Chống hàng nhái, hàng lậu: Siết “kẽ hở” từ thông tư
Ngoài yếu tố về lợi nhuận khổng lồ thì việc lợi dụng các kẽ hở từ Thông tư 60/2011/TTLT-BTC-BCT-BCA để hợp thức hóa đơn đang là vấn đề nổi cộm, làm giảm hiệu quả của công tác chống buôn lậu.
NDĐT – Ngoài yếu tố về lợi nhuận khổng lồ thì việc lợi dụng các kẽ hở từ Thông tư 60/2011/TTLT-BTC-BCT-BCA để hợp thức hóa đơn đang là vấn đề nổi cộm, làm giảm hiệu quả của công tác chống buôn lậu.
Ở thời điểm cuối năm 2012, có một sự kiện đã gây rúng động trong dư luận khi lực lượng công an kinh tế tiến hành kiểm tra phát hiện cửa hàng đồ hiệu Gucci – Milano trong TP Hồ Chí Minh nghi có dấu hiệu trốn thuế thì tại miền Bắc, Chi cục quản lý thị trường Hà Nội cũng tiến hành kiểm tra đồng loạt hệ thống cửa hàng này. Qua kiểm tra hóa đơn, chứng từ hàng hóa gồm 8.000 sản phẩm (hơn 99 tỷ đồng), nhận thấy nhiều dấu hiệu vi phạm, lực lượng Quản lý thị trường đã phối hợp với Công an TP Hà Nội tịch thu toàn bộ số hàng hóa. Sau quá trình đấu tranh, đối tượng đã khai nhận toàn bộ số hóa đơn chứng từ là của lô hàng khác chứ không phải lô hàng này.
Đây chỉ là một trong số rất nhiều những vụ việc liên quan đến công tác phòng chống hàng lậu, hàng giả, gian lận thương mại mà các lực lượng chức năng đã xử lý được. Theo các chuyên gia, ngoài yếu tố về lợi nhuận khổng lồ thì việc lợi dụng các kẽ hở từ Thông tư 60/2011/TTLT-BTC-BCT-BCA để hợp thức hóa đơn đang là vấn đề nổi cộm làm giảm hiệu quả của công tác chống buôn lậu.
Gia tăng số vụ vi phạm
Báo cáo của Ban Chỉ đạo 127/TW tại buổi giao ban công tác chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại năm 2013 cho biết: Năm 2012, các lực lượng chức năng đã phát hiện 31.389 vụ buôn lậu, vận chuyển hàng cấm, hàng nhập lậu với trị giá 440,7 tỷ đồng. Đối với lĩnh vực sản xuất buôn bán hàng giả, xâm phạm sở hữu trí tuệ, hàng kém chất lượng, đã phát hiện, xử lý 11.284 vụ, trị giá 121.64 tỷ đồng. Tình trạng sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng, xâm phạm sở hữu trí tuệ vẫn diễn ra phức tạp. Hàng hóa có thương hiệu, uy tín, được người tiêu dùng ưa chuộng thì ngay lập tức có hàng giả. Hàng giả không chỉ được sản xuất trong nước mà còn được nhập từ nước ngoài bằng cả đường chính ngạch và tiểu ngạch.
Nói về nguyên nhân của tình trạng này, bà Nguyễn Thị Như Mai – Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội cho biết: Nguyên nhân khiến hàng giả vẫn ngang nhiên hoành hành trong thời gian qua, thứ nhất là do sự chênh lệch lớn giữa giá trị hàng giả và hàng thật. Chính món lợi nhuận khổng lồ này đã kích thích những kẻ “buôn gian bán lận” ngày càng hoạt động tinh vi hơn. Bên cạnh đó, trước đây, để đưa sản phẩm vào Việt Nam, nhiều DN nước ngoài đã đăng ký bản quyền sản phẩm, đặt đại lý và văn phòng đại diện ở Việt Nam, thế nhưng do tình hình tài chính, kinh tế thế giới suy thoái, các hãng này rút dần và không thuê đại diện ở Việt Nam. Vì lẽ đó, nếu bắt được những mặt hàng đó mà không có xác nhận của chủ sở hữu thì cũng không xử lý được. Do đó, chỉ xử lý được một phần nào của hàng giả, còn lại là phải xử lý sang tình trạng như là không hóa đơn, chứng từ, hàng lậu, hoặc là các vi phạm khác về nhãn hàng hóa…
Mặt khác, theo ông Nguyễn Sỹ Bình – Trưởng phòng Kiểm tra – Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội: Khó nhất là các đối tượng hợp thức hóa đơn để buôn lậu hàng hóa, trong đó chỉ cần ghi lệch đi là hàng thanh lý với giá rất “bèo”, chỉ từ 15 nghìn đến 30 nghìn đồng là đã làm thất thu rất nhiều tiền thuế rồi. Quan trọng hơn là lực lượng chức năng cũng không làm gì được vì thiếu hành lang pháp lý.
