Chống dịch COVID-19: Đẩy mạnh dịch vụ thanh toán trực tuyến
Trong thời điểm chống dịch COVID-19, từ 15-20 dịch vụ công trực tuyến chuẩn bị được tích hợp lên Cổng Dịch vụ công quốc gia vào ngày 13/3 sẽ là những dịch vụ chú trọng đến thanh toán trực tuyến. Đây là những dịch vụ hết sức thuận tiện cho người dân, doanh nghiệp trong thời gian tới.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng phát biểu tại buổi làm việc. |
Sáng 10/3, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng chủ trì cuộc họp với các bộ, ngành liên quan nhằm kiểm thử, đánh giá kết quả tích hợp, cung cấp một số dịch vụ công trực tuyến trên Cổng Dịch vụ công quốc gia (DVCQG).
Phát biểu tại cuộc họp, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP nhấn mạnh, hiện nay dịch bệnh COVID-19 đang diễn biến rất phức tạp. Tại cuộc họp Thường trực Chính phủ hôm qua, Thủ tướng Chính phủ đánh giá Việt Nam đã thành công bước đầu trong giai đoạn 1. Tuy nhiên, cuộc chiến chống dịch COVID-19 bắt đầu sang giai đoạn mới, chúng ta đã có sự chuẩn bị tốt cho tình huống này và sẽ làm tốt hơn nữa các kịch bản chống dịch.
Bên cạnh việc đánh giá cao các bộ, cơ quan đã tích cực phối hợp với VPCP trong thời gian qua, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP đề nghị các bộ, cơ quan tiếp tục phối hợp đưa các dịch vụ công trực tuyến lên Cổng DVCQG trong thời gian tới. Trong thời điểm dịch bệnh đang diễn ra phức tạp, các dịch vụ công có ý nghĩa quan trọng bởi sự chú trọng đến cung cấp dịch vụ thanh toán trực tuyến, hạn chế sự tiếp xúc trực tiếp và tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp.
Dự kiến, vào ngày 13/3 tới, dưới sự chứng kiến của Thủ tướng Chính phủ, VPCP tổ chức hội nghị sơ kết 3 tháng triển khai Cổng DVCQG và khai trương Hệ thống thông tin báo cáo Chính phủ. Thời điểm sơ kết dự kiến sẽ có từ 15-20 dịch vụ công trực tuyến được đưa lên Cổng DVCQG.
Vì vậy, theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP, cuộc họp hôm nay sẽ tiếp tục đánh giá những kết quả đã triển khai, kiểm thử, đánh giá một số dịch vụ công trực tuyến cung cấp trên Cổng DVCQG sắp tới; từ đó khắc phục những tồn tại để dịch vụ công khi tích hợp phải bảo đảm tuyệt đối thành công.
Điểm chung của những dịch vụ công đưa lên Cổng DVCQG sắp tới chú trọng đến vấn đề thanh toán điện tử, đó là các dịch vụ liên quan đến: Thu phạt xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ; nộp thuế cá nhân; thu phí, lệ phí trước bạ ô tô, xe gắn máy; kê khai và nộp thuế doanh nghiệp; cấp mã số đơn vị quan hệ ngân sách và khai báo phiếu giao nhận hồ sơ giao dịch kiểm soát chi qua mạng và giao dịch một cửa với Kho bạc Nhà nước; dịch vụ hủy tờ khai hải quan, khai bổ sung hồ sơ hải quan; dịch vụ đăng ký hợp đồng cung ứng lao động; dịch đăng ký khai sinh và cấp phiếu lý lịch tư pháp…
Sẵn sàng để đưa các dịch vụ công lên Cổng DVCQG
Đối với việc cung cấp dịch vụ công trên Cổng DVCQG trong quý I/2020, Cục Kiểm soát TTHC (VPCP) cho biết, hiện đã tích hợp đăng nhập một lần với 11/22 bộ, ngành, 63/63 địa phương; thực hiện kết nối, đồng bộ trạng thái hồ sơ TTHC với 13/22 bộ, ngành, 63/63 tỉnh, thành phố.
Từ thời điểm Cổng DVCQG khai trương ngày 9/12/2019 đến hôm nay là tròn 3 tháng, đã có có trên 77.200 tài khoản đăng nhập, hơn 20,9 triệu người truy cập tìm hiểu thông tin dịch vụ, trên 2,6 triệu bồ hồ sơ đồng bộ trạng thái, trong đó có trên 13.100 hồ sơ trực tuyến thực hiện từ Cổng DVCQG. Đây là kết quả tích cực khi Cổng DVCQG được người dân, doanh nghiệp ủng hộ.
