Chống khai thác IUU: Quản lý, tuyên truyền tốt đi đôi với xử lý nghiêm
Ngăn chặn hành vi khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU), tiến tới gỡ "thẻ vàng" IUU không chỉ là yêu cầu cấp thiết, giúp phát triển ngành nuôi trồng và khai thác hải sản bền vững mà còn thể hiện trách nhiệm, giữ uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế. Đây cũng là điều kiện cần để sản phẩm thủy sản Việt Nam có thị trường tốt hơn ở châu Âu.
Thể hiện quyết tâm phát triển nghề cá bền vững, minh bạch, có trách nhiệm với cộng đồng quốc tế, thời gian qua, các địa phương ven biển nỗ lực triển khai nhiều giải pháp mạnh để ngăn chặn hành vi khai thác IUU. Trong đó, các địa phương tập trung tuyên truyền pháp luật, nâng cao nhận thức cho chủ tàu, ngư dân khai thác trên biển; kiên quyết xử lý nghiêm những hành vi vi phạm, áp dụng triệt để các biện pháp ngay từ bờ để kịp thời phát hiện từ sớm, từ xa, có biện pháp ngăn chặn, xử lý kịp thời tàu cá, ngư dân có dấu hiệu đi khai thác bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài.
Tại tỉnh Kiên Giang, nơi tập trung đội tàu khai thác thủy sản đông nhất cả nước, thời gian qua đã có những giải pháp kịp thời để quản lý, ngăn chặn, răn đe các hành vi khai thác bất hợp pháp. Đầu năm 2024, Tòa án Nhân dân tỉnh Kiên Giang đưa ra xét xử hình sự 4 bị cáo về tội móc nối, tổ chức đưa tàu cá đi khai thác trái phép ở vùng biển nước ngoài. Đây là vụ xử lý hình sự đầu tiên ở tỉnh Kiên Giang và cả nước, cho thấy quyết tâm của địa phương này trong công tác quản lý tàu cá, thực hiện các giải pháp gỡ "thẻ vàng" của Ủy ban châu Âu (EC).
Ông Lê Hữu Toàn, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) tỉnh Kiên Giang cho biết: “Đến nay, 100% tàu cá có chiều dài từ 15m trở lên của ngư dân đã được lắp đặt thiết bị giám sát hành trình. Nếu như trước đây, sản lượng thủy sản của tỉnh Kiên Giang truy xuất được nguồn gốc chỉ chiếm tỷ lệ khoảng 10% thì nay đã tăng lên trên 61%. Đối với các tàu cập cảng chỉ định tại hai cảng cá Tắc Cậu (xã Bình An, huyện Châu Thành) và An Thới (phường An Thới, TP Phú Quốc) được giám sát và truy xuất nguồn gốc 100% sản lượng thủy sản khai thác bốc dỡ qua cảng”.
Tại TP Hải Phòng, các cơ quan, đơn vị trực thuộc Sở NN-PTNT, Sở Thông tin và Truyền thông, Bộ đội Biên phòng và các địa phương thường xuyên thông tin, tuyên truyền về chống khai thác IUU bằng nhiều hình thức, như: Thông qua các hội nghị, các đợt kiểm tra, kiểm soát hoạt động nghề cá tại cảng cá, trên các vùng biển; phát thanh hằng ngày tại các cảng cá trọng điểm: Ngọc Hải (phường Hải Sơn, quận Đồ Sơn); Trân Châu (xã Trân Châu, huyện Cát Hải)... Nội dung Luật Thủy sản năm 2017 và các văn bản liên quan được đưa vào bản tin phát thanh nội bộ khi các phương tiện về bến tại cảng cá Ngọc Hải, cảng cá Mắt Rồng ở xã Lập Lễ, huyện Thủy Nguyên với tần suất 2 ca/ngày, mỗi ca 1 giờ. Bên cạnh đó, TP Hải Phòng đã ban hành chính sách hỗ trợ 50% giá trị thiết bị giám sát hành trình và 36 tháng cước dịch vụ thuê bao. Hỗ trợ 100% chi phí đào tạo, cấp bằng, chứng chỉ thuyền trưởng, máy trưởng cho các chủ phương tiện tàu cá của thành phố bảo đảm đáp ứng đủ các điều kiện về văn bằng, chứng chỉ theo quy định trước khi xuất bến. Dự kiến trong thời gian tới, HĐND thành phố sẽ ban hành nghị quyết quy định cơ chế, chính sách hỗ trợ chuyển đổi nghề khai thác thủy sản cho ngư dân TP Hải Phòng đến năm 2030. Theo ông Đỗ Đức Thịnh, Phó chi cục trưởng phụ trách Chi cục Thủy sản, Sở NN-PTNT TP Hải Phòng: “Nhờ các biện pháp tuyên truyền và hỗ trợ kịp thời, đến nay, 100% số tàu cá của thành phố đã được kẻ biển, đánh dấu; 100% tàu cá có chiều dài hơn 15m được cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm và lắp thiết bị giám sát hành trình tàu cá; 100% tàu cá được cấp giấy phép khai thác thủy sản”.
Quản lý chặt tàu cá, ngăn chặn hành vi khai thác IUU là nhiệm vụ quan trọng cả trước mắt cũng như lâu dài để phát triển bền vững ngành thủy sản nước ta. Đây cũng là yêu cầu cấp bách để gỡ “thẻ vàng” của EC, nếu không làm được sẽ ảnh hưởng đến chi phí của doanh nghiệp, tác động đến hoạt động của 82.000 tàu cá và cuộc sống của hàng triệu ngư dân. Trước vấn đề này, ngày 10-4-2024, Ban Bí thư ban hành Chỉ thị số 32-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định và phát triển bền vững ngành thủy sản, nhằm thực hiện mục tiêu gỡ cảnh báo “thẻ vàng” trong năm 2024 và duy trì kết quả bền vững, góp phần phát triển kinh tế-xã hội; bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền biển, đảo; tăng cường quan hệ chính trị, ngoại giao, vị thế của Việt Nam với quốc tế.
Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến chia sẻ: “Chúng ta đã có hệ thống văn bản quy phạm pháp luật rất đầy đủ từ luật, nghị định, thông tư, quyết định, nhưng để chuyển biến sâu rộng, căn bản, cần có sự vào cuộc của cả hệ thống trị. Chỉ thị số 32-CT/TW của Ban Bí thư sẽ tăng cường sự chỉ đạo xuyên suốt từ Đảng, Nhà nước. Chúng ta tin tưởng “thẻ vàng” sẽ được gỡ trong thời gian sớm nhất”.
Ý kiến ()