Chống dịch không để ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế
Việc nhiều địa phương trong cả nước đồng loạt triển khai áp dụng Chỉ thị 16 về phòng, chống dịch Covid-19 với cấp độ khác nhau đang ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động sản xuất và lưu thông hàng hóa, làm dấy lên lo ngại về nhiệm vụ tăng trưởng kinh tế, bảo đảm “mục tiêu kép”. Vấn đề này được phản ánh rõ nét trong các báo cáo kinh tế vĩ mô sáu tháng đầu năm và triển vọng cuối năm, do các tổ chức nghiên cứu công bố gần đây.
Rủi ro đứt gãy chuỗi cung ứng đang hiện hữu
Tại Báo cáo kinh tế vĩ mô quý II/2021 vừa công bố, nhóm chuyên gia của Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) nhận định kinh tế Việt Nam quý II và sáu tháng đầu năm 2021 tăng trưởng khả quan nhờ Chính phủ kiểm soát tốt dịch bệnh từ giai đoạn cuối quý I, tạo điều kiện duy trì hoạt động kinh tế trong nước.
Các động lực tăng trưởng đến từ khu vực xuất khẩu do doanh nghiệp (DN) tận dụng cơ hội phục hồi khi các quốc gia EU mở cửa trở lại. Bên cạnh đó, môi trường vĩ mô ổn định, lạm phát kiểm soát được ở mức thấp; làn sóng dịch chuyển đầu tư và thương mại nhằm phân tán rủi ro từ cuộc xung đột thương mại Mỹ – Trung Quốc và sự gián đoạn của chuỗi cung ứng toàn cầu cũng là những yếu tố thuận lợi cho tăng trưởng kinh tế Việt Nam.
TS Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng, kinh tế Việt Nam giữ được đà phục hồi tăng trưởng nửa đầu năm 2021 với mức tăng trưởng GDP quý II đạt mức khá cao 6,61%. Một điểm sáng của kinh tế sáu tháng đầu năm là việc định hình tư duy cải cách thể chế kinh tế. Chính phủ mới vẫn hướng tới “mục tiêu kép” và lắng nghe, cân nhắc với tinh thần cầu thị hơn trước những đề xuất mới, như đề xuất cho phép các nhà máy trong khu công nghiệp thực hiện hoạt động sản xuất trong điều kiện bảo đảm phòng, chống dịch, đề xuất cho phép DN chủ động nhập vắc-xin…
Tuy nhiên, các báo cáo vĩ mô đều thống nhất cho rằng, những khó khăn của đợt bùng phát dịch Covid-19 lần thứ tư chưa phản ánh hết vào tình hình kinh tế – xã hội sáu tháng đầu năm và rủi ro đứt gãy chuỗi sản xuất, cung ứng đang hiện hữu. VEPR nhận định, dịch Covid-19 bùng phát trở lại từ cuối quý II đã làm gián đoạn quá trình sản xuất của các DN một số địa bàn kinh tế trọng điểm.
Quý II, chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) chỉ còn 44,1 điểm, hàm ý tăng trưởng của khu vực sản xuất và ngành công nghiệp chế biến, chế tạo bị ảnh hưởng rất nặng nề. Bên cạnh đó, DN còn chịu ảnh hưởng từ tình trạng giá cả sản xuất tăng mạnh. Cụ thể, giá hàng hóa phi nhiên liệu tăng 38,25%; giá thuê đất tại các khu công nghiệp tăng 8,1%, giá cước vận tải quốc tế tăng khoảng 4-8 lần tùy hải trình… Sản xuất, kinh doanh và lưu thông hàng hóa khó khăn, số DN tạm ngừng hoạt động, phá sản tiếp tục tăng hơn 26%…
Cần một chiến lược tổng thể chống dịch
Về triển vọng kinh tế cuối năm với dự báo biến thể mới của đại dịch Covid-19 vẫn tiếp tục ảnh hưởng tiêu cực và khó đoán định, các chuyên gia kinh tế cho rằng phải tìm được điểm trung hòa của “mục tiêu kép”. Nghĩa là, ưu tiên chính sách hướng đến phòng, chống dịch, bảo đảm sức khoẻ của nhân dân nhưng cũng phải duy trì cho được mục tiêu phát triển sản xuất, không để đứt gãy chuỗi cung ứng.
