Chống đại dịch COVD 19 - Những ký ức của đoàn bác sỹ Lạng Sơn ở thành phố mang tên Bác
– Đại dịch COVID- 19 với những ngày căng thẳng đã qua, trải qua những tháng ngày dữ dội ấy, thành phố trở lại bình thường, ai cũng muốn tìm đến những nơi bình yên để bớt đi những gì là ngột ngạt bức bối của những ngày qua và không là ngoại lệ, tôi rời thành phố trở về với vùng đất mình đã gắn bó những năm tháng tuổi trẻ cống hiến cho sự nghiệp giáo dục miền núi – vùng đất biên cương xa xôi ở phía Bắc của tổ quốc.
Một trong nhiều lá thư bệnh nhân gửi đến đoàn Lạng Sơn và Bệnh viện Dã chiến số 6 thành phố Hồ Chí Minh
Trong những ngày trở về này, tôi đã gặp lại các em – những học trò xưa vừa trở về từ thành phố Hồ Chí Minh sau chiến dịch 150 ngày đêm. Các em là những chiến sĩ áo trắng từ vùng đất biên cương tình nguyện vào thành phố Hồ Chí Minh chống dịch, khi các em còn ở thành phố chống dịch, tôi chỉ có thể động viên, trợ giúp các em qua mạng xã hội. Giờ đây gặp lại em – Bác sĩ Đặng Huy Du, Phó Giám đốc bệnh viện Đa khoa tỉnh Lạng Sơn, là trưởng đoàn đoàn bác sĩ y tế Lạng Sơn chi viện tiếp sức cho thành phố Hồ Chí Minh chống dịch COVID – 19. Sau những hỏi thăm sức khỏe, em đã kể cho tôi nghe: Từ tháng 5/2021, dịch bùng phát tại thành phố Hồ Chí Minh, hằng ngày thấy số nhiễm tăng dần, số bệnh nhân nặng, bệnh nhân tử vong do tăng nhanh, là người trong nghề chúng em hiểu và mong muốn đóng góp sức mình cho cuộc chống dịch này. Vì vậy khi được yêu cầu, rất nhiều người đã xung phong vào vùng tâm dịch. Đoàn được thành lập gồm 32 bác sĩ , điều dưỡng , kĩ thuật viên được chọn từ các đơn vị thuộc ngành y tế của tỉnh vào tăng cường cho thành phố Hồ Chí Minh. Ngày lên đường chúng em được đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì buổi đưa tiễn với không khí long trọng mà ấm áp…
20 giờ ngày 26/7/2021 chúng em đến thành phố Hồ Chí Minh. Suốt dọc đường từ sân bay về địa điểm, đường phố vắng hoe hoắt do đã hạn chế đi lại, trên đường chỉ có xe công vụ, xe cứu thương liên tục rú còi ưu tiên, ngã tư nào cũng có chốt gác của lực lượng chức năng… cả đoàn cảm nhận được không khí căng thẳng khẩn trương và sự mất mát của tâm dịch.
Sau khi nhanh chóng ổn định nơi ăn chốn ở, chúng em tiếp nhận nhiệm vụ tại bệnh viện dã chiến số 6 – đó là 1 khu chung cư khoảng 1.000 căn hộ, có sức chứa 6.000 bệnh nhân và 1.000 nhân viên y tế cùng các tình nguyện viên, do bệnh viện phục hồi chức năng và bệnh nghề nghiệp thành phố Hồ Chí Minh trực tiếp điều hành. Sau 2 tuần làm chung, đoàn Lạng Sơn được thành lập riêng 1 khoa tại bệnh viện dã chiến số 6 với tên gọi “Khoa cấp cứu 2” . Có thể nói, mỗi ca trực 6 giờ trong trang phục chống dịch với thời tiết nóng ẩm phương nam, cộng với công việc liên tục nên mồ hôi ai cũng ướt đẫm, nhưng rồi, bệnh nhân nối tiếp bệnh nhân đến, có ngày cao điểm lên đến 600 người nhập viện, cả đoàn đã làm việc không ngừng nghỉ, không còn ca kíp, cả ngày lẫn đêm.