Tại cuộc họp, các bộ, ngành và Tập đoàn VNPT đã chạy thử nghiệm trên dữ liệu thật một số dịch vụ công trực tuyến được tích hợp trên Cổng DVCQG trong thời gian tới.
Theo Bộ Công an, từ ngày 5/3 đến nay, Cục Cảnh sát giao thông đường bộ đã phối hợp VPCP, các ngân hàng thương mại làm việc không ngày nghỉ, khắc phục các vướng mắc đã xác định tại cuộc họp trước đó. Đến 21h ngày 9/3, các đơn vị đã thành công trong chạy kiểm nghiệm dịch vụ nộp phạt vi phạm giao thông đường bộ với 5 trường hợp vi phạm có thật diễn ra trong 2 ngày qua.
Cụ thể, Cục Cảnh sát giao thông, Vietcombank đã thử nghiệm hoàn chỉnh quy trình thu phạt xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ đối với trường hợp công dân vi phạm thật.
Đại diện Tổng cục Thuế cũng thử nghiệm về các dịch vụ: Nộp thuế cá nhân; thu phí, lệ phí trước bạ ô tô, xe gắn máy; kê khai và nộp thuế doanh nghiệp. Kho bạc Nhà nước thử nghiệm dịch vụ cấp mã số đơn vị quan hệ ngân sách và khai báo phiếu giao nhận hồ sơ giao dịch kiểm soát chi qua mạng và giao dịch một cửa với Kho bạc Nhà nước.
Tổng cục Hải quan thử nghiệm dịch vụ hủy tờ khai hải quan, khai bổ sung hồ sơ hải quan. Cục Quản lý lao động ngoài nước thử nghiệm dịch vụ đăng ký hợp đồng cung ứng lao động. Cục Công nghệ thông tin (Bộ Tư pháp) thử nghiệm dịch đăng ký khai sinh và cấp phiếu lý lịch tư pháp.
Đối với dịch vụ đăng ký khai sinh đã có 45 tỉnh, thành phố đăng ký tích hợp, cung cấp dịch vụ trên Cổng DVCQG; dịch vụ cấp phiếu lý lịch tư pháp, có 51 tỉnh, thành phố đã đăng ký tích hợp. Hai dịch vụ này hiện VPCP đang phối hợp với các địa phương, cơ quan tiến hành kiểm thử và tích hợp trên Cổng DVCQG.
Đối với dịch vụ đăng ký mã số đơn vị quan hệ ngân sách đã được tích hợp, cung cấp trên Cổng DVCQG theo đúng thời hạn quy định. Dịch vụ khai báo phiếu giao nhận hồ sơ giao dịch kiểm soát chi qua mạng và giao dịch một cửa với Kho bạc Nhà nước đang trong quá trình triển khai các giải pháp kỹ thuật để tích hợp.
Tại cuộc họp, đại diện các ngân hàng như Vietcombank, Vietinbank cho biết các đơn vị đều tuân thủ và sẵn sàng phối hợp với các bộ, ngành nhằm cung cấp các dịch vụ thanh toán trực tuyến và đề nghị Ngân hàng Nhà nước có hướng dẫn cụ thể để phối hợp.
Tại cuộc họp, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP nhấn mạnh lại về tinh thần năm 2020 Thủ tướng đã chỉ đạo cải cách quyết liệt, thực chất, thể hiện đúng tinh thần Chính phủ phục vụ người dân, doanh nghiệp.
“Sự thực chất nhất là trong thời điểm khi dịch bệnh COVID-19 đang bùng phát mạnh thì ý nghĩa của cải cách dịch vụ công trực tuyến càng thiết thực cho người dân, đem lại sự minh bạch, công khai trong quá trình cải cách thủ tục hành chính”, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP nhấn mạnh.
Để chuẩn bị cho ngày sơ kết Cổng DVCQG dự kiến diễn ra vào ngày 13/3, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP đánh giá cao các bộ, cơ quan, đặc biệt là Cục Cảnh sát giao thông đường bộ, Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan, Kho bạc Nhà nước, các ngân hàng thương mại và đề nghị các đơn vị tiếp tục phối hợp để đưa các dịch vụ công tiếp theo lên Cổng DVCQG.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm cũng đề nghị VNPT tiếp tục cùng VPCP, Bộ Tư pháp kết nối các dịch vụ lên Cổng DVCQG, bảo đảm tốc độ đường truyền và an toàn, an ninh hệ thống.
Ý kiến ()