Chống đói, rét cho đàn gia súc, gia cầm
Đồng bào dân tộc Thái xã Hát Lìu, Trạm Tấu, Yên Bái chống rét cho trâu. Đợt rét đậm, rét hại kéo dài từ cuối năm 2012 đến nay đe dọa nghiêm trọng đến đàn gia súc ở các tỉnh miền núi phía bắc. Rút kinh nghiệm từ tình trạng trâu, bò thả rông chết đói, chết rét hàng loạt những năm trước, ngay từ đầu mùa đông năm nay, các địa phương phía bắc đã chỉ đạo quyết liệt các biện pháp tránh rét cho đàn trâu, bò.Thay đổi nhận thức của người dân Trên đỉnh Khấu Dê, xã Xà Hồ, huyện Trạm Tấu, cách TP Yên Bái gần 150 km, dù đã hơn 9 giờ sáng, sương mù giăng giăng khắp núi, cái lạnh thấu xương, gió ù ù thổi thốc từ các triền khe suối lên khiến cây cỏ nằm rạp xác xơ, mấy con nghé non lông xù lên dù đã được nằm trong ổ rơm che chắn. Chủ tịch UBND xã Xà Hồ Chớ A Páo cho biết: Đến thời điểm này xã có gần 1.400 con trâu, bò, ngựa, dê, là xã có tổng đàn gia súc nhiều ở Trạm Tấu. Năm 2010...
Đồng bào dân tộc Thái xã Hát Lìu, Trạm Tấu, Yên Bái chống rét cho trâu. |
Đợt rét đậm, rét hại kéo dài từ cuối năm 2012 đến nay đe dọa nghiêm trọng đến đàn gia súc ở các tỉnh miền núi phía bắc. Rút kinh nghiệm từ tình trạng trâu, bò thả rông chết đói, chết rét hàng loạt những năm trước, ngay từ đầu mùa đông năm nay, các địa phương phía bắc đã chỉ đạo quyết liệt các biện pháp tránh rét cho đàn trâu, bò.
Thay đổi nhận thức của người dân
Trên đỉnh Khấu Dê, xã Xà Hồ, huyện Trạm Tấu, cách TP Yên Bái gần 150 km, dù đã hơn 9 giờ sáng, sương mù giăng giăng khắp núi, cái lạnh thấu xương, gió ù ù thổi thốc từ các triền khe suối lên khiến cây cỏ nằm rạp xác xơ, mấy con nghé non lông xù lên dù đã được nằm trong ổ rơm che chắn. Chủ tịch UBND xã Xà Hồ Chớ A Páo cho biết: Đến thời điểm này xã có gần 1.400 con trâu, bò, ngựa, dê, là xã có tổng đàn gia súc nhiều ở Trạm Tấu. Năm 2010 do rét đậm, cả xã có 147 con trâu chết do thả rông trên rừng, nhiều con chết thối hàng tuần gia đình đi tìm mới biết. Năm nay thì khác rồi, xã tổ chức hai cuộc họp chính và nhiều cuộc họp lồng ghép ở bản, yêu cầu từng hộ có trâu thả rông phải đi tìm về, đưa vào chuồng nuôi nhốt có che chắn bằng các vật liệu sẵn có, hằng ngày chăn thả có người dắt cho nên chưa có con nào chết. Gia đình Giàng A Lềnh ở bản Sáng Pao có ba con trâu đực to vừa đưa trên rừng về nhốt trong chuồng, mọi người bảo nếu bán thì được khoảng 150 triệu đồng, mua được bảy xe máy đấy. A Lềnh bảo, cán bộ nói thế thì dễ hiểu, chứ đồng bào mình chưa coi con trâu là tài sản đâu, nhưng nó mà chết rét đi thì cũng tiếc, nhưng bây giờ biết cách tránh rét cho nó rồi, mình còn chuẩn bị cả muối cho nó ăn cùng rơm khô nữa đấy.