Niềm vui, hạnh phúc của các bệnh nhân được ra viện
Tại các phòng cấp cứu tiếng máy thở, máy theo dõi liên tục báo động, tiếng oxy sùng sục qua các bình làm ẩm. Các bệnh nhân nặng được chăm sóc từ thìa cháo, miếng nước, viên thuốc, ống thuốc, thay rửa và động viên tinh thần liên tục. Nhiều trường hợp bệnh nhân trở nặng nhanh chóng, cả kíp lại lao vào cấp cứu, rồi vận chuyển lên tuyến cao hơn. Công việc với áp lực cao, chúng em không nghĩ mình đi hỗ trợ mà thực sự là một cuộc chiến đấu gay go quyết liệt, chiến đấu bằng 200% sức lực. Có những trường hợp được bệnh viện hết lòng cứu chữa nhưng bệnh quá nặng đã ra đi mãi mãi để lại sự tiếc thương day dứt cho các thầy thuốc… Không thể nào quên được những ngày này cô ạ. Một cuộc chiến đấu đặc biệt chưa hề có tiền lệ, không có tiếng súng chỉ có tiếng monitor, tiếng máy thở….
Rồi chúng em lại rút kinh nghiệm, lại cập nhật kiến thức, nhận sự hỗ trợ từ tuyến trên, động viên nhau tích cực hơn nữa, tỷ mỉ tận tình hơn nữa…số bệnh nhân nặng giảm dần, số đỡ, số khỏi tăng dần. Rất nhiều lời cám ơn được gửi đến đoàn, đây chỉ là một trong số đó: “Thủ Đức ngày 2/10/2021… Tôi xin được cám ơn tập thể y bác sĩ đoàn y tế Lạng Sơn đã chăm sóc, giúp đỡ mẹ con tôi rất tận tình chu đáo và lễ phép …” . Rất nhiều bệnh nhân được ra viện, các hành lang bắt đầu tíu tít tiếng cười, lời cảm ơn, lời chia tay bịn rịn, những giọt nước mắt hạnh phúc lăn trên gò má mỗi người. Có thể nói không gì vui với người thầy thuốc là những lời cám ơn chân thành, những cử chỉ, lời động viên của bệnh nhân…đây chính là nguồn động lực to lớn, là phần thưởng, là chiến thắng lớn tạo không khí làm việc hồ bởi hơn, say mê hơn, mọi người cảm thấy ngày chiến thắng đã đến gần. Một chiến thắng, một trải nghiệm không thể quên trong cuộc đời.
Tình yêu thương, niềm tin quyết thắng của nhân viên y tế Lạng Sơn lan toả đến bệnh nhân và các đồng nghiệp
Những ngày vất vả đó, đoàn chúng em cũng rất cảm kích trước sự động viên kịp thời về tinh thần và vật chất của các cấp chính quyền thành phố Hồ Chí Minh, của Công đoàn Bộ Y tế, đặc biệt là các cấp, các ngành của tỉnh Lạng Sơn, các cá nhân, các nhà hảo tâm, gia đình, bạn bè … khiến chúng em luôn tự hào và nỗ lực hơn từng ngày từng giờ …
Tại bệnh viện dã chiến số 6 nhiều hoạt động văn nghệ, thể thao, thi nấu ăn, thi cắm hoa … đã được tổ chức đã động viên các thầy thuốc và bệnh nhân rất nhiều. Lãnh đạo thành phố, lãnh đạo ngành y tế luôn có mặt, sát cánh bên anh em, động viên … chính điều đó đã tạo nên niềm tin, niềm hy vọng, niềm lạc quan chiến thắng cho mỗi cán bộ y tế chúng em hằng ngày.
Từ cuối tháng 9/2021 số bệnh nhân đã giảm dần, các biện pháp phòng chống dịch của thành phố cũng nới lỏng. Đến ngày 8/10 chúng em được lệnh bàn giao số bệnh nhân còn lại cho đồng nghiệp, chuẩn bị trở về. Niềm vui chiến thắng vỡ oà … Trong đoàn chúng em, nhiều người đây là lần đầu tiên đến thành phố, nên cả đoàn quyết định đến một vài địa điểm nổi tiếng của thành phố Hồ Chí Minh để tham quan… Hôm sau lên đường nhiều đồng nghiệp đã tiễn đưa chúng em tận sân bay. Chúng em đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, mong muốn thành phố sẽ phục hồi mạnh mẽ hơn sau đại dịch.
