Chống lạm thu đầu năm học
Sau ngày khai giảng, khi chất lượng giáo dục, đổi mới phương pháp giảng dạy của năm học mới chưa được các trường bàn đến nhiều thì chuyện "cơm, áo, gạo, tiền" trong thu chi của các cơ sở giáo dục đầu năm học lại nóng lên. Nhất là các trường học ở khu vực các thành phố, tiếp diễn tình trạng lạm thu vốn như một căn bệnh "kinh niên".Theo quy định, ngoài học phí thì học sinh không phải đóng góp thêm một khoản nào khác. Nhưng nguồn tiền ngân sách chi cho giáo dục còn hạn chế nên cần có nguồn xã hội hóa. Có hai dạng hỗ trợ, một là tình nguyện góp cho trường, thứ hai là huy động đóng góp. Dù ở phương thức nào, thì yếu tố tự nguyện vẫn là quan trọng nhất.Tuy nhiên, thực tế diễn ra lại không như vậy, nhiều trường học tự đề ra các khoản thu phi lý lên tới hàng triệu đồng, bằng nhiều phương thức "luồn lách" khác nhau. Nhiều địa phương đã quy định rất rõ tất cả các khoản thu, nhà trường phải thông báo công khai bằng văn bản tới từng cha...
Theo quy định, ngoài học phí thì học sinh không phải đóng góp thêm một khoản nào khác. Nhưng nguồn tiền ngân sách chi cho giáo dục còn hạn chế nên cần có nguồn xã hội hóa. Có hai dạng hỗ trợ, một là tình nguyện góp cho trường, thứ hai là huy động đóng góp. Dù ở phương thức nào, thì yếu tố tự nguyện vẫn là quan trọng nhất.
Tuy nhiên, thực tế diễn ra lại không như vậy, nhiều trường học tự đề ra các khoản thu phi lý lên tới hàng triệu đồng, bằng nhiều phương thức “luồn lách” khác nhau. Nhiều địa phương đã quy định rất rõ tất cả các khoản thu, nhà trường phải thông báo công khai bằng văn bản tới từng cha mẹ học sinh (nêu rõ những khoản thu theo quy định, thỏa thuận, tự nguyện); các trường không được thu gộp nhiều khoản vào đầu năm học. Nhưng trong họp phụ huynh, nhiều trường chỉ đọc một loạt các khoản thu cho phụ huynh, học sinh ghi chép lại; nếu có văn bản cũng không có xác nhận của nhà trường mà chỉ là tờ giấy in các khoản thu rồi đề nghị phụ huynh ký vào để tránh bị kiểm tra. Có những khoản thu do một số phụ huynh thuộc diện “gia đình có điều kiện” đề xuất, ban đại diện cha mẹ học sinh biểu quyết để yêu cầu tất cả phải đóng góp bình quân. Trong khi đó việc bầu ban đại diện cha mẹ học sinh chỉ là hình thức; nhiều nơi chủ yếu do “định hướng” của nhà trường. Ngoài ra, phần lớn các khoản lạm thu từ “gợi ý” của nhà trường được gọi là tự nguyện, nhưng vì những điều “tế nhị” phụ huynh cũng khó có thể từ chối.
Để tránh tình trạng lạm thu, các cơ quan quản lý, chính quyền địa phương căn cứ thẩm quyền và trách nhiệm thực hiện tốt thanh tra, kiểm tra, giám sát và xử lý các sai phạm. Các cơ sở giáo dục phải tổ chức thu, quản lý và thông báo dự toán sử dụng, công khai quyết toán các khoản đóng góp tự nguyện theo đúng quy định của pháp luật; không tùy tiện lập các quỹ để ép phụ huynh học sinh đóng góp dưới danh nghĩa đóng góp tự nguyện. Bộ Giáo dục và Đào tạo mới đây cũng khuyến khích phụ huynh học sinh nên trực tiếp thu chi các khoản đóng góp tự nguyện (hạn chế thông qua nhà trường) cho hiệu quả và chỉ nên triển khai những khoản hỗ trợ có tác dụng thiết thực cho học sinh. Không được dùng tiền thu góp vào việc hỗ trợ các hoạt động dạy học (như hỗ trợ mua máy vi tính cá nhân, tổ chức hội giảng…) và khen thưởng cán bộ, giáo viên, nhân viên nhà trường. Mặt khác, lãnh đạo bộ cũng khẳng định sẽ khảo sát thêm và quy định nhiều “điều cấm” hơn nữa, tránh lạm thu, nhằm việc thu phục vụ những điều thiết thực nhất cho học sinh học tập.
Đáng chú ý, cái gốc của vấn đề phụ thuộc vào cách làm của mỗi trường, nếu có ý thức chi tiêu hợp lý, cần mới chi thì sẽ hạn chế việc đóng góp của phụ huynh học sinh. Vì vậy, việc giám sát thanh tra, xử lý những trường lạm thu cần được các cơ quan quản lý, nhất là cơ quan quản lý giáo dục, công khai rộng rãi. Thực tế từ trước đến nay hầu như chưa có cơ sở giáo dục nào bị xử lý nghiêm khắc do lạm thu (nếu có cũng chỉ ở dạng “giơ cao, đánh khẽ”); còn lại tình trạng phổ biến là trách nhiệm được “đá” sang cho ban đại diện cha mẹ học sinh, nhà trường thì vô can.
Một nghịch lý khác, việc lạm thu chủ yếu diễn ra ở trường lớn, trường điểm, trường có đông học sinh (vốn đã có nhiều kinh phí hoạt động) chứ ít diễn ra ở trường nhỏ, trường ngoại thành, trường vùng sâu vùng xa… Vì vậy, để chấm dứt tình trạng lạm thu, hơn hết chính là ý thức đạo đức, trách nhiệm của mỗi thầy giáo, cô giáo, mỗi nhà trường và cơ quan quản lý giáo dục.
Theo Nhandan
Ý kiến ()