Ở huyện Trạm Tấu, năm trước có 1.424 con trâu, bò chết do chủ quan trong phòng, chống đói, rét. Nguyên nhân là do trâu, bò được thả rông trên rừng theo tập quán cũ, khi có mưa phùn cộng với giá lạnh kéo dài làm trâu bị cước chân, chết hàng loạt. Rút kinh nghiệm, vụ rét năm nay huyện cử các tổ công tác xuống từng xã kiểm tra việc phòng, chống đói rét cho trâu bò. Đồng thời, yêu cầu thống kê các bãi chăn thả của đồng bào trong huyện, tiến hành đốt có kiểm soát không để gây cháy rừng, tạo điều kiện cho cỏ mọc tốt làm thức ăn cho trâu, bò. Các xã Bản Mù, Làng Nhì, Phình Hồ, Pá Lau, Pá Hu… sau đợt rét hơn mười ngày vừa qua, do làm tốt việc đưa trâu, bò về nuôi nhốt, không có con trâu, bò nào chết rét.
Tại huyện vùng cao Mù Cang Chải, trong đợt rét đậm này xuất hiện bệnh tụ huyết trùng trên đàn gia súc, làm chết 12 con nghé tại hai xã Mồ Dề và Nậm Có. Ngành thú y đã triển khai các biện pháp tiêm phòng, quản lý vận chuyển, giết mổ gia súc chặt chẽ, cho nên chưa xảy ra dịch bệnh lan rộng. Xác định đợt rét này còn kéo dài, huyện hỗ trợ 300 nghìn đồng/cây rơm trữ thức ăn cho trâu, bò; một triệu đồng/chuồng nuôi nhốt, đến nay toàn huyện đã có 800 cây rơm được làm tại các bản vùng cao. Nét mới là nhờ vận động đồng bào làm vụ ngô đông được hơn 470 ha, sau thu bắp thì toàn bộ thân, lá ngô được đưa về làm thức ăn cho đàn trâu, bò, cơ bản đủ ăn trong các ngày giá lạnh.
Xã Gia Hội, nơi có đàn gia súc đông của huyện Văn Chấn với tổng đàn gần 1.600 con trâu, bò, đợt rét năm 2008 có gần 200 con trâu, bò chết rét; năm 2010 có 220 con trâu, bò chết vì đói, rét. Phó Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Hợp Đoàn cho biết: Tại ba xã Gia Hội, Tú Lệ, Nậm Búng trong đợt rét đậm năm 2010 có hơn 600 con trâu, bò bị chết, cho nên vụ đông này, huyện quyết liệt chỉ đạo cơ sở hướng dẫn nông dân che chắn chuồng trại, làm được hơn 1.000 cây rơm, đủ thức ăn cho trâu, bò trong những ngày nuôi nhốt.
UBND tỉnh Yên Bái đã có công điện khẩn yêu cầu các huyện, thành phố, thị xã chỉ đạo đồng bộ, quyết liệt các biện pháp phòng, chống đói rét cho trâu, bò, ngựa và kiểm soát dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm; xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm ưu tiên hàng đầu hiện nay của địa phương, nhằm giảm thiệt hại đối với ngành chăn nuôi. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Xuân Nguyên cho biết: Trong hai ngày 7 và 8-1, tỉnh Yên Bái đã thành lập đoàn công tác kiểm tra tại bốn huyện, thị xã phía tây của tỉnh về công tác phòng, chống đói, rét cho trâu, bò; qua đó chấn chỉnh tình trạng quan liêu trong cán bộ cơ sở, tâm lý chủ quan trong dân, vì giá trị vật nuôi có giá từ 30 đến 50 triệu đồng, nếu chỉ cần có trâu chết do đói, rét thì hộ dân đó lại rơi vào tái nghèo.
Nhờ hệ thống chính quyền cơ sở vào cuộc với quyết tâm lớn, Yên Bái đã hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại cho đàn gia súc trong đợt rét đậm vừa qua.
Khi chính quyền cơ sở vào cuộc
Tại tỉnh Bắc Giang, hiện có đàn gia cầm lớn với khoảng 15,5 triệu con, gần 1,2 triệu con lợn, 200 nghìn con trâu, bò và khoảng 100 nghìn tấn cá chuẩn bị thu hoạch. Theo đó, một số nơi, một số đàn gà đã có dấu hiệu chết rét.
Ngay từ đầu mùa đông, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bắc Giang đã chỉ đạo các địa phương, phòng, ban liên quan vận động các hộ dân chăn nuôi tích cực phòng, chống rét, dịch bệnh, thành lập ba tổ công tác liên tục bám sát, kiểm tra, đôn đốc ở các địa bàn có đàn gia cầm, gia súc lớn, như: Yên Thế, Lục Ngạn, Sơn Động, Tân Yên, Yên Dũng. Sự chủ động, tích cực cùng với kinh nghiệm phòng, chống rét của các hộ dân chăn nuôi đã góp phần ngăn chặn hiệu quả những thiệt hại đáng tiếc có thể gây ra đối với đàn gia cầm, vật nuôi trên địa bàn.
