trường xảy ra vi phạm mới xử lý, mà để các nhà trường quán triệt quy định và cam kết không vi phạm. Các đoàn kiểm tra sẽ tái kiểm tra đột xuất các đơn vị, nếu phát hiện dấu hiệu bất thường. Năm học 2015-2016, việc triển khai các khoản thu khác ở tất cả các nhà trường vẫn áp dụng theo Quyết định 51/2013/QĐ-UBND, Quy định về việc thu, sử dụng các khoản thu khác trong các cơ sở giáo dục phổ thông công lập của TP Hà Nội. Trong đó, có mười khoản cha mẹ phải đóng góp vào đầu năm học gồm: Trường tổ chức học bán trú trong đó có tiền ăn, chăm sóc và trang thiết bị; học hai buổi/ngày trong các trường tiểu học, THCS; học phẩm học sinh trong các trường mầm non; nước uống tinh khiết; BHYT; dạy thêm, học thêm trong các trường THCS, THPT; viện trợ, quà biếu, tặng cho; tài trợ theo Thông tư 29 của Bộ GD và ĐT; đóng góp tự nguyện để sửa chữa nhỏ hoặc mua sắm trang thiết bị của nhà trường; quần áo đồng phục, quần áo thể thao, phù hiệu. Một số nội dung thu có quy định mức trần cụ thể như chăm sóc bán trú, trang thiết bị bán trú, học hai buổi/ngày, học phẩm mầm non, nước uống tinh khiết, dạy thêm học thêm trong nhà trường. Các khoản thu này cũng phải được thỏa thuận bằng văn bản tới từng cha mẹ học sinh. Tuy nhiên, để phục vụ cho hoạt động dạy và học, có những khoản phải thu ngay, nhưng có những khoản có thể chia ra, nhà trường dứt khoát không được thu cùng lúc, mà thu rải ra để giảm áp lực cho các bậc cha mẹ.
Đề cập về các khoản thu đầu năm học, theo Thứ trưởng GD và ĐT Nguyễn Vinh Hiển, Bộ GD và ĐT đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo về việc huy động và quản lý các nguồn tài trợ nhưng trong không ít trường hợp, người quản lý đơn vị ngại làm theo quy định hoặc năng lực quản lý hạn chế cho nên đã huy động nguồn lực xã hội theo kiểu cào bằng, áp đặt, sử dụng tiền không hiệu quả, thậm chí sử dụng sai mục đích nguồn lực xã hội hóa dẫn tới người dân phản ứng và không muốn đóng góp. Điều đó cho thấy, cần tăng cường trách nhiệm của các cấp quản lý, quyền và trách nhiệm giám sát của các lực lượng xã hội; nhà trường cần công khai, dự toán kinh phí và huy động phụ huynh đóng góp tùy mức độ.
Ý kiến ()