Chống lũ nơi vùng cao biên giới
Bên cạnh thực hiện tốt nhiệm vụ quản lý, bảo vệ chủ quyền biên giới quốc gia, trong những năm qua, cán bộ, chiến sĩ Ðồn Biên phòng Mỹ Lý (Bộ đội Biên phòng Nghệ An) tích cực giúp đồng bào các dân tộc thiểu số hai xã biên giới Mỹ Lý và Bắc Lý (Kỳ Sơn, Nghệ An) phòng chống, giảm nhẹ thiên tai (PC,GNTT) trong mùa mưa lũ.
Bên cạnh thực hiện tốt nhiệm vụ quản lý, bảo vệ chủ quyền biên giới quốc gia, trong những năm qua, cán bộ, chiến sĩ Ðồn Biên phòng Mỹ Lý (Bộ đội Biên phòng Nghệ An) tích cực giúp đồng bào các dân tộc thiểu số hai xã biên giới Mỹ Lý và Bắc Lý (Kỳ Sơn, Nghệ An) phòng chống, giảm nhẹ thiên tai (PC,GNTT) trong mùa mưa lũ.
Vượt chặng đường gần 300 km, qua nhiều đèo dốc và đoạn đường sạt lở, từ TP Vinh, chúng tôi cùng cán bộ của Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Nghệ An đến thăm Ðồn Biên phòng Mỹ Lý. Ngay trước cổng chính vào Ðồn Biên phòng Mỹ Lý, dòng sông Nậm Nơn nước từ thượng nguồn đỏ ngầu phù sa dồn về cuồn cuộn. Nhận định nhiều tình huống xấu có thể xảy ra trong trận mưa lũ này, cán bộ chỉ huy của Ðồn khẩn trương chỉ đạo các tổ, đội kiểm tra phương tiện để sẵn sàng cơ động, phối hợp các lực lượng ở địa phương kịp thời ứng phó. Trong điều kiện thời tiết càng lúc càng xấu đi, mưa mỗi lúc to hơn, tranh thủ thời gian gắn thêm chiếc phao cứu sinh vào xuồng máy được neo chắc chắn bên bờ sông Nậm Nơn, Ðồn trưởng, Thượng tá Nguyễn Xuân Phương, cho biết: Ðơn vị được giao nhiệm vụ phụ trách địa bàn hai xã vùng sâu, vùng xa biên giới là Mỹ Lý và Bắc Lý, quản lý và bảo vệ 46 km đường biên giới, trong đó có 25 km đường biên giới trên sông. Do địa hình hai xã có nhiều đồi núi cao, khe suối sâu và sông Nậm Nơn chảy qua, cho nên về mùa mưa bão, địa bàn được coi là một trong những khu vực trọng điểm của huyện Kỳ Sơn thường xảy ra lũ quét, lũ ống, sạt lở đường giao thông…
Ðể đối phó với “giặc lũ”, ngay từ đầu năm, chỉ huy Ðồn chủ động xây dựng kế hoạch PC,GNTT, tìm kiếm cứu nạn rất cụ thể, thiết thực, bảo đảm theo đúng phương châm “bốn tại chỗ”: chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, cơ sở vật chất tại chỗ và phương tiện tại chỗ.
– Với sức người, các anh có thể thực hiện được việc tìm kiếm cứu nạn. Nhưng với điều kiện vật chất còn khó khăn như thế, các anh làm sao để PC, GNTT?” – chúng tôi hỏi Ðại úy Vi Văn Trọng, Ðồn phó nghiệp vụ. Anh cho biết: Ðơn vị luôn duy trì nghiêm túc các chế độ, nền nếp canh trực, nắm chắc diễn biến tình hình thời tiết, khí hậu và địa bàn, cùng chính quyền địa phương xây dựng, bảo dưỡng kè kiên cố để tránh lũ quét, lũ ống. Quan trọng nhất là phải rà soát các gia đình sống ở vùng thấp dọc theo sông Nậm Nơn, gần các khe suối, những nơi có nguy cơ sạt lở cao để tuyên truyền, vận động di dời. Khảo sát các khu vực thường xảy ra lũ quét, lũ ống để cắm biển báo cho người dân biết và phòng tránh…
Nhờ sự chủ động của Bộ đội Biên phòng Ðồn Mỹ Lý, trong mùa mưa lũ từ nhiều năm qua, tại xã Mỹ Lý và Bắc Lý đã không xảy ra thiệt hại về người. Thượng úy Seo Văn Nồm, Ðội trưởng phòng, chống tội phạm ma túy của Ðồn nhớ lại trận lũ quét lớn xảy ra tháng 7-2011, tại địa bàn xã Bắc Lý, đã cuốn trôi hai trường học, một trạm y tế xã; cùng hàng chục nhà dân và nhiều tài sản, hoa màu, gia súc, gia cầm ở hai bản Huồi Cáng 1 và Huồi Cáng 2… Anh cho biết: Ngay khi mưa lũ xảy ra, chúng tôi vượt núi, xuyên rừng kịp thời có mặt, không quản hiểm nguy, dầm mình trong nước lũ để di dời người, tài sản của nhân dân. Có chiến sĩ trong khi làm nhiệm vụ bị lũ cuốn trôi hơn ba km, nhưng do được tập luyện thường xuyên, cho nên đã thoát khỏi nguy hiểm. Khi lên được bờ, anh lại nỗ lực tiếp sức cho anh em trong Ðồn để hoàn thành nhiệm vụ.
Sau trận lũ, đơn vị huy động cán bộ, chiến sĩ không kể ngày nghỉ, giờ nghỉ phối hợp lực lượng địa phương giúp dân nạo vét bùn đất, vệ sinh nhà ở; di dời tài sản của dân lên vùng cao tránh lũ. Ðồng thời, vận động cán bộ, chiến sĩ quyên góp, ủng hộ mỗi gia đình có nhà bị cuốn trôi, bị ngập, sập 500 nghìn đồng, từ 10 đến 20 kg gạo và hàng chục bộ quần áo…, giúp các gia đình nhanh chóng ổn định cuộc sống. Chủ tịch UBND xã Bắc Lý Cụt Pó Dương phấn khởi: “Xã có 13 xóm, bản, gồm 823 hộ với 4.413 khẩu, chủ yếu là người dân tộc Khơ Mú, Mông và Thái. Các hộ gia đình thường sống trên các sườn núi, ven sông, suối. Những năm qua, sự chung tay, sát cánh của cán bộ, chiến sĩ Ðồn Biên phòng Mỹ Lý, đã góp phần hạn chế thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra. Cấp ủy, chính quyền và bà con đồng bào dân tộc thiểu số xã mình biết ơn Ðảng, Nhà nước và Bộ đội Biên phòng rất nhiều”.
Theo Nhandan.vn
Ý kiến ()