Chống dịch trên mặt trận kinh tế
Nhiều chỉ số chứng khoán trên toàn cầu giảm điểm.
Đánh giá mới nhất của giới chuyên gia và các định chế tài chính những ngày gần đây đều bày tỏ sự quan ngại đại dịch đang “phủ bóng đen” lên triển vọng kinh tế toàn cầu. Tổng Giám đốc IMF C.Gioóc-giê-va cảnh báo rằng, dịch không còn là vấn đề khu vực mà là vấn đề toàn cầu, đồng thời kêu gọi các nỗ lực ứng phó chung. IMF nhận định, tác động của dịch Covid-19 sẽ làm chậm lại đà tăng trưởng kinh tế thế giới, xuống dưới mức 2,9% của năm 2019. Trong khi đó, Hội nghị Liên hợp quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD) cũng dự báo, ngoài những thảm họa thảm khốc về con người do dịch, nền kinh tế toàn cầu có thể sẽ thiệt hại khoảng 1.000 tỷ USD trong năm nay.
Giới phân tích cho rằng, khủng hoảng dịch bệnh sẽ kéo theo khủng hoảng kinh tế khi các doanh nghiệp đối mặt nguy cơ vỡ nợ, thị trường chứng khoán liên tục “đỏ sàn”. Theo Viện Tài chính Quốc tế, nếu cộng thêm số nợ vay của các ngân hàng và những tổ chức tín dụng khác, các doanh nghiệp trên thế giới hiện có tổng số nợ lên tới 75 nghìn tỷ USD, cao hơn gấp hai lần so với mức 32 nghìn tỷ USD năm 2005. Những quả “bom nợ” của doanh nghiệp có nguy cơ gia tăng khi các doanh nghiệp đã đi vay quá nhiều, nhất là những công ty năng lượng, hãng hàng không, doanh nghiệp điều hành các tàu du lịch kinh doanh khó khăn và khó trả được nợ. Tờ Independent vừa dẫn nhận định của chuyên gia kinh tế G.Cô-lôm-bô, người từng dự báo cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008, bày tỏ quan ngại rằng, thế giới đang đứng “trên bờ vực một cuộc khủng hoảng tài chính mới” và có thể còn nghiêm trọng hơn nhiều so với cuộc khủng hoảng năm 2008.
Trong bối cảnh nêu trên, hạn chế tác động tiêu cực của dịch về kinh tế đang là ưu tiên hàng đầu của tất cả các nền kinh tế lớn. Tại châu Âu, tâm dịch mới của thế giới hiện nay, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) vừa thông qua gói kích thích kinh tế trị giá 120 tỷ ơ-rô nhằm hỗ trợ các nền kinh tế khu vực. Nền kinh tế số một châu Âu là Ðức cũng tung ra gói cứu trợ kinh tế lớn nhất trong lịch sử hậu chiến của nước này. Theo đó, Chính phủ Ðức quyết định hỗ trợ 550 tỷ ơ-rô cho các công ty mới khởi nghiệp. Tại nền kinh tế số một thế giới là Mỹ, ông chủ Nhà trắng Ð.Trăm tuyên bố sẽ đưa ra các biện pháp then chốt nhằm hỗ trợ nền kinh tế. Theo đó, Chính phủ Mỹ đang xem xét việc cắt giảm thuế để giúp khuyến khích chi tiêu tiêu dùng và hỗ trợ các hộ gia đình đang gặp khó khăn trong việc trả tiền thuê nhà và tiền nợ thế chấp đúng hạn, hay trang trải các chi phí y tế khi số giờ làm việc của các thành viên trong gia đình bị rút ngắn trong thời gian bùng phát dịch bệnh.
Trung Quốc cũng đã tung ra các biện pháp mới để vực dậy “sức khỏe” cho nền kinh tế thứ hai thế giới đang bị tác động bởi đại dịch. Một văn bản do 23 bộ, ngành cùng soạn thảo đã được công bố để hướng dẫn các biện pháp tối ưu hóa nguồn cung, nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm và dịch vụ trong nước, thúc đẩy chi tiêu tiêu dùng trong nước và khai thác tiềm năng của thị trường nội địa. Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc thông báo sẽ tiến hành cắt giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc đối với các ngân hàng có đủ điều kiện từ ngày 16-3. Ðộng thái này sẽ giúp “giải phóng” 78,6 tỷ USD từ các khoản dự trữ dài hạn để giúp các ngân hàng trong nước có thêm vốn để hỗ trợ nền kinh tế.
Tại các nền kinh tế lớn khác như Hàn Quốc, Nhật Bản, các biện pháp “giải cứu” nền kinh tế khỏi nguy cơ suy thoái cũng đã được lên kế hoạch và triển khai. Tổng thống Hàn Quốc Mun Chê In đã hối thúc nước này triển khai các biện pháp “chưa từng có” để ứng phó những hậu quả kinh tế của dịch. Ngân hàng trung ương Hàn Quốc (BoK) đang xem xét tổ chức một cuộc họp khẩn cấp để bàn thảo về khả năng cắt giảm lãi suất để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Trong khi đó, tại nền kinh tế lớn thứ ba thế giới là Nhật Bản, Thủ tướng S.A-bê cho biết sẽ xem xét các lựa chọn khác nhau, bao gồm đề xuất tạm thời cắt giảm thuế tiêu dùng để hỗ trợ nền kinh tế.
Thực tế nêu trên cho thấy, nạn nhân của dịch không chỉ là con người, mà còn là các nền kinh tế. IMF vừa đưa ra một nhận định rất chính xác rằng: Mức độ suy giảm của tăng trưởng kinh tế toàn cầu do dịch Covid-19 sẽ phụ thuộc vào việc dịch kéo dài bao lâu và cách mà các chính phủ phản ứng như thế nào. Với các biện pháp ngày càng quyết liệt, kịp thời mà chính phủ các nước triển khai dập dịch cứu người và ngăn đà suy thoái kinh tế, giới đầu tư có thể hy vọng vào một “kịch bản tăng trưởng” kinh tế toàn cầu khả quan hơn những dự báo u ám hiện nay.
Ý kiến ()