Chống chuyển giá khó khăn do nhiều nguyên nhân
Đó là chia sẻ do ông Phạm Hồng Lai, Phó Vụ trưởng Vụ Thanh tra (Bộ Tài chính) trong buổi họp báo chuyên đề về thanh tra do Bộ Tài chính tổ chức chiều ngày 13/10, tại Hà Nội.
Theo ông Phạm Hồng Lai, công tác chống chuyển giá có nhiều khó khăn, chẳng hạn như một mặt hàng được luân chuyển qua nhiều nước nên rất khó so sánh và đối chiếu giá, trong khi nhân lực thanh tra chống chuyển giá mỏng, chỉ có 11 người. Doanh nghiệp đa quốc gia phần lớn đóng cơ sở tại rất nhiều nước, nên khó cho việc áp dụng đơn giá chuẩn để so sánh giá đang giao dịch vào đến Việt Nam. Trong khi hầu hết các nước trên thế giới, ngành thuế được giao chức năng độc lập để thực hiện công tác chống chuyển giá, nhưng tại Việt Nam, ngành thuế lại không có chức năng điều tra.
Ông Phạm Hồng Lai cho biết, hiện nay công cụ để thực hiện công tác chống chuyển giá chính là Nghị định số 20/2017/NĐ-CP quy định về quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết. Nghị định này yêu cầu doanh nghiệp có giao dịch liên kết phải thực hiện kê khai; cơ quan thuế thực hiện quản lý, kiểm tra, thanh tra đối với các giao dịch liên kết của người nộp thuế.
Theo báo cáo của Bộ Tài chính, trong quý III/2017, toàn ngành Tài chính đã thực hiện 35.355 cuộc thanh tra, kiểm tra; kiểm tra 165.557 hồ sơ khai thuế tại cơ quan thuế và 4.184 vụ bắt giữ qua điều tra chống buôn lậu. Kiến nghị xử lý tài chính hơn 5.777 tỷ đồng (trong đó, phát hiện và kiến nghị thu hồi ngân sách nhà nước (NSNN) hơn 5.188 tỷ đồng, kiến nghị khác hơn 589 tỷ đồng), xử phạt vi phạm hành chính hơn 1.126 tỷ đồng); số tiền đã thu nộp NSNN hơn 4.275 tỷ đồng.
Ông Trần Huy Trường, Phó Chánh Thanh tra Bộ Tài chính cho biết, 9 tháng qua, toàn ngành tài chính đã thực hiện 67.186 cuộc thanh tra, kiểm tra; kiểm tra 354.426 hồ sơ khai thuế tại cơ quan thuế và 10.022 vụ bắt giữ qua điều tra chống buôn lậu. Kiến nghị xử lý tài chính hơn 13.608 tỷ đồng, số tiền đã thu nộp NSNN hơn 8.928 tỷ đồng.
Đại diện Bộ Tài chính cho biết, qua việc thực hiện 15 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành trong 9 tháng vừa qua đã phát hiện và kiến nghị xử lý về tài chính hơn 1.991 tỷ đồng. Trong đó, kiến nghị thu nộp ngân sách nhà nước hơn 1.034 tỷ đồng; giảm trừ thanh quyết toán, không thanh toán kinh phí hơn 83 tỷ đồng; xử lý tài chính khác hơn 872 tỷ đồng.
Về kiểm tra nội ngành, qua việc thực hiện 7 cuộc thanh tra, kiểm tra tại các lĩnh vực thuế, hải quan, kho bạc nhà nước… đã kiến nghị xử lý về tài chính hơn 81 tỷ đồng. Trong đó, thu nộp ngân sách nhà nước hơn 15 tỷ đồng; giảm trừ thanh quyết toán, không thanh toán kinh phí hơn 10 tỷ đồng; xử lý tài chính khác hơn 55 tỷ đồng.
Riêng đối với lĩnh vực thuế, Thanh tra Bộ Tài chính thực hiện thanh tra, kiểm tra tại 57.935 cuộc thanh tra, kiểm tra tại doanh nghiệp và kiểm tra 354.426 hồ sơ khai thuế tại cơ quan thuế.
Số thuế xử lý tăng thu qua thanh tra, kiểm tra là hơn 11.597 tỷ đồng. Trong đó, tiền thuế kiến nghị thu hồi là hơn 9.616 tỷ đồng; xử phạt là hơn 1.980 tỷ đồng. Số thuế đã nộp NSNN là hơn 6.553 tỷ đồng. Đặc biệt, trong 9 tháng, cơ quan thuế các cấp thực hiện thanh tra, kiểm tra tại 57.935 cuộc thanh tra, kiểm tra tại doanh nghiệp và kiểm tra 354.426 hồ sơ khai thuế tại cơ quan thuế.
Trong lĩnh vực hải quan, đã thực hiện 95 cuộc thanh tra tại 95 đơn vị. Tổng số tiền kiến nghị truy thu là 31.902 triệu đồng, số tiền xử phạt vi phạm hành chính là 4.588 triệu đồng. Số tiền đã thu nộp NSNN là 27.387 triệu đồng.
Thời gian tới, đại diện Bộ Tài chính cho biết sẽ tiếp tục tổ chức triển khai thực hiện, đảm bảo hoàn thành kế hoạch thanh tra, kiểm tra năm 2017 đã được phê duyệt. Bố trí lực lượng dự phòng khi có yêu cầu thanh tra, kiểm tra đột xuất.
Các cuộc thanh tra đảm bảo thực hiện đúng quy định của Luật Thanh tra; chủ động nắm bắt tình hình, thường xuyên báo cáo và đề xuất các phương án xử lý kịp thời các vấn đề phát sinh trong quá trình thanh tra; tổ chức xây dựng kế hoạch thanh tra, kiểm tra năm 2018 theo hướng dẫn của Thanh tra Chính phủ và sát với định hướng, yêu cầu quản lý của ngành./.
Theo dangcongsan
Ý kiến ()