TS Nguyễn Đức Kiên, Tổ trưởng Tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ khẳng định: Đây là thời điểm rất khó khăn để bảo đảm “mục tiêu kép” vừa chống dịch vừa tăng trưởng kinh tế. Với những kiến thức chuyên môn về chống dịch đã được Bộ Y tế công bố, các cơ quan quản lý phải đưa ra những quyết sách dành khó khăn về phía các cơ quan chính quyền, đưa thuận lợi cho người dân và DN.
Đây là tư tưởng chủ đạo của Thủ tướng Chính phủ trong làn sóng bùng phát dịch Covid-19 lần thứ tư này. Theo TS Nguyễn Đức Kiên, dự kiến tốc độ tăng trưởng GDP cả năm 2021 sẽ dao động quanh mức 6%, tuy không phải mức cao nhưng cũng là khả quan, nhất là trước tác hại do dịch Covid-19 gây ra.
PGS, TS Phạm Thế Anh, Trưởng bộ môn Kinh tế vĩ mô Trường đại học Kinh tế quốc dân nhận định, gần đây, có địa phương còn yêu cầu người ngoại tỉnh phải có xét nghiệm PCR âm tính ngay cả khi đã tiêm đủ hai mũi là cách chống dịch cực đoan và cho thấy chúng ta vẫn chưa lường trước được sự lây lan của biến chủng Delta. Điều quan trọng lúc này là phải xây dựng các kịch bản về khả năng xảy ra tình huống xấu để có một chiến lược xử lý thống nhất trên toàn quốc nhằm hạn chế đến mức thấp nhất tác động của dịch bệnh đến hoạt động kinh tế.
Triển vọng kinh tế những tháng cuối năm phụ thuộc ba yếu tố chính: Tốc độ và quy mô tiêm chủng vắc-xin; hiệu quả/phản ứng phụ của các biện pháp phòng, chống dịch bệnh; các gói hỗ trợ và thúc đẩy tăng trưởng ở trong nước. Các bất cập liên quan đến lây nhiễm chéo trong khu cách ly, khai báo y tế, đứt gãy trong lưu thông hàng hóa do các biện pháp cực đoan, thiếu trang thiết bị y tế cần phải được tập trung nguồn lực để giải quyết nhanh chóng.
Dự báo kinh tế Việt Nam có thể tăng trưởng từ 6,1%-6,3%, các chuyên gia của Viện Đào tạo và Nghiên cứu thuộc Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam đề xuất Chính phủ cần thiết kế gói hỗ trợ lãi suất dành riêng cho các DN nhỏ và vừa ở lĩnh vực chịu tác động trực tiếp của đại dịch. Quy mô gói hỗ trợ khoảng 50 nghìn tỷ đồng áp dụng trong một năm, trong đó, ngân sách nhà nước dành khoảng 3.000 tỷ đồng bù lãi suất để DN được hưởng lãi suất vay vốn khoảng 4-5%/năm.
Cách hỗ trợ tốt nhất vẫn là Chính phủ kiên định thực hiện mục tiêu kép. Trong đó, phòng, chống dịch và chiến lược vắc-xin là tiên quyết nhưng cần hết sức linh hoạt, sáng tạo, sát thực tiễn tình hình, không quá cứng nhắc, nguyên tắc để dẫn đến “bế quan, tỏa cảng”, làm tê liệt các hoạt động như một vài địa phương đã triển khai thời gian qua.
Hai kịch bản tăng trưởng
Kịch bản 1: Dịch Covid-19 trong nước được kiểm soát vào tháng 10, tăng trưởng kinh tế có thể đạt mức 5,9%; lạm phát bình quân 2,6%, xuất khẩu tăng 16,4%, thặng dư thương mại 4,2 tỷ USD.
Kịch bản 2 (kịch bản lạc quan): Dịch Covid-19 ở Việt Nam được khống chế trong tháng 8; kinh tế thế giới phục hồi tích cực, tăng trưởng tín dụng trong nước và giải ngân đầu tư công ở mức cao hơn so nửa đầu năm. Dự báo GDP cả năm có thể tăng 6,2%, lạm phát tăng 2,8%; xuất khẩu tăng 18,3%, thặng dư thương mại ở mức 5,4 tỷ USD.
(Nguồn: Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương)
Theo Nhandan
Ý kiến ()