Chống ma túy ở bắc Thái-lan
Nhiều tháng qua, liên tục có tin bắt giữ ma túy ở Thái-lan, có những vụ lớn trị giá tới hàng chục triệu USD. Gần ba phần tư lượng chất gây nghiện này vào Thái-lan từ phương bắc qua ngả Myanmar, nơi có Tam giác vàng khét tiếng với những cánh đồng trồng anh túc.
– Nhiều tháng qua, liên tục có tin bắt giữ ma túy ở Thái-lan, có những vụ lớn trị giá tới hàng chục triệu USD. Gần ba phần tư lượng chất gây nghiện này vào Thái-lan từ phương bắc qua ngả Myanmar, nơi có Tam giác vàng khét tiếng với những cánh đồng trồng anh túc.
Vùng trồng nhiều anh túc
Các thương gia Trung Quốc là những người đầu tiên trồng cây anh túc ở Thái-lan dưới Vương triều Ayuthaya (1350-1767). Sau đó, nhiều nhóm người dân tộc thiểu số di cư từ Trung Quốc tới trồng ở khu vực núi đồi miền bắc, nơi có khí hậu lạnh, thích hợp cho sự phát triển của thứ cây “ma quái” này. Anh túc được trồng theo hai vụ: vụ sớm từ tháng 10 đến tháng 12, vụ chính từ tháng 11 đến tháng 2 năm sau.
Trước năm 1979, diện tích trồng loại cây này tại Thái-lan hơn 24 nghìn ha, đến năm 1985 còn gần 8.800 ha. Hơn 30 năm qua, Thái-lan thực hiện chương trình loại bỏ cây anh túc với sự giúp đỡ của Liên hợp quốc. Nhiều cánh đồng trồng thuốc phiện được thay bằng những vườn cà-phê, chè và một số cây trồng khác phù hợp với thổ nhưỡng và khí hậu vùng cao.
Viện trưởng Viện Giám sát và Nghiên cứu ma túy (NCSMI) Pipop cho biết, hiện còn hơn 200ha diện tích trồng cây anh túc ở vùng núi miền bắc, 70% tập trung ở Chiang Mai với “điểm nóng” hơn 100 ha tại huyện Omkoi nằm xa nhất về phía tây-nam của tỉnh. 95% diện tích cây trồng bất hợp pháp này có thể sớm được tiếp cận và xóa bỏ, phần còn lại rải rác ở những nơi hẻo lánh, địa hình hiểm trở, giao thông khó khăn, rất khó tới. Những người dân tộc thiểu số trồng anh túc từ đời này qua đời khác, kéo dài hàng trăm năm nay, lại được “bao tiêu” bởi những kẻ buôn lậu ma túy tới mọi cánh đồng hỏi mua “nàng tiên nâu”.
Khó từ phía Myanmar
Theo ông Pipop, khó khăn lớn nhất của Thái-lan trong việc thực hiện mục tiêu xây dựng Cộng đồng ASEAN không ma túy vào năm 2015 lại đến từ Myanmar giáp biên giới phía bắc. Ước tính, hơn 70% lượng ma túy được đưa vào Thái-lan qua ngả này, phần nhiều là heroin và methamphetamine.
Hiện nay, hơn 90% diện tích trồng cây anh túc ở khu vực Tam giác vàng (nơi tiếp giáp giữa miền bắc Thái-lan với Myanmar và Lào) được xác định ở vùng rừng núi của bang Shan bên Myanmar.
Theo báo cáo mới đây của Liên hợp quốc, trong số 735 tấn heroin bắt nguồn từ Tam giác vàng trong năm 2012, 690 tấn có nguồn gốc từ Myanmar, tăng 17% so năm 2011, với trị giá khoảng 16,3 tỷ USD, gần bằng 1/3 GDP nước này.
Ngoài các băng nhóm tội phạm, nền “công nghiệp ma túy” khu vực này còn do các nhóm vũ trang và lực lượng phiến quân kiểm soát. Hoạt động trồng anh túc và chế biến ma túy tại các bang đông và đông-bắc Myanmar gần như hoàn toàn nằm trong tay những nhóm vũ trang dân tộc thiểu số đòi ly khai.
Thời gian gần đây, chính quyền của Tổng thống Thein Sein đã ký những thỏa thuận ngừng bắn với một số nhóm phiến quân ở vùng này, nhưng theo các nhà phân tích, hòa bình tại đây mong manh, rải rác vẫn có những cuộc giao chiến. Quân đội cũng như lực lượng phòng chống ma túy thường khó tiếp cận vùng núi non hiểm trở. Bên cạnh đó, các chương trình hỗ trợ người dân từ bỏ cây anh túc chưa đạt hiệu quả cao cũng khiến việc kiểm soát ma túy tại Myanmar gặp nhiều khó khăn.
Mới đây, Myanmar quyết định lùi thời hạn chót xóa bỏ hoàn toàn cây anh túc thêm 5 năm nữa, đến năm 2019.
Nỗ lực ngăn chặn
Thực hiện chiến dịch phòng, chống ma túy do Thủ tướng Yingluck phát động không lâu sau khi nhậm chức, nhiều đội cảnh sát đặc biệt có trang bị đầy đủ vũ khí, phương tiện và tiền bạc được điều đến các khu vực biên giới phía bắc, ngăn chặn các băng buôn lậu ma túy xuyên biên giới. Số trạm kiểm soát của quân đội và cảnh sát dọc đường biên với Myanmar tại các tỉnh Chiang Rai, Chiang Mai và Mae Hong Son được tăng thêm gấp ba lần. Hơn 300 camera an ninh được lắp đặt tại những trạm quan trọng.
Chặn dòng ma túy từ biên giới phía bắc và đông-bắc, Thái-lan tăng cường hợp tác với các nước trong khu vực. Nước này cùng với Myanmar, Lào và Trung Quốc triển khai chiến dịch chung trong hai tháng nhằm trấn áp các cơ sở sản xuất thứ gây nghiện này, truy quét tội phạm “cái chết trắng” trên sông Mê Công, bắt đầu từ ngày 20-4 vừa qua.
Thái-lan cùng Myanmar, Việt Nam, Trung Quốc, Lào và Campuchia nhất trí đẩy mạnh hợp tác phòng, chống ma túy. Tuyên bố chung tại hội nghị cấp bộ trưởng sáu nước ở thủ đô của Myanmar hôm 9-5 vừa qua nhấn mạnh, sản xuất và tiêu thụ ma túy gia tăng nhanh là mối nguy hại lớn đối với khu vực và thế giới. Sáu quốc gia sẽ tăng cường hợp tác xuyên biên giới, đẩy nhanh việc thực hiện những chương trình phát triển cây trồng thay thế cây anh túc, chia sẻ kinh nghiệm trong ngăn chặn sử dụng ma túy, cai nghiện và nâng cao nhận thức trong cộng đồng về tác hại của chất gây nghiện này.
Theo Nhandan
Ý kiến ()