Cần bịt “kẽ hở” từ pháp luật
Thông tư 60/2011/TTLT-BTC-BCT-BCA ngày 12-5-2011 được cho là một biện pháp giảm thiểu những thủ tục hành chính cho DN trong quá trình mua bán trao đổi hàng hóa. Tuy nhiên, quá trình triển khai đã nảy sinh nhiều bất cập, trong đó việc quy định “Hàng hóa nhập khẩu mua lại của các tổ chức, cá nhân khác để kinh doanh chỉ cần có hóa đơn bán hàng của bên bán là đủ và có thể xuất trình hóa đơn của lô hàng trong vòng 72 giờ” đã tạo ra kẽ hở để các đối tượng buôn lậu hợp thức hóa hàng nhập lậu.
Ông Vương Trí Dũng, Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý Thị trường Hà Nội cho biết: Mặc dù tại thời điểm kiểm tra, nhiều doanh nghiệp không xuất trình được hóa đơn, chứng từ đối với hàng hoá nhập khẩu. Nhưng theo quy định của thông tư 60 là chế độ hóa đơn sau 72 giờ kể từ thời điểm kiểm tra nên hàng nhập lậu lại được hợp thức hóa.
Đồng quan điểm này, ông Lê Hồng Sơn, Phó trưởng phòng cảnh sát kinh tế và Quản lý chức vụ công an Hà Nội bức xúc: Dù biết mười mươi là hàng nhập lậu, nhưng lực lượng chức năng không dám kiểm đếm ngay vì sợ đối tượng có thể lợi dụng thông tư 60 để sau 72 giờ (theo thời hạn phải xuất trình hóa đơn), có thể ghi bất cứ cái gì vào trong hóa đơn để hợp thức.
Thậm chí, theo ông Sơn, do nghi vấn hóa đơn lập khống nên khi tiến hành xác minh tại các DN xuất bán (chủ yếu các DN này ở tỉnh khác) kết quả xác minh lại càng bất ngờ, vì có thể hóa đơn là hợp pháp nhưng về nguồn gốc thì thậm chí DN xuất bán hóa đơn lại không hề nắm được chứng từ đầu vào của hàng hóa đó. “Hiện nay chưa có văn bản quy định rõ việc xử lý đối với những sai phạm nêu trên, nên tình trạng hợp thức bằng hóa đơn tài chính để xuất bán cho các cơ sở kinh doanh khác ngày càng phổ biến”, ông Sơn cho hay.
Mặt khác, theo Thông tư, chứng từ hoá đơn của các hộ kinh doanh không phải ghi cụ thể các nhãn hàng hóa, cho nên để trốn thuế và tiêu thụ hàng nhập lậu, các hộ kinh doanh chỉ ghi số lượng, mặt hàng, tổng giá…Vụ việc của Gucci – Milano Hà Nội chính là vụ việc tiêu biểu của trường hợp này.
Với những lý do này, theo ông Vương Trí Dũng: Cần rút ngắn thời gian xuất trình hóa đơn, chứng từ, tính hợp pháp của hàng hóa từ 72 giờ xuống còn 24 giờ để bảo đảm không bị “lọt” hàng giả, hàng lậu. Bên cạnh đó, cần có chế tài xử phạt nặng các đối tượng xuất hoá đơn khống về nguồn gốc hợp pháp và tiến hành truy thu thuế các hành vi như trên, có như vậy mới bảo đảm tính răn đe và sự nghiêm minh của pháp luật.
Ông Vũ Huy Hoàng – Bộ trưởng Công Thương nhận định thêm: Năm 2013, hoạt động buôn lậu, hàng giả, gian lận thương mại sẽ tiềm ẩn nhiều nguy cơ, gây khó khăn cho các cơ quan chức năng. Do đó, cần tập trung các biện pháp quyết liệt, thực hiện công tác kiểm soát thị trường, kiểm soát giá. Đồng thời, cần đẩy mạnh tập trung kiểm tra, kiểm soát tại các tuyến biên giới Việt – Trung, Việt – Lào, Việt Nam – Campuchia, các tuyến biên giới biển, các tuyến địa bàn trọng điểm… với các mặt hàng buôn lậu trọng điểm, đặc biệt là trong những tháng cuối năm 2013, nhất là dịp Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán. Mặt khác, cần đẩy mạnh công tác dự báo để nắm chắc thị trường, chỉ đạo kịp thời ứng phó với các tình huống xấu xảy ra. Việc tuyên truyền giáo dục đến người dân cần phải trở thành ý thức thường trực, thành phong trào rộng khắp toàn xã hội. Giữa các cơ quan chức năng cũng cần tăng cường trao đổi thông tin. Bên cạnh đó, cũng cần ra soát, sửa đổi, xây dựng mới khung pháp lý để bảo đảm hoạt động hiệu quả.
Nhandan
Ý kiến ()