BN được chăm sóc điều trị tại bệnh viện dã chiến số 6 bằng các thiết bị hiện đại, chụp X-Quang tại giường
Trò chuyện với em, nghe em kể về những ngày khốc liệt tại thành phố Hồ Chí Minh, tôi muốn em kể cho mình nghe về em – một bác sĩ hồi sức cấp cứu, trưởng đoàn của những người lính áo trắng vào tuyến đầu chống dịch, nhưng ngừng một lát, em kể cho tôi nghe chuyện một nữ bác sĩ trong đoàn: Trong đoàn có bác sỹ Lê Hoài Trang 29 tuổi, là chị cả trong một gia đình, xinh gái, tốt bụng, năng nổ, chưa có người yêu …em được bầu là tổ trưởng công đoàn của đoàn. Hôm ấy khi gần hết ca của Trang nhưng có bệnh nhân nặng, Trang đã xung phong đi áp tải bệnh nhân, thời gian kéo dài thêm 3 giờ nữa, trời rất nóng nên khi vào đến thang máy em đã ngã ngất đi … lúc này đồng đội chỉ biết bế Trang đặt lên thảm cỏ ngoài vườn để làm mát nhanh hơn, rồi thận trọng nới dần đồ bảo hộ vì sợ lây nhiễm …chỉ là một việc nhỏ nhưng việc làm của bác sỹ Trang thật sự động viên mỗi cán bộ y tế trong hoàn cảnh ấy phải cố gắng nhiều hơn, nỗ lực nhiều hơn vì sự sống của người dân nơi đây, rồi 3 điều dưỡng viên trong đoàn bị nhiễm bệnh cũng đã vượt lên chiến thắng, có bác sĩ vợ sinh con đầu lòng mà không ở bên …tất cả đều vượt lên hoàn cảnh. Trải qua gần 3 tháng họ đã sát cánh bên nhau, đã nỗ lực không mệt mỏi từng ngày, từng giờ, gác lại những gì là riêng tư cá nhân, cùng nhau trải qua nhiều cung bậc cảm xúc, động viên nhau kiên cường bám trụ để cuối cùng là hơn 2.000 bệnh nhân được điều trị và xuất viện tại khoa … một sự hy sinh thầm lặng kiên cường.
Em không kể về mình nhưng tôi hiểu trong sự chiến thắng trở về được UBND thành phố Hồ Chí Minh tặng 19 bằng khen ấy không thể không có sự đóng góp to lớn của em, em nói tiếp: “Tiếp xúc với đại dịch em mới thấy sự tàn phá của nó thật khủng khiếp, bệnh nhân trở nặng rất nhanh, phổi và các cơ quan khác cũng tổn thương nặng nề . Em đã cùng ban lãnh đạo bệnh viện thống nhất đưa ra phác đồ điều trị tích cực nhất, đã động viên anh chị em sâu sát hơn nữa, nhất là với bệnh nhân có bệnh nền như đái tháo đường, cao huyết áp …vì vậy cứu được nhiều bệnh nhân, được bệnh viện và bệnh nhân tin tưởng. với đồng nghiệp, em luôn quan tâm động viên từ bữa ăn hàng ngày đến những hoàn cảnh khó khăn, đặc biệt ở gia đình cũng như đồng nghiệp bị nhiễm dịch …. Ngày trở về của em và cả đoàn không chỉ mang theo niềm vui, nỗi nhớ và sự chiến thắng, mà đó còn có cả niềm tự hào của người thân, bạn bè và đồng nghiệp”.
Chia tay ra về, em cứ xin lỗi tôi vì chưa đến thăm cô, em cảm ơn tôi những ngày tháng căng thẳng đó đã giúp đỡ động viên em và cả đoàn rất nhiều, lo lắng từng miếng ăn khi các em vào phương Nam lần đầu … Nhưng trùm lên trong tôi là niềm vui, niềm tự hào về em và các đồng nghiệp của em, đã góp phần đẩy lùi dịch bệnh nơi thành phố tôi sống. Các em không chỉ được trải nghiệm nghề của mình mà hơn cả là lòng yêu nghề, yêu người, là sự chia sẻ khó khăn gian khổ, là niềm lạc quan tin tưởng, là tình đoàn kết để chiến đấu và chiến thắng. Thành phố Hồ Chí Minh đã trở lại bình thường để phát triển chính là sự khẳng định điều đó.
Ý kiến ()