Chi cục trưởng Chi cục Thú y Bắc Giang Hoàng Đăng Huyến cho biết, đã có đủ số lượng cán bộ thú y đến từng thôn, bản để tiêm phòng các bệnh cho đàn gia súc, gia cầm. Ngoài ra, cùng với lực lượng thường trực phòng, chống rét, dịch bệnh của tỉnh, ngành thú y thường xuyên kiểm tra, đôn đốc và hướng dẫn cán bộ, nhân dân nơi tập trung đông đàn gia cầm phương pháp phòng, chống, không để xảy ra dịch bệnh.
Kinh nghiệm phòng, chống rét, dịch bệnh của người chăn nuôi ở Bắc Giang đã góp phần không nhỏ bảo vệ cho đàn gia súc, gia cầm, vật nuôi. Một số nơi ở khu vực miền núi, bà con tập trung gia súc, gia cầm trong chuồng, che kín, đốt lửa hoặc thắp điện sáng. Có hộ dân còn “may áo” cho trâu, bò bằng bao tải hoặc quần áo cũ. Nhiều hộ nuôi cá cũng thả bèo hoặc các vật cho cá có nơi trú ẩn, tổ chức xây vành bao, quây bạt che chắn gió, bơm nước giếng khoan để tăng nhiệt độ… Bên cạnh đó, thức ăn cho gia cầm, vật nuôi cũng được bổ sung thêm vi chất dinh dưỡng nhằm tăng sức đề kháng. Hầu hết các hộ chăn nuôi đều có ý thức tự bảo vệ tài sản của mình bằng tất cả các biện pháp có thể. Cái khó trong bảo vệ đàn gia súc ở khu vực miền núi là nguồn thức ăn khá khan hiếm. Nhiều nơi không có cỏ, người dân phải cho trâu, bò, dê ăn thức ăn chế biến từ cám gạo, bột sắn, lá cây. Ông Lù Chính Ly, một chủ trang trại chăn nuôi bò, dê ở Thanh Hải (Lục Ngạn) cho biết: Rét quá không thả dê lên núi được, khó tìm cái ăn cho nó lắm, mấy hôm rồi phải cho ăn cám, sắn, ngô và lá cây. Nhà mình phải thuê người đi cắt cỏ nhưng không đủ. Nếu cứ rét mãi thì không biết làm thế nào, có khi phải bán bớt đi thôi.
Huyện Lục Ngạn có số lượng gia súc, gia cầm lớn nhưng hầu hết không tập trung mà rải rác ở nhiều hộ dân. Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện đã chủ động tuyên truyền, hướng dẫn các hộ dân chăn nuôi từ đầu mùa rét thông qua phương tiện truyền thanh, tờ rơi và cán bộ y tế thôn, bản. Ngoài ra, cùng với các ngành chức năng của huyện, cán bộ của Phòng đã liên tục bám sát các địa phương kiểm tra, đôn đốc nhân dân thực hiện các biện pháp phòng, chống rét, dịch bệnh cho gia súc, gia cầm. Nhiều xã trong huyện cũng cấm các hộ dân tự ý giết mổ gia súc để tránh tình trạng lợi dụng trời rét mua bán gia súc kiếm lời. Từ đó, nhiều hộ đã chủ động tu sửa chuồng trại, dự trữ thức ăn cho gia súc, gia cầm trước mùa rét. Trong thời gian rét đã áp dụng biện pháp bảo vệ nghiêm túc, đồng thời bổ sung thức ăn có nhiều khoáng chất hợp lý. Chính vì vậy, hầu hết gia súc trên địa bàn không bị ảnh hưởng do rét.
Chủ tịch UBND huyện Yên Thế Lưu Xuân Vượng cho biết, trước mùa rét UBND huyện đã thành lập Ban Chỉ đạo phòng, chống rét, dịch bệnh cho đàn gia cầm. Ngoài tiêm phòng dịch, nhiều biện pháp chống rét đã được triển khai như xây dựng, tu bổ chuồng trại, thắp đèn, đốt lửa giữ ấm, hỗ trợ hộ chăn nuôi làm chuồng úm gà… Đến thời điểm này, đàn gà của Yên Thế phát triển bình thường, ổn định.
Theo Nhandan
Ý